Chiến thắng của sự kết hợp thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

QĐND – Bốn mươi năm đã trôi qua, nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu về “Điện Biên Phủ trên không” đã tổng kết, đúc rút thành các bài học được công bố trong nước và trên thế giới. Tôi hoàn toàn đồng tình với những gì mà các công trình nêu ra. Với cương vị là người trong cuộc, tôi xin góp một lời bàn để lý giải câu hỏi mà đến nay vẫn có nhiều người đặt ra: “Vì sao bộ đội Tên lửa Phòng không (TLPK) Hà Nội bắn rơi máy bay chiến lược B -52 của Mỹ trong cuối tháng Chạp năm 1972”.

Tôi cho rằng, chiến thắng của Bộ đội TLPK Hà Nội tháng 12-1972 là bởi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời là bởi, thời cơ mà người Mỹ chọn để đánh Hà Nội lúc này là muốn ép chúng ta phải ký một hiệp định có lợi nhất cho phía Mỹ. Phía ta, sau 4 năm nghiên cứu đánh máy bay B -52 ở chiến trường Quân khu 4 và cả ở Hải Phòng, Bộ đội TLPK đã rút được nhiều kinh nghiệm và biên tập thành tài liệu “Cách đánh B -52” để tập huấn cho toàn quân chủng vào cuối tháng 10-1972. Bộ đội TLPK Hà Nội trải qua gần một năm chiến đấu với lực lượng không quân Mỹ với thủ đoạn gây nhiễu tạp, nhờ đó đã sáng tạo và thành thạo cách đánh “ba điểm”. Đây là một lợi thế của bộ đội TLPK Hà Nội so với bộ đội tên lửa Hải Phòng và Khu 4 khi bước vào đánh B -52. Trong quá trình xây dựng cách đánh máy bay B -52, bộ đội TLPK Hà Nội đã được Quân chủng PK -KQ xác định là lực lượng chủ yếu. Do vậy ngay từ tháng 11-1972, các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn TLPK Hà Nội đã miệt mài luyện tập thành thạo cách đánh máy bay B -52 theo tài liệu tập huấn của quân chủng và chỉ chờ thời cơ để sử dụng nó. Khoảng thời gian ngừng bắn từ cuối tháng 10-1972 là cơ hội rất thuận lợi để bộ đội tên lửa Hà Nội huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật trước khi bước vào chiến dịch.

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn Tên lửa 57 (Trung đoàn 261) bắn rơi 4 máy bay B -52 trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972.

Về phía đối phương, do 4 năm sử dụng B -52 đánh phá miền Bắc nước ta, kể cả đánh vào Hải Phòng, nhưng chúng chưa bị ta bắn rơi tại chỗ B -52 nên không quân Mỹ chủ quan, coi thường lực lượng TLPK Việt Nam. Họ cho rằng: “Bay vào Hà Nội chỉ như cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông, ở độ cao 10.000m, đối phương không thể với tới, các bạn chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ”. Sự chủ quan của không quân Mỹ cũng chính là thời cơ vàng của chúng ta để hạ “nốc ao” con ngáo ộp B -52 trên bầu trời Thủ đô. Ta nói việc đánh giá sai khả năng chiến đấu của TLPK là thời cơ “vàng” vì nếu không quân Mỹ coi lực lượng TLPK Hà Nội là mối đe dọa trực tiếp thì họ sẽ tổ chức lực lượng không quân đánh phá các trận địa tên lửa ngay từ đầu chiến dịch như hệ thống sân bay của ta khi đó. Nếu như vậy thì chúng ta sẽ không biết điều gì xảy ra trong chiến dịch này.

Một yếu tố khác là cuối tháng 11 đầu tháng 12-1972 cấp trên đang có kế hoạch đưa Trung đoàn Tên lửa 261 vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Nhưng quyết định đó chưa thực hiện thì chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp 1972 đã xảy ra và lực lượng tên lửa Hà Nội đủ khả năng đánh trả và đánh thắng không quân chiến lược Mỹ.

Khi đánh Hà Nội là một mục tiêu cố định. Máy bay B -52 muốn bay bằng cắt bom chính xác vào mục tiêu thì ở cự ly cách mục tiêu từ 70km đến 100km bắt buộc phi công phải giữ máy bay bay ổn định cho tới lúc bay qua mục tiêu. Đây lại là thời cơ tốt nhất để bộ đội TLPK Hà Nội thực hành xạ kích và bắn rơi máy bay B -52 của Mỹ. Đó chính là: Địa lợi. Mặt khác thế trận phòng không Hà Nội đã được xây dựng từ nhiều năm, trải qua thử thách trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ được bổ sung, điều chỉnh thích hợp khá ổn định. Hỏa lực tên lửa ở đây có thể bố trí đánh được nhiều tầng, nhiều hướng. Do vậy khi đánh Hà Nội, máy bay B -52 của Mỹ thường cùng một lúc bị nhiều đơn vị đánh tập trung và “đánh bồi, đánh nhồi” nên xác suất tiêu diệt chúng tăng lên rất cao, khả năng bị bắn rơi nhiều là điều tất yếu.

Do đội hình bố trí nhiều tầng, nhiều lớp, nên khi B -52 gây nhiễu trong đội hình thì sẽ có đơn vị bị nhiễu nặng khi tham số đường bay nhỏ phải đánh bằng phương pháp 3 điểm. Và có những đơn vị bị nhiễu nhẹ có khả năng phát hiện được mục tiêu trên nền nhiễu khi tham số đường bay tương đối lớn. Đây là thời cơ thuận lợi để các đơn vị TLPK sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc – một phương pháp bắn hiệu quả nhất của khí tài tên lửa phòng không SAM -2 để bắn rơi B -52.

Yếu tố quyết định cho việc đánh thắng B -52 trong tháng Chạp năm 1972 chính là con người trong chiến tranh, nói cách khác là được: Nhân hòa. Ngày đó những người chiến sĩ TLPK Hà Nội cũng như những người chiến sĩ khác trên khắp các chiến trường chống Mỹ trong cả nước, họ đều có một quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ được mọi người dân tin tưởng và quyết tâm thực hiện bằng được. Từ niềm tin họ biến thành hành động cụ thể trong công tác, lao động sản xuất và đặc biệt là trong chiến đấu. Nhân hòa ở đây còn là lòng tin. Những ngày đó lòng tin vào vũ khí khí tài có khả năng đánh rơi B -52 là rất quan trọng. Sự tin tưởng đó là xuất phát từ tính năng của bộ khí tài cho phép và đã được kiểm nghiệm từ thực tế chiến đấu trên các chiến trường. Từ lòng tin người chiến sĩ TLPK biến thành hành động thực tế huấn luyện, trong công tác bảo quản, khai thác triệt để những tính năng của bộ khí tài để đánh địch. Chính từ lòng tin mà nhiều đơn vị đã mạnh dạn sử dụng phương pháp “ba điểm” – một phương pháp có xác suất tiêu diệt thấp để đánh địch nhưng vẫn hiệu quả. Có lòng tin nên từng cán bộ, chiến sĩ đã ngày đêm lăn lộn sửa chữa khí tài khi xảy ra hỏng hóc, điều chỉnh tỉ mỉ từng tham số về giá trị danh định để bảo đảm hệ số sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Nhân hòa ở đây còn là lòng tin, là sự tin tưởng lẫn nhau trong kíp chiến đấu của tiểu đoàn TLPK. Chúng ta biết trong tiểu đoàn TLPK SAM -2 hàng trăm con người phục vụ cho công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Nhưng để đưa quả đạn tới diệt máy bay thì cuối cùng phụ thuộc vào vai trò của tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ tay quay. Sự hiệp đồng giữa những con người này là rất quan trọng, chỉ cần một sơ suất nhỏ của một trong năm con người này là trận đánh sẽ thất bại. Vì vậy sự đoàn kết và tin cậy lẫn nhau của kíp trắc thủ có vai trò quyết định trong chiến đấu. Ngoài sự tin cậy trong kíp trắc thủ, họ còn rất tin cậy đối với công tác kiểm tra, điều chỉnh tham số máy móc của các xe, hệ, bệ, đạn trong toàn tiểu đoàn cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh trong chiến đấu. Suy cho cùng trong mọi trường hợp nếu chúng ta mất lòng tin thì sẽ chẳng làm được một việc gì thành công.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần để tạo nên sức mạnh trong cả hai cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc nói chung và trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 đó là Đảng ta đã khéo léo tận dụng được sự giúp đỡ của các nước XHCN, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc; sự ủng hộ của các nước bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ trên thế giới đã góp phần giúp chúng ta đánh Mỹ và thắng Mỹ.

ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐÌNH KIÊN (*)
qdnd.vn

(*)Anh hùng LLVT nhân dân; nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu; nguyên sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261).

Advertisement