Hiệu quả “ba chủ động”

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

QĐND – Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của ý chí kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân và nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam, được phát huy, kế thừa từ truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Chủ động phòng tránh, chủ động xây dựng hầm hào, chủ động thông báo… là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Sơ tán, phòng tránh linh hoạt

Trong phòng không nhân dân (PKND), công tác phòng tránh có vai trò hết sức quan trọng, nhằm bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, giảm tổn thất đến mức thấp nhất, tạo điều kiện cho chiến đấu, giữ gìn lực lượng, nhất là lực lượng phòng không duy trì sức mạnh và khả năng chiến đấu liên tục, lâu dài, đồng thời củng cố, nâng cao quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, ổn định cuộc sống sản xuất, học tập trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Trong cuộc tập kích 12 ngày đêm của không quân Mỹ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Chính phủ, Hội đồng Phòng không nhân dân các cấp, sự đôn đốc, hướng dẫn tích cực của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức quần chúng…, nên chúng ta đã đưa được hơn 80% số người cần sơ tán ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Cùng với đào hầm trú ẩn tại từng gia đình, cơ quan, xí nghiệp, quân và dân Hà Nội còn đào các hố trú ẩn trên các trục đường để tránh bom, đạn Mỹ. Ảnh tư liệu.

Trong đó, riêng Hà Nội đã huy động 182 xe ca, 54 xe tải, liên tục vận chuyển nhân dân ra khỏi thành phố, cùng với các phương tiện do nhân dân tự túc, đã đưa được 55 trong số 60 vạn dân về nơi sơ tán, trong đó có 10 vạn người được phân tán khẩn cấp chỉ trong 2 ngày; hàng trăm trường học cũng sơ tán học sinh. Thành phố Hải Phòng chỉ trong một đêm đã khẩn cấp di chyển được 20.000 người ra khỏi khu vực Hạ Lý, Thượng Lý trước khi địch đến đánh phá hủy diệt. Tại các thành phố: Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương… chúng ta đã sơ tán hơn 90% dân số; Thành phố Nam Định chỉ trong 2 giờ đã phân tán khẩn cấp hơn 5000 người ra khỏi khu vực mục tiêu địch đến đánh phá. Thực tế chưa có nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, trường học nào bị địch phát hiện, đánh phá ở nơi sơ tán. Đó là một thành công, một bài học rất to lớn của công tác PKND.

Xây dựng hệ thống hầm hào phòng không

Thực tế chiến tranh, I-rắc đã phải gánh chịu thiệt hại lớn, khi tất cả các hầm, hào phòng không đều bị quân Mỹ phá hủy, kể cả hầm dành cho Tổng thống, do thuê người nước ngoài xây dựng. Đối với Việt Nam, chúng ta đã tổ chức và phát động toàn dân làm hầm hào, kết cấu đơn giản, giữ được bí mật, kẻ địch khó điều tra xác minh được hầm phòng không của ta ở đâu để đánh phá; riêng ở Hà Nội đã có hơn 630.000 hố cá nhân, 50.000 hầm tập thể nhỏ; TP Hải Phòng có 400.000 hố cá nhân…

Tại Hà Nội, theo chỉ đạo của Hội đồng PKND thành phố, bảo đảm cho mỗi người ở lại có trung bình 3 hầm trú ẩn phòng không (nơi ở, nơi công tác và trên đường phố). Ở ngoại thành, nhân dân làm hầm cá nhân chữ A, ở nội thành nhân dân làm hầm cá nhân bằng ống cống có nắp đậy. Tại các khu vực trọng điểm địch đánh phá ác liệt, việc chỉ đạo làm hầm hào rất chặt chẽ, thực hiện đội mũ rơm, áo giáp bằng rơm, đã hạn chế được thương vong cho nhân dân. Số liệu tổng kết cho thấy khi chưa có hầm, hố trú ẩn, trong một trận đánh phá của địch, bình quân có 4,2 người bị thương vong; khi có đủ hầm, hào phòng tránh, sau một trận đánh phá của địch, bình quân chỉ có từ 0,6 đến 0,9 người bị thương vong.

Quan sát, báo động phòng không rộng khắp

Từ thực tiễn tổ chức hệ thống quan sát, thông báo, báo động phòng không của Thủ đô, có thể rút ra một số kinh nghiệm: Chú trọng việc triển khai hệ thống vọng gác phòng không và tổ chức thông báo, báo động phòng không bằng mọi phương tiện. Thành phố đã tổ chức thiết lập hệ thống còi báo động phòng không, gồm: 3 còi lớn đặt trên nóc Nhà hát Lớn, Ga Hàng Cỏ, Hội trường Ba Đình, do Hội đồng PKND thành phố trực tiếp quản lý và phát lệnh báo động. Hệ thống còi tầm của các nhà máy cũng được huy động phối hợp hệ thống báo động phòng không. Ngoài ra, thành phố còn chủ động tổ chức hệ thống loa thông báo, báo động phòng không và giúp cho Hội đồng PKND thành phố chỉ đạo kịp thời các hoạt động phòng tránh. Sở Bưu điện thành phố đã lắp 900 chiếc loa lớn ở nơi công cộng và hơn 50 nghìn loa nhỏ trong các gia đình để thông báo tình hình địch và chỉ thị của Hội đồng PKND. Ở ngoại thành, các làng xã đều tổ chức vọng gác phòng không để quan sát theo dõi hoạt động đánh phá của địch, báo động trực tiếp cho nhân dân địa phương, phục vụ việc chuyển cấp báo động cho các đơn vị dân quân, tự vệ.

Cũng nhờ báo động, thông báo kịp thời, nên chúng ta đã chủ động triển khai nhanh chóng công tác khắc phục hậu quả xảy ra, các địa phương đều tổ chức lực lượng chuyên cứu hỏa, cứu sập hầm, cứu thương, cơ động ứng cứu, sửa chữa, khôi phục trận địa chiến đấu, cầu đường, bảo đảm giao thông vận chuyển…

Thiếu tướng NGÔ MẠNH HÀ Cục trưởng Cục Phòng không lục quân
qdnd.vn

Advertisement