Đường đến phương pháp “Vượt nửa góc”

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

QĐND – Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361 đã mưu trí, dũng cảm bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ 2 và cũng là chiếc đầu tiên bắn bằng phương pháp “vượt nửa góc” Phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa phỏng vấn ông Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 – người trực tiếp chỉ huy trận đánh. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Kíp chiến đấu bắn rơi B-52 đầu tiên bằng phương pháp “vượt nửa góc”‘, từ phải sang: Đỗ Đình Tân (Trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (Tiểu đoàn trưởng); Nguyễn Văn Đức (Sĩ quan điều khiển); Lưu Văn Mộc (Trắc thủ góc tà); Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh do đồng chí Đinh Thế Văn cung cấp

Phóng viên (PV): Tiểu đoàn ông chủ động hay tình cờ bắn rơi chiếc máy bay B-52 thứ hai, nhưng là chiếc đầu tiên theo phương pháp “vượt nửa góc”?

Ông Đinh Thế Văn: Chủ động chứ. Chiếc máy bay đó rơi tại chỗ ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây vào lúc 4 giờ 39 phút ngày 19-12. Để bắn được B-52 bằng phương pháp “vượt nửa góc” tiểu đoàn chúng tôi không những phải vượt qua những ngày học tập, nghiên cứu, huấn luyện ứng dụng cực kỳ gian khổ, mà còn có cả xương máu của đồng đội trong gần 7 năm Quân chủng PK-KQ tìm cách đánh để đối đầu với B-52.

PV: Ông giải thích tính ưu việt của phương pháp“vượt nửa góc” với phương pháp “3 điểm” mà Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn Phòng không 361 đã ứng dụng bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trong Chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vào đêm hôm trước?

Ông Đinh Thế Văn: Khi còn bám mục tiêu (B-52) thì giữa quả tên lửa của ta và mục tiêu là một góc. Đến điểm góc bằng không là tên lửa đã bắn được B-52. “Vượt nửa góc” nghĩa là quả tên lửa của ta điều khiển lên sao cho phải luôn luôn đón trước nửa góc với mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa tự động bắn mục tiêu. Như vậy cách đánh này xác suất đạt cao, vừa tiết kiệm đạn, vừa bắn rơi được B-52 tại chỗ.

PV: Còn phương pháp bắn “3 điểm”?

Ông Đinh Thế Văn: Ba điểm là ấn nút bắn mục tiêu, khi đài ra-đa, tên lửa và mục tiêu (nhiễu máy bay B-52) trên một đường thẳng. Cách đánh này không phát sóng “vạch nhiễu tìm B-52” tránh được tên lửa (sơ-rai) của địch bắn trở lại trận địa, nhưng không phát huy được tên lửa bắn tự động và thường phải bắn một lúc nhiều tên lửa.

PV: Cái khó của phương pháp “vượt nửa góc” là gì?

Ông Đinh Thế Văn: Để bắn B-52 bằng phương pháp “vượt nửa góc” đòi hỏi lòng dũng cảm, trí thông minh và bản lĩnh của cả kíp chiến đấu rất cao. Trước hết là không sợ địch, dũng cảm mở máy ra-đa liên tục để lùng sục, vạch trong dải nhiễu tìm đúng vị trí B-52. Nếu xử trí không nhanh, cắt sóng không kịp sẽ bị sơ-rai của địch bắn phóng vào trận địa. Nghĩa là toàn kíp chiến đấu gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển, 3 trắc thủ phải hiệp đồng chặt chẽ, phải nhuần nhuyễn trong thao tác để sao cho trong vòng 60 giây đã hoàn thành một trận đánh.

PV: Phương pháp “vượt nửa góc” sau trận đánh thành công của Tiểu đoàn có được ứng dụng rộng rãi trong chiến dịch không?

Ông Đinh Thế Văn: Ngay sau thắng lợi của Tiểu đoàn 77, các tiểu đoàn khác đã ứng dụng phương pháp “vượt nửa góc” bắn rơi nhiều B-52.

PV: Xin cảm ơn ông!

HUY THIÊM (thực hiện)
qdnd.vn

Advertisement