Bệnh viện Bạch Mai ngày ấy – bây giờ

QĐND – Trong 12 ngày đêm của 40 năm trước, cơ sở y tế lớn nhất miền Bắc (Bệnh viện Bạch Mai) đã liên tục hứng chịu những trái bom tàn bạo của máy bay Mỹ. Trận ném bom ngày 22-12-1972 diễn ra khi bệnh viện đang có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm. Nhiều khu nhà làm việc và phòng bệnh bị sập đã lấp kín một số hầm, 28 người bị tử nạn… Thời gian đã xoa dịu nỗi đau chiến tranh, các thế hệ thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đã vượt qua gian khó, hy sinh, tiếp tục phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế bệnh viện loại đặc biệt của quốc gia như ngày hôm nay…

Bệnh viện Bạch Mai khang trang ngày hôm nay. Ảnh: Minh Mạnh

Vừa tránh bom, vừa cứu người

Từ đầu năm 1972, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa hàng trăm bệnh nhân đến nơi sơ tán an toàn, chỉ còn để ở Hà Nội khoảng 300 giường bệnh. Do có hệ thống đường hầm kiên cố, nên các phòng mổ, phòng đẻ, phòng xét nghiệm… và một số giường của bệnh nhân đều để ở dưới hầm. Khi có báo động, mọi bệnh nhân và bác sĩ, y tá, hộ lý vẫn có thể làm việc, điều trị được. Lãnh đạo thành phố Hà Nội phân công bệnh viện có nhiệm vụ cấp cứu người bị thương ở khu vực phía Nam thành phố. Nhiều khi đang còn báo động, nhưng có điện thoại gọi xe cấp cứu đến những nơi bị địch bắn phá, các thầy thuốc lại lên đường, tiến hành sơ cứu tại chỗ rồi đưa bệnh nhân về bệnh viện cứu chữa. Bệnh viện đã nhanh chóng chuyển hoạt động từ hoàn cảnh hòa bình sang hoàn cảnh chiến tranh với hai nhiệm vụ: Vừa khám, điều trị bệnh nhân, tiếp tục đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời vừa sẵn sàng cấp cứu có hiệu quả nhiều bộ đội và nhân dân bị thương do máy bay Mỹ ném bom, bắn phá.

Ngoài trận ném bom ngày 22-12-1972 làm 28 người tử nạn (chủ yếu là các thầy thuốc), sáng 27-12-1972, trong lúc nhiều tốp máy bay phản lực đánh phá Thủ đô, chúng đã bắn một quả tên lửa và ném một quả bom cỡ lớn vào giữa khu vực trung tâm của bệnh viện, phá hủy Phòng Điều trị bệnh tim-mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh hô hấp, bệnh thận, Phòng Hậu phẫu, Khoa Sản – Phụ, Phòng đẻ, Phòng mổ, Phòng Điều trị trẻ em… Khoa Dược bị tàn phá nghiêm trọng, khoảng 3000 chai huyết thanh, rất nhiều loại thuốc quý và máy móc, dụng cụ y tế… bị vỡ, nát, cháy, hỏng. Một bác sĩ và một công nhân đã hy sinh… Cho đến tận ngày 27-1-1973, khi Hiệp định Pa-ri đuợc ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, các bộ phận ở nơi sơ tán của Bệnh viện Bạch Mai mới được lệnh chuyển tất cả phương tiện, máy móc trở về Hà Nội, từng bước ổn định mọi công việc hoạt động bình thường. Năm 1974, Bệnh viện Bạch Mai được sửa chữa và xây dựng lại.

Xứng đáng niềm tin

Từ một cơ sở khám chữa bệnh truyền nhiễm nhỏ bé mang tên “Nhà thương Cống Vọng” được thành lập năm 1911, Bệnh viện Bạch Mai trải qua những bước thăng trầm trong nhiều giai đoạn phát triển, đã từng bước lớn mạnh và trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở thực hành chủ yếu của Trường Đại học Y Hà Nội. Hiện, bệnh viện gồm có 2 viện, 7 trung tâm, 22 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 9 phòng, ban chức năng, 1 trường trung học y tế. Về quy mô, bệnh viện có 1.400 giường bệnh với tổng số hơn 2000 cán bộ, y, bác sĩ, công nhân viên (bao gồm 1.800 thuộc biên chế và hợp đồng của Bệnh viện và 200 người của Trường Đại học Y Hà Nội thường xuyên công tác).

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, với bề dày lịch sử hơn một thế kỷ, Bệnh viện luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, phấn đấu vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Bệnh viện đã có những bước trưởng thành vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Hằng năm, số lượng bệnh nhân đến khám là từ 350.000 đến 450.000 người, số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 50.000 đến 60.000 người…

Cần nói rằng, những năm qua, nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại được ứng dụng có hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh, điển hình như kỹ thuật sử dụng máy X-Quang tăng sáng truyền hình, chụp mạch 2 bình diện, chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, siêu âm Doppler màu… sử dụng kỹ thuật nong mạch vành có giá đỡ, nong van tim, mổ tim hở, điều trị ung thư gan bằng đốt nhiệt sóng cao tần, bằng phương pháp nút mạch, kỹ thuật hóa mô miễn dịch trong chẩn đoán mô tế bào học, kỹ thuật lọc máu… Tại bệnh viện đã có gần 100 kỹ thuật cao được áp dụng, góp phần chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Bệnh viện Bạch Mai trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Danh hiệu Anh hùng Lao động…

HOÀNG TRƯỜNG GIANG
qdnd.vn

Advertisement