Chủ động mọi mặt cho chiến dịch phòng không

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 / 12-2012)

QĐND – Những tháng cuối năm 1972, đặc biệt là sau khi trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, Ních-xơn và tập đoàn cầm quyền Mỹ vừa gấp rút tăng viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đốc thúc quân đội Sài Gòn tăng cường phản kích lấn chiếm vùng giải phóng ở miền Nam, vừa tập trung toàn bộ lực lượng không quân chiến lược (hơn 100 máy bay B-52), không quân chiến thuật (khoảng 1000 máy bay các loại) ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương mở cuộc tập kích không quân chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B-52) mang mật danh Lai-nơ-bếch-cơ II vào Hà Nội, Hải Phòng, dọc phía Bắc đường số 1, nhằm đánh phá hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, buộc Chính phủ ta phải trở lại Hội nghị Pa-ri, chấp nhận ký kết những điều khoản có lợi cho Mỹ.

Trước tình hình nghiêm trọng đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương một mặt tăng cường chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường Trị-Thiên, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên tích cực tiến công đánh bại các đợt phản kích lấn chiếm vùng giải phóng của quân đội Sài Gòn; mặt khác, quyết định tập trung lực lượng phòng không nhân dân trên miền Bắc (chủ yếu là Bộ đội Phòng không – Không quân) mở chiến dịch phòng không quyết tâm đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng của đế quốc Mỹ.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân khẩn trương hoàn thiện nội dung kế hoạch chiến dịch phòng không (đã được chuẩn bị từ trước), trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phòng không như nắm vững và phán đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật, hướng và mục tiêu tiến công của chúng; nghệ thuật bố trí đội hình, sử dụng lực lượng, cách đánh và công tác bảo đảm của bộ đội phòng không để sớm triển khai mọi mặt cho chiến đấu và SSCĐ, luôn giành chủ động đánh thắng địch trong bất cứ tình huống nào. Trên cơ sở đó (cùng với kinh nghiệm tác chiến phòng không chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất), các cơ quan tác chiến, huấn luyện của Bộ và Quân chủng Phòng không – Không quân thống nhất phương pháp huấn luyện bổ sung nâng cao kỹ năng kỹ thuật, chiến thuật sử dụng vũ khí, khí tài quyết tâm đánh bại các thủ đoạn mới của địch trong tập kích đường không bằng máy bay B-52, nhất là thủ đoạn gây nhiễu phức tạp và dày đặc nhằm vô hiệu hóa ra-đa, tên lửa và hệ thống chỉ huy hỏa lực của ta. Quá trình tác chiến phải phát huy được sức mạnh hiệp đồng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo thành lưới lửa nhiều tầng, nhiều tuyến, có thể đánh địch đột nhập từ mọi hướng, trên mọi độ cao, tìm mọi cách đánh diệt máy bay B-52 của địch.

Kíp chiến đấu tên lửa Tiểu đoàn 77 trao đổi kinh nghiệm đánh máy bay B-52 của không quân Mỹ. Ảnh tư liệu.

Với phương án tác chiến, huấn luyện được soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh nâng cao và tập luyện kỹ lưỡng, chúng ta quyết tâm đối đầu với chiến dịch tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ. Trong chiến dịch này, ta bố trí lực lượng ra-đa thành mạng lưới liên hoàn, có thể hỗ trợ cho nhau phát hiện các loại máy bay ở các tầng, các hướng; lấy tên lửa là lực lượng chính tiêu diệt máy bay B-52; lực lượng không quân tiêm kích là lực lượng tiến công phá vỡ và gây rối loạn đội hình không quân địch và công kích máy bay B-52 ngoài tầm tên lửa phòng không; lực lượng pháo cao xạ là lực lượng chính đánh diệt máy bay cường kích chiến thuật, tầm thấp. Với lực lượng, thế trận được chuẩn bị kỹ càng, toàn bộ lực lượng trực tiếp tham gia chiến dịch phòng không bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, được bố trí trên ba cụm phòng không (Hà Nội, Hải Phòng và phía Bắc đường 1) cùng các hướng hỗ trợ khác, đã đánh trả mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Đây là cuộc đấu trí, đấu lực hết sức căng thẳng giữa Bộ chỉ huy ta với Bộ chỉ huy địch, giữa lực lượng phòng không ta với lực lượng không quân Mỹ. Trải qua 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 chiến đấu, lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là bộ đội tên lửa, pháo cao xạ, không quân, bằng ba trận then chốt (đêm 18 rạng ngày 19-12, đêm 20-12, đêm 26-12) đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Số máy bay B-52 bị bắn hạ (34 chiếc) vượt quá sức chịu đựng của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi to lớn, toàn diện của chiến dịch phòng không nhân dân nửa cuối tháng 12-1972 đã giáng đòn quyết định vào nỗ lực cuối cùng về quân sự trong năm 1972 của đế quốc Mỹ. Cùng với chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972, chiến công vang dội kể trên đã buộc Mỹ phải trở lại và ký vào bản Hiệp định của Hội nghị Pa-ri, thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đồng thời, chiến thắng đó đã để lại cho quân và dân ta nói chung, bộ đội phòng không – không quân nói riêng nhiều bài học quý báu về nghệ thuật chủ động xây dựng phương án, tổ chức lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không; về nghệ thuật tác chiến và xử lý tình hình trong quá trình diễn biến chiến dịch… Những bài học quý báu ấy vừa làm giàu thêm kho tàng lý luận khoa học quân sự Việt Nam, vừa có giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện mới.

Đại táTRẦN TIẾN HOẠT
qdnd.vn

Advertisement