QĐND – Chiến dịch Lai-nơ-bêch-cơ 2, mà không quân Mỹ tiến hành tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng của Việt Nam là một hình mẫu về việc tập trung lực lượng lớn, tạo ưu thế chiến dịch hơn hẳn đối phương trước khi tiến công. Chiến dịch thể hiện cách đánh rất phổ biến của không quân Mỹ, được vận dụng trong nhiều cuộc chiến tranh.
Học thuyết tác chiến không quân Mỹ đối với chiến dịch tiến công đường không là coi trọng tập trung lực lượng lớn, tạo ưu thế hơn hẳn đối phương trước khi tiến công, coi đây là “điểm tựa” của chiến thắng chiến dịch. Những yếu tố để tạo nên ưu thế quân sự của không quân Mỹ là có học thuyết quân sự tiên tiến, quy mô lực lượng lớn, sử dụng hệ thống vũ khí công nghệ cao
Để tạo ưu thế chiến dịch tiến công đường không tháng 12-1972 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng trên miền Bắc Việt Nam, không quân Mỹ đã tập trung một lực lượng lớn chưa từng có, gồm hàng trăm máy bay B-52, một liên đội máy bay F-11A với 48 chiếc, 5 liên đội máy bay F-4H, F-105 với tổng số 400 chiếc, 5 liên đội máy bay A-6 và máy bay A-7 lên tới 360 chiếc. Mỹ còn điều thêm 50 chiếc máy bay tiếp dầu KC-135 đến Phi-líp-pin; thành lập Bộ chỉ huy Sư đoàn Không quân chiến lược; đưa thêm 2 tàu sân bay, nâng tổng số lên 5 tàu sân bay phục vụ cuộc chiến ở Việt Nam.
Với lực lượng áp đảo như trên, không quân Mỹ dự tính sẽ dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của Việt Nam để “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”- như Tổng thống Mỹ khi đó từng tuyên bố. Song ưu thế về lực lượng tác chiến trên không, trên biển và ưu thế về vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại không giúp cho Mỹ giành chiến thắng, bởi nghệ thuật quân sự tài tình và tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ngoan cường của quân và dân ta.
Tân Vũ
qdnd.vn