Chủ động về chiến lược bảo đảm hậu cần

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

QĐND – Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đánh dấu mốc quan trọng kết thúc 8 năm chiến tranh phá hoại chống miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ, đập tan cái gọi là “sức mạnh quân sự Mỹ” từ năm 1965 mà chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II là một ví dụ điển hình. Đây “Không chỉ là một trận thắng của một chiến dịch mà là bước ngoặt của lịch sử” – như lời đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc. Tuy nhiên, có một khía cạnh ít được đề cập, đó còn là kết quả của sự chủ động về chiến lược đối với công tác hậu cần.

Nghị quyết 19 của Đảng ủy Tổng cục Hậu cần (TCHC) cuối năm 1971 đã nhấn mạnh: Phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, đảm bảo cho bộ đội SSCĐ đánh thắng địch nếu chúng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc; Tăng thêm lực lượng, phương tiện cho Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ); Nhanh chóng xây dựng các tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu từ hậu phương vào các chiến trường. Từ việc nắm vững đối tượng tác chiến là B-52, đánh phá có tính chất hủy diệt và rút kinh nghiệm công tác sơ tán phòng không trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo hậu cần Quân chủng PK-KQ thực hiện tốt hai yêu cầu cơ bản là: “Sơ tán không để địch đánh phá gây thiệt hại lớn, đồng thời phải bảo đảm các mặt công tác không bị ngừng trệ”. Chỉ đạo sơ tán các cơ sở hậu cần ra khỏi các khu vực tập trung lớn, nhất là nhà ga, đầu mối giao thông quan trọng… Sơ tán, di chuyển là biện pháp quan trọng để đánh địch, bảo đảm an toàn; nhưng đồng thời nảy sinh khó khăn: Cơ sở, đơn vị hậu cần bị phân tán trên địa bàn rộng; kho tàng, trạm, xưởng, bệnh viện… phải triển khai hoạt động trong điều kiện dã ngoại gây trở ngại cho triển khai chế độ, nền nếp bảo đảm, chỉ huy, quản lý hậu cần. TCHC đã chỉ đạo chuyển phương thức bảo đảm từ “tuần tự trên-dưới” sang bảo đảm theo khu vực; phân cấp bảo đảm kết hợp với bảo đảm vượt cấp, phối hợp chặt chẽ các lực lượng bảo đảm cho tác chiến. Tăng cường lực lượng dự trữ cần thiết cho các đơn vị, thực hiện kết hợp giữa hậu cần quân đội với các cơ quan, ban, ngành Nhà nước, dựa vào chính quyền và nhân dân các địa phương để tổ chức bảo đảm tại chỗ cho các đơn vị tác chiến và hoạt động trên từng khu vực; tăng cường khả năng bảo đảm độc lập trên từng hướng chiến lược, địa bàn tác chiến, giảm đến mức thấp nhất yêu cầu vận chuyển bảo đảm trong quá trình diễn biến tác chiến.

Do lường trước được những khó khăn trong công tác vận chuyển, TCHC đã chỉ đạo đi đôi với tranh thủ mọi khả năng vận chuyển của Nhà nước, tập trung xây dựng, mở rộng lực lượng vận tải quân sự; tăng cường lực lượng vận tải cơ giới, nhanh chóng xây dựng, mở các tuyến giao thông vận tải chiến lược. Đồng thời tăng thêm lực lượng, phương tiện vận tải cho quân chủng, kết hợp các loại vận tải cơ giới và thô sơ, thủy và bộ để nâng cao khả năng tự vận chuyển theo phân công, phân cấp ở từng đơn vị. Trong suốt 12 ngày đêm chiến dịch, mặc dù bom đạn địch phong tỏa cả đường bộ, đường không, đường sông, đường biển, tập trung 60% số lần xuất kích, 54% số trận đánh phá của không quân vào các mục tiêu giao thông vận tải, nhưng với khẩu hiệu “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, giao thông vận tải vẫn được giữ thông suốt. Thành phố Hải Phòng đã đề ra chủ trương “quân sự hóa” ngành giao thông vận tải nhằm nâng cao chất lượng công tác của ngành. Xuất hiện nhiều gương dũng cảm phá thủy lôi, bom nổ chậm để thông đường, thông xe, kịp thời chi viện cho các trận địa thực hiện nhiệm vụ cơ động đánh địch. Nhờ có sự chỉ đạo chiến lược, chúng ta đã làm tốt công tác phòng tránh, sơ tán, tổ chức tham gia đánh địch bảo vệ an toàn cơ sở lực lượng vật chất kỹ thuật ở các cấp; nhanh chóng chuyển hướng về mặt tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng, điều chỉnh bố trí các đơn vị, cơ sở bảo đảm phù hợp điều kiện chiến tranh; coi trọng xây dựng, mở rộng các tuyến hành lang vận tải chi viện chiến lược, không ngừng phát huy sức mạnh bảo đảm cho các chiến trường đánh thắng. Quân chủng PK-KQ là đơn vị tiêu thụ xăng dầu rất lớn, vì vậy, việc chuẩn bị xăng dầu, nhất là nhiên liệu bay cho chiến dịch được TCHC chỉ đạo sát sao. Các sân bay đều có dự trữ đủ theo quy định và theo sức chứa của sân bay, bảo đảm cho từ 30 đến 40 ngày chiến đấu. Trước ngày mở màn chiến dịch, Sư đoàn Không quân 371 đã tiếp nhận 6.261 tấn nhiên liệu bay TC-1, dầu mỡ phụ bảo đảm đủ đến quý I-1973. Các kho chiến lược của TCHC cũng chuẩn bị sẵn sàng chi viện trực tiếp cho các sân bay trên các hướng.

Quán triệt quan điểm “Không ngừng nâng cao khả năng bảo đảm chiến đấu cho quân đội”, ngành hậu cần đã ra sức xây dựng, mở rộng tổ chức lực lượng, phát triển mạnh cơ sở, đơn vị bảo đảm, tăng cường tổ chức lực lượng hậu cần chiến lược đi đôi mở rộng phân cấp, kiện toàn lực lượng, nâng cao khả năng bảo đảm của hậu cần các cấp. Hệ thống cơ sở thu dung điều trị được nhanh chóng mở rộng, đã nâng cao rõ rệt khả năng điều trị ở các tuyến. Thực hiện kết hợp quân y và dân y xây dựng mạng lưới cấp cứu, tải thương, điều trị rộng khắp, hình thành các khu vực bảo đảm quân dân y trên các địa bàn tác chiến với một số cơ sở điều trị làm trung tâm kỹ thuật ở từng khu vực bảo đảm; tăng cường khả năng cho các tuyến trước; tăng cường chất lượng cán bộ và phương tiện kỹ thuật, dự trữ thuốc men cho các đơn vị chiến đấu độc lập ở xa. TCHC trực tiếp chỉ đạo Quân y Quân chủng PK-KQ làm tốt tổ chức cứu chữa, điều trị thương binh, bệnh binh; thực hiện tốt chủ trương “tích cực chủ động đánh địch kết hợp phòng tránh để chiến đấu lâu dài”, nên mặc dù Mỹ đã huy động cao độ sức mạnh của không quân để đánh phá, nhưng số thương vong đã được hạn chế. Các phương án cấp cứu hàng loạt đã được dự kiến trước, các tổ đội chống sập, chống cháy nổ được thành lập. Đặc biệt, công tác kiểm tra từ quân chủng đến đơn vị được làm nhiều lần, vật chất được bổ sung kịp thời, nên mặc dù có tới 24 đơn vị, trận địa bị máy bay địch đánh trúng, có đơn vị bị thương số lượng lớn, nhưng đã giải quyết cấp cứu tốt thương binh, 100% được băng bó, hồi sức, chống choáng đưa đến tuyến sau, giảm thời gian điều trị, trả nhanh quân số về chiến đấu…

Như vậy, có thể thấy đường lối lãnh đạo của Đảng đã được vận dụng sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch phòng không năm 1972. Có nhiều bài học được rút ra trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai, đặc biệt là cần nghiên cứu nắm chắc tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết, tình hình kinh tế-xã hội địa phương, chuẩn bị về cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật; từng bước nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm phù hợp điều kiện tác chiến mới, tạo nên thế và lực bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho chiến đấu và giành chiến thắng của các lực lượng PK-KQ.

Đại tá, TS NGUYỄN ĐÔNG THỨC
qdnd.vn

Advertisement