QĐND Online – Những ngày cuối thu năm nay, Khu di tích Khâm Thiên (Hà Nội) bị máy bay B-52 ném bom rải thảm trong những ngày cuối tháng Chạp năm 1972, được nhiều người tìm đến. Giữa gió thu se lạnh, nhìn bức tượng người phụ nữ ôm đứa con nhỏ mềm oặt trên tay, lòng người không khỏi xót xa cho những người dân vô tội đã chết oan uổng bởi bom đạn trút xuống từ những “con ngáo ộp” B-52, trong Chiến dịch tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn của miền Bắc nước ta tháng 12-1972.
Phía sau bức tượng người mẹ ôm con con là dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ 26-12-1972”. Lời căm thù ấy gợi lại cái ngày tang tóc của bao gia đình ở khu phố này. 40 năm đã trôi qua, song nỗi đau ngày nào vẫn được người dân nơi đây kể nhau nghe…
Khu di tích Khâm Thiên (Hà Nội)
Khoảng 22 giờ 47 phút ngày 26-12-1972, một vệt bom B-52 đã trùm gần hết chiều dài khu phố Khâm Thiên, nơi có hơn 5.900 hộ với hơn 29.500 người sinh sống. Sau trận bom kinh hoàng ấy, 287 người bị chết và 290 người bị thương. Cùng với đó, gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị đánh sập.
12 ngày đêm dội bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố lân cận, không quân Mỹ còn gieo rắc sự đau thương, mất mát ở nhiều địa điểm khác.
Những thông tin ấy đã đủ nói lên sự tàn bạo của quân xâm lược và sự phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà chúng tiến hành ở Việt Nam. Vậy nhưng, đặt chân đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tham quan những hiện vật được sưu tầm liên quan đến 12 ngày đêm tháng 12 của 40 năm trước, khách tham quan càng cảm nhận sâu sắc sự bạo tàn của giặc Mỹ. Trong một chiếc tủ kính, có 4 hiện vật đã làm không ít người phải ngậm ngùi, bởi đó là vật dụng của thai phụ và những em bé bị bom B-52 giết hại.
Trong chiếc tủ kính ấy có chiếc áo sơ mi của chị Nguyễn Thị Thơm, ở số nhà 45 phố Khâm Thiên, có thai 8 tháng, bị bom B-52 giết hại cùng cả gia đình đêm 26-12-1972. Tại khu phố Khâm Thiên đêm đó, cháu Nguyễn Quang Kiên mới 4 tháng tuổi, ở số nhà 2 ngõ Hồ Cây Sữa và bà nội cũng bị bom B-52 giết chết. Chiếc mũ và giấy khai sinh của Kiên đang được trưng bày trong tủ kính.
Vật dụng của thai phụ và các em bé bị B-52 rải bom giết hại, tháng 12-1972
Hiện vật tiếp theo là một con vịt đồ chơi bằng nhựa của cháu Trần Văn Lý, 2 tuổi, ở Xóm 4, thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, Từ Liêm (Hà Nội). Cháu và cả gia đình bị B-52 ném bom giết hại chiều 19-12-1972. Trong buổi chiều ấy, cháu Đỗ Quang Huy, 3 tuổi, cũng ở xã Mễ Trì, cùng cả gia đình bị bom Mỹ sát hại. Chiếc áo của cháu Huy được xếp ngay ngắn bên những hiện vật của các nạn nhân khác.
Khu di tích Khâm Thiên, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và nhiều điểm di tích khác liên quan đến Chiến thắng B-52 chắc chắn sẽ đón nhận nhiều lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Với những gì được chứng kiến từ những điểm di tích ấy, đồng bào cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế sẽ hiểu hơn về quyết tâm của quân, dân miền Bắc khi vượt lên đau thương, mất mát, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, làm nên kỳ tích “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”…
Bài, ảnh: Phạm Hoàng Hà
cpv.org.vn