QĐND Online – Ngày 19-12-1972, ngày thứ hai của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đúng 4 giờ 32 phút, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) đã phóng 2 quả đạn tên lửa, biến một chiếc B-52 thành bó đuốc rừng rực cháy giữa trời rồi rơi xuống cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Hoàng Hà, một cậu bé khi đó 13 tuổi, sơ tán về xã Tân Hưng, đã chạy ra cánh đồng để tận mắt chứng kiến “con ngáo ộp” B-52 bị đền tội.
Mảnh xác chiếc B-52 được anh Hà gửi cho bố ở chiến trường.
Bố Hà là Hoàng Bình, khi đó đang chiến đấu tại Quảng Nam. Một ngày đầu năm 1973, ông Hoàng Bình nhận được thư và quà của gia đình. Mở gói quà, ông vô cùng bất ngờ khi thấy trong đó có một mảnh kim loại, vài tờ tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài, mấy bài báo được cắt từ các báo đăng về “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972”. Đọc thư của con trai, ông Hoàng Bình mới biết, mảnh xác B-52 và những tờ tài liệu được in bằng tiếng nước ngoài kia là do con trai ông nhặt được tại điểm chiếc B-52 rơi.
Món quà nhỏ, nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với những người lính đang đứng nơi hòn tên, mũi đạn. Món quà ấy như lời khẳng định, quân và dân Thủ đô Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung, đã kiên cường chống trả và đánh bại cuộc tấn công đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, với tham vọng đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”; quân và dân Hà Nội đang sát cánh cùng các mũi tiến công của ta trên chiến trường, quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc sớm đi đến ngày toàn thắng.
Món quà của cậu con trai gửi mình năm xưa đã được Đại tá Hoàng Bình trao tặng Bảo tàng Phòng không-Không quân, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Bộ đội Tên lửa đánh thắng trận đầu (24-7-1995).
Món quà của anh Hà cùng bức thư của Đại tá Hoàng Bình, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không-Không quân.
Trong một chiếc tủ kính của Bảo tàng Phòng không-Không quân, bên cạnh “món quà độc đáo” của anh Hà, còn có lá thư Đại tá Hoàng Bình gửi Bảo tàng, trong đó có đoạn: “Món quà trên đã khẳng định sức mạnh và sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ của Hậu phương lớn, góp phần cổ vũ chúng tôi đi đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975…Riêng tôi có niềm tự hào là có đứa con tuy nhỏ tuổi, nhưng đã biết động viên cha anh chiến đấu”.
Sau này, anh Hà trở thành sĩ quan Tên lửa của Quân chủng Phòng không-Không quân.
Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ
qdnd.vn