Xây dựng niềm tin chiến thắng cho bộ đội

QĐND – Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công chói lọi, một sự kiện trọng đại và là một kỳ tích vô song, bởi đây được coi là “cuộc đụng đầu lịch sử điển hình nhất”, có ý nghĩa và tác động sâu xa cả về chính trị, quân sự, không những trong quá khứ mà cả hiện tại và tương lai. Trong cuộc đọ sức quyết liệt đó, với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc đã đập tan ý đồ “thương lượng trên thế mạnh” của Ních-xơn và buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, thúc đẩy nhanh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta sớm đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đến đầu tháng 10 năm 1972, cục diện chiến tranh Việt Nam có những chuyển biến quan trọng. Ở miền Nam quân và dân ta liên tục giành được thắng lợi lớn. Mỹ vừa phải tiếp tục triệt thoái các đơn vị bộ binh, vừa phải “Mỹ hóa” trở lại bằng không quân và hải quân để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ngăn chặn cuộc chiến tranh của ta. Thời điểm này cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã đến gần, sức ép của chính giới Mỹ và cử tri có tác động mạnh mẽ đến đường lối của đương kim Tổng thống Ních-xơn. Nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kịch liệt lên án và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Phong trào phản đối chiến tranh ngày càng lên cao ở nước Mỹ, buộc Nhà Trắng phải tìm lối thoát cho vấn đề Việt Nam. Cuộc đàm phán ở Hội nghị 4 bên tại Pa-ri đã kéo dài 4 năm mà chưa đến hồi kết thúc. Trước sức ép đó, Ních-xơn đã cử Kít-xinh-giơ đến Pa-ri để nối lại cuộc thương lượng với Việt Nam; và kết quả là phía Mỹ chấp nhận hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” do ta dự thảo. Hai bên đã đưa ra lộ trình cụ thể về việc ký hiệp định và thực hiện những điều cam kết trong hiệp định.

Nhưng với thái độ tráo trở và lật lọng, sau khi tái cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Ních-xơn trắng trợn xóa bỏ bản dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận với Việt Nam, đòi sửa đổi nhiều điều trong bản dự thảo Hiệp định mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí. Đồng thời Ních-xơn và Lầu Năm góc đã bí mật, khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương trên miền Bắc. Cuộc tập kích này được nhà cầm quyền Mỹ gọi là chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II”.

Thực hiện âm mưu này, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, với lực lượng gồm 193 máy bay chiến lược B-52 (chiếm 50% lực lượng không quân chiến lược Mỹ), toàn bộ không quân chiến thuật của không quân và hải quân Mỹ ở Đông Nam Á, bao gồm 5 biên đội tàu hải quân, gần 1000 máy bay các loại, 50 máy bay KC-135 tiếp dầu trên không và sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại khác.

Mặc dù vậy nhưng quân và dân ta không hề nao núng. Chúng ta đã tiến hành mọi công tác chuẩn bị, chủ động bước vào cuộc đụng đầu lịch sử. Với tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ, ngay từ giây phút đầu tiên của chiến dịch này, bộ đội Phòng không – Không quân đã kịp thời phát hiện mục tiêu B-52 và giáng trả địch những đòn đích đáng. Ngay từ đêm 18-12-1972, Bộ đội Ra-đa anh hùng đã phát hiện sớm những tốp B-52 đầu tiên khi chúng còn cách Hà Nội hàng trăm ki-lô-mét. 19 giờ 44 phút, Bộ đội Tên lửa đã phóng những quả đạn đầu tiên vào đội hình B-52 mở màn chiến dịch. Hơn 20 phút sau, chiếc B-52 đầu tiên đã bị trừng trị, bốc cháy dữ dội rồi rơi xuống chính mảnh đất Thủ đô kiên cường. Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử “Siêu pháo đài bay B-52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất… Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7 giờ sáng 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và buộc Chính phủ Mỹ ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh để làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, song yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất đó chính là “sức mạnh tinh thần”. Vũ khí, trang bị quân sự, cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh, nhưng vượt trên tất cả là sức mạnh của lòng quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng. Chính niềm tin chiến thắng, khát vọng hòa bình đã tạo nên một trận địa vững chắc để quân đội ta chiến đấu và chiến thắng. Sức mạnh ấy được kết tinh trong mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta và đã trở thành động lực thôi thúc họ đạp bằng mọi gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, sáng tạo lập kỳ tích vô song có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân đội ta hết sức nặng nề. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ là chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao (chiến tranh công nghệ cao) là một kiểu chiến tranh dựa trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ vào việc trang bị vũ khí, khí tài chiến đấu, cũng như vào việc chỉ huy điều hành chiến tranh. Vũ khí, kỹ thuật trong chiến tranh công nghệ cao có tính năng rất ưu việt: Có sức cơ động cao, tầm bắn xa, độ chính xác lớn, sức công phá mạnh và khả năng tự động hóa cao. Khối lượng vũ khí, khí tài được sử dụng trong chiến tranh rất lớn và có độ tập trung cao trong một thời gian tương đối ngắn (trong 78 ngày đêm tấn công vào Cô-xô-vô, Mỹ và NATO đã sử dụng trên 1.100 máy bay hiện đại ném gần 9000 tấn bom; 14.000 tên lửa, trong đó có trên 800 tên lửa hành trình Tô-ma-hốc…). Bản thân chiến tranh đã mang trong lòng nó sự tàn khốc, ác liệt và nguy hiểm. Trong chiến tranh công nghệ cao, với khối lượng rất lớn và chất lượng rất cao của vũ khí, khí tài càng làm cho sự tàn khốc ác liệt và nguy hiểm tăng lên gấp bội. Do vậy, khi chiến tranh xảy ra sẽ có tác động rất lớn tới tinh thần và tâm lý của bộ đội.

Để giành thắng lợi trong chống chiến tranh công nghệ cao, đòi hỏi chúng ta phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, trong đó việc xây dựng ý chí, niềm tin cho bộ đội vào chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ý chí, niềm tin vào chiến thắng là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện bền bỉ lâu dài và sự trải nghiệm của bộ đội.

Ý chí, niềm tin là một cấu trúc tâm lý phức tạp bao gồm: Tri thức, tình cảm và sự trải nghiệm. Ba thành tố này hòa quyện với nhau tạo thành một “hợp kim” bền vững. Trong đó, thành tố làm cơ sở tiền đề cho việc hình thành niềm tin là tri thức. Do đó, quá trình xây dựng và củng cố ý chí, niềm tin vào chiến thắng cho bộ đội trước hết phải là quá trình trang bị nội dung hệ thống tri thức về chiến tranh công nghệ cao và đặc biệt là những tri thức về các yếu tố quyết định tạo nên chiến thắng của ta trong việc đánh trả chiến tranh công nghệ cao của địch. Khi những tri thức này đạt tới độ sâu, chính xác và mang tính thuyết phục cao, sẽ tạo nên thái độ, cảm xúc tích cực cho bộ đội và cùng với quá trình trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn, niềm tin vào chiến thắng của bộ đội sẽ được hình thành và củng cố.

Đại tá, TS PHẠM DANH QUÝ, Văn phòng Bộ Quốc phòng
qdnd.vn

Advertisement