Thế trận phòng không rộng khắp, đánh địch hiệu quả

QĐND – Để cứu vãn tình thế và buộc ta chấp nhận những điều khoản có lợi cho Mỹ ở Hội nghị Pa-ri, tháng 12-1972, Mỹ mở chiến dịch tiến công bằng không quân, mang tên Linebacker II, dùng sức mạnh không quân với máy bay chiến lược B-52 đánh phá thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số trung tâm công nghiệp của miền Bắc nước ta. Qua 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường (từ 18 đến 30-12-1972), quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược, đòn quyết định buộc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi của chiến dịch để lại nhiều bài học về nghệ thuật tác chiến phòng không, nổi bật là nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không hợp lý, khoa học.

Để xây dựng thế trận đánh địch hiệu quả, ta đã chủ động nghiên cứu tìm ra quy luật đánh phá của không quân chiến lược Mỹ. Với phương châm kiên quyết bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ, ta xác định lực lượng tên lửa làm chủ công đánh B-52, từ đó chủ động triển khai thế trận trước khi mở màn chiến dịch, tuyệt đối giữ bí mật thế trận và sử dụng lực lượng pháo phòng không đánh trinh sát chiến thuật. Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân quyết định đưa toàn bộ tên lửa vào vòng trong để tập trung hỏa lực tiêu diệt máy bay B-52. Cụm phòng không Hà Nội có Sư đoàn 361, gồm 3 trung đoàn tên lửa, 5 trung đoàn pháo phòng không. Cụm phòng không Hải Phòng có Sư đoàn 363, gồm hai trung đoàn tên lửa, hai trung đoàn pháo phòng không. Cụm phòng không phía Bắc Đường số 1 có Sư đoàn 375, gồm 5 trung đoàn pháo phòng không và hai tiểu đoàn pháo phòng không của Hà Bắc. Cụm phòng không Thái Nguyên có Trung đoàn pháo phòng không 256 của Quân khu Việt Bắc. Cụm phòng không Yên Bái có Trung đoàn pháo phòng không 254 của Quân khu Việt Bắc.

Hỏa lực phòng không trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không” tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Ngoài ra, còn có 3 trung đoàn pháo phòng không độc lập của quân chủng bảo vệ mục tiêu vòng ngoài làm nhiệm vụ dự bị. Bằng thế trận trên, 3 ngày đầu chiến dịch, tên lửa đã bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ, bắt sống giặc lái. Song do toàn bộ bố trí ở vòng trong, nên tên lửa chỉ bắn rơi B-52 sau khi đã cắt bom. Để đánh địch từ xa, Quân chủng PK-KQ điều hai tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng lên bố trí vòng ngoài trên hướng Bắc và sử dụng hai tiểu đoàn của Trung đoàn 274 bố trí vòng ngoài phía Tây Nam. Sau trận đánh then chốt đêm 20-12, ta thấy để máy báy MiG-21 cất cánh từ sân bay tuyến trong rất bất lợi, vừa khó dẫn đường, vừa hạn chế lớn đến khả năng đánh của tên lửa, do vậy quân chủng quyết định đưa MiG-21 ra tuyến ngoài (Yên Bái và Cẩm Thủy) để tạo điều kiện đánh B-52.

Trên cơ sở thế trận đã xây dựng, ta tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, hiệp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng trong Quân chủng PK-KQ, giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân để đánh các loại máy bay chiến lược, chiến thuật của địch; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Đến trước ngày 18-12-1972, riêng ở Hà Nội ta đã xây dựng được 30 trận địa tên lửa, hơn 100 trận địa cao xạ các loại, mỗi tiểu đoàn tên lửa đều có hơn hai cơ số đạn, hệ số kỹ thuật của tên lửa bảo đảm 100%, pháo phòng không là 95% và của ra-đa là 96,5%. Các lực lượng khác tổ chức 92 trận địa pháo phòng không tầm thấp, 4 đại đội cao xạ tầm trung (loại 100mm), nhiều trận địa bố trí trên các tòa nhà cao tầng, gần các mục tiêu trọng điểm, đón lõng trên các đường bay của địch. Ngoài ra, ta còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch. Để chiến dịch giành thắng lợi, ta tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch gồm 3 sư đoàn phòng không (361, 363, 375), 23 tiểu đoàn tên lửa, 13 trung đoàn cao xạ, 4 trung đoàn không quân, 4 trung đoàn ra-đa, 3 trung đoàn và hai tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn, ngoài ra còn có 346 đội phòng không của dân quân, tự vệ bố trí thành thế trận phòng không vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng. Đồng thời, để đánh bại cuộc tiến công của địch, ta xác định chính xác 3 khu vực tác chiến lớn: Hà Nội, Hải Phòng và phía Bắc Đường số 1, trong đó khu vực chủ yếu là Hà Nội, khu vực quan trọng là Hải Phòng, khu vực hỗ trợ là phía Bắc Đường số 1, lấy Hà Nội làm hướng chủ yếu để tập trung đánh, lấy máy bay B-52 làm mục tiêu chủ yếu để tiêu diệt trong một thời gian ngắn, đến mức tổn thất mà địch không thể chịu nổi, chấp nhận thua, chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược.

Cùng với chủ động tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược B-52, ta đã làm tốt công tác phòng tránh, vận động nhân dân sơ tán ra khỏi các trọng điểm đánh phá, chỉ đạo củng cố và xây dựng hầm trú ẩn, tổ chức tốt hệ thống thông tin-thông báo, quan sát báo động, triển khai các phương án làm giảm hiệu quả đánh phá của địch xuống mức thấp nhất. Cùng với mạng lưới tình báo quốc gia, ra-đa cảnh giới, Hà Nội và các địa phương còn lập các đài quan sát, trạm quan sát hình thành mạng lưới quan sát rộng khắp từ xa đến gần phục vụ chiến dịch.

Thắng lợi của chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972 là thắng lợi của tư tưởng tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo của quân và dân ta. Nghệ thuật chỉ đạo tác chiến vẫn còn nguyên giá trị, để lại những kinh nghiệm quý trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phát triển lên một tầm cao mới, trong điều kiện mới.

Đại tá ĐÀO VĂN ĐỆ
qdnd.vn

Advertisement