QĐND – Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đều phải đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn hơn ta nhiều lần. Do đó, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh là nghệ thuật tác chiến đạt đến trình độ đỉnh cao của ông, cha ta. Chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972, Bộ đội Phòng không – Không quân nhân dân Việt Nam đã nắm vững và vận dụng sáng tạo, tài tình nghệ thuật tác chiến lấy ít địch nhiều giành chiến thắng oanh liệt. Có thể coi chiến thắng của “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” như một Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Chi Lăng và Đống Đa… là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến lấy ít địch nhiều quân sự Việt Nam.
Để tiến hành chiến dịch Linebacker II, Quân đội Mỹ đã huy động 193 máy bay chiến lược B-52, chiếm gần 50% tổng số “pháo đài bay” có trong biên chế và 1.077 máy bay chiến thuật, chiếm 31% số máy bay trong biên chế của quân đội Mỹ. Với số lượng máy bay khổng lồ được sử dụng để đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc nước ta bấy giờ cho thấy, mật độ dày đặc của số lượng phi cơ Mỹ được sử dụng và sức tàn phá ghê gớm của bom đạn mà chúng gây ra. Trong khi đó, xét về lực lượng phòng không, chúng ta chỉ có 4 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo cao xạ. Về không quân, chỉ có 9 phi công lái MIC-21 được đào tạo có đủ trình độ tác chiến ban đêm để đánh máy bay B-52 Mỹ. So sánh tương quan trong tác chiến, rõ ràng lực lượng không quân Mỹ có số lượng và trình độ kỹ thuật hiện đại vượt trội hơn ta nhiều lần. Tác chiến trong điều kiện như vậy, rõ ràng phòng không – không quân ta phải vận dụng một cách thông minh, sáng tạo nghệ thuật tác chiến lấy ít địch nhiều của ông, cha.
Kíp chiến đấu tên lửa nhận nhiệm vụ trước khi vào chiến đấu. Ảnh tư liệu.
Nguyên tắc cao nhất của nghệ thuật tác chiến lấy ít địch nhiều là phải đánh vào chỗ hiểm và tiêu diệt được bộ phận quan trọng nhất của quân địch, theo kiểu đòn đau nhớ lâu. Vận dụng thông minh và sáng tạo nghệ thuật tác chiến này, bộ đội tên lửa đã tiết kiệm từng quả tên lửa tập trung đánh và tiêu diệt bằng được càng nhiều càng tốt “pháo đài bay” B-52. Khi số tên lửa trên bệ phóng còn rất hạn chế, các đồng chí chỉ huy và trắc thủ các tiểu đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn Phòng không 361 đã kịp thời đúc rút kinh nghiệm thực tiễn vượt trên lý thuyết bắn thông thường, sử dụng chỉ một đến hai quả đạn cho một lần phóng để bắn tan xác B-52 trên bầu trời Hà Nội. Không quân nhân dân Việt Nam cũng đã sáng tạo ra cách đánh hiểm, vượt qua sự bảo vệ dày đặc của các loại phi cơ hiện đại của quân đội Mỹ, đánh từ vòng ngoài vào trong vít cổ B-52 bằng cú đánh áp sát táo bạo chắc thắng.
Đòn đánh hiểm nhằm vào “pháo đài bay” B-52, con át chủ bài của không lực Hoa Kỳ đã làm nên chiến thắng oanh liệt của quân và dân Thủ đô. Toàn bộ chiến dịch, ta bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B-52, 16 chiếc rơi tại chỗ. Như vậy, hiệu suất chiến đấu của lực lượng phòng không – không quân rất cao, với hơn 12% số máy bay B-52 địch sử dụng bị bắn rơi, chưa kể số bị thương. So sánh với số máy bay bị các nước bắn hạ trong các cuộc chiến tranh gần đây do Mỹ và đồng minh tiến hành, những con số nêu trên thật có ý nghĩa. Điều đáng nói ở đây là, cùng với 34 “pháo đài bay B-52” bị bắn rơi, mỗi kíp bay có 6 phi công và kỹ thuật viên, đây là những phi công, kỹ thuật viên ưu tú nhất của không lực Hoa Kỳ bị bắt hoặc bị chết. Từ sự ngạo mạn coi chiến dịch Linebacker II chỉ là một cuộc dạo chơi trên bầu trời Hà Nội, khi bị bắn rơi và được đưa vào khách sạn “Hilton Hà Nội”, các phi công Mỹ hết sức bàng hoàng. Tại các sân bay, những phi công thoát chết trở về cũng có tâm trạng hết sức hoang mang và lo sợ. Chính điều đó đã làm cho giới cầm quyền Mỹ phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và ngay lập tức quay lại Pa-ri ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định chấm dứt cuộc chiến tranh hao người tốn của theo những điều khoản của ta đưa ra. Điều đó cho thấy, sự hết sức lợi hại của nghệ thuật tác chiến lấy ít địch nhiều của ông, cha ta đã được kế tục một cách xuất sắc bởi những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong tương lai nếu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, điều chắc chắn chúng ta lại phải đối phó với những kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn hơn nhiều lần. Dân tộc ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu lại phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc, thì nghệ thuật tác chiến của ông, cha sẽ mãi mãi là những bài học vô cùng quý giá được nắm vững và vận dụng sáng tạo để đánh bại bất cứ kẻ thù nào có âm mưu xâm lược nước ta. Dù chúng từ đâu đến và có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn hiện đại đến đâu cũng sẽ được nếm những đòn đau, bởi lối đánh hiểm của nghệ thuật tác chiến lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh đã được tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Đại tá, PGS, TS HOÀNG MINH THẢO
qdnd.vn