Chủ động, sáng tạo xây dựng thế trận phòng không chiến dịch

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 12-1972/12-2012

QĐND – Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, do các đơn vị của Quân chủng Phòng không – Không quân kết hợp với các lực lượng phòng không ba thứ quân tiến hành đã đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, bắn rơi 81 máy bay (có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111), bắt sống nhiều phi công, buộc Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán tại Pa-ri.

Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược to lớn, dư luận thế giới gọi đây là “trận Điện Biên Phủ trên không”. Kinh nghiệm đánh máy bay B52 làm phong phú thêm nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam.

Một trong những yếu tố có tác động trực tiếp và quyết định đến thành công của chiến dịch là ta đã xây dựng được một thế trận phòng không hết sức sáng tạo và độc đáo.

Thế trận là một yếu tố cấu thành nghệ thuật tác chiến phòng không, là một nét độc đáo làm nên trường phái của học thuyết quân sự Việt Nam.

Thế trận sâu hiểm thì tác dụng của lực càng mạnh; thế trận càng phức tạp thì tình huống diễn ra càng đơn giản. Thế trận cài xen kẽ là thế trận hiểm hóc của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Trước khi bước vào chiến dịch phòng không tháng 12-1972, trên chiến trường miền Nam, thế và lực giữa ta và địch đã có sự thay đổi đột biến về chất, ta đang thắng lớn. Hội nghị Pa-ri đang đến giai đoạn cuối, dự thảo Hiệp định có lợi cho ta. Đứng trước tình thế bất lợi đó, đế quốc Mỹ mưu toan lật lại tình hình bằng các phản ứng trên toàn bộ chiến trường Việt Nam. Nhằm lật lại thế cờ ở Hội nghị Pa-ri, đế quốc Mỹ âm mưu dùng không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, nhằm cắt đứt đường chuyển quân và vận chuyển binh khí kỹ thuật, hậu cần từ miền Bắc vào miền Nam, đánh hủy diệt tiềm lực kinh tế – quốc phòng của hậu phương miền Bắc. Đồng thời Mỹ dùng thủ đoạn chính trị, ngoại giao, hạn chế sự chi viện của Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và bạn bè quốc tế đối với nước ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh Quân chủng Phòng không-Không quân thảo luận kế hoạch đánh máy bay B52 tháng 10-1972. Ảnh tư liệu.

Để đánh thắng âm mưu hiểm độc của Mỹ, kế sách sáng suốt của ta là đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường miền Nam; kiên quyết đánh thắng không quân địch cả trên ba địa bàn chiến lược bằng cách phát động chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không, lấy lực lượng phòng không ba thứ quân làm nòng cốt, thực hiện ba nhiệm vụ phòng không chiến lược: Bảo vệ hậu phương miền Bắc, bảo vệ giao thông vận chuyển và chi viện phòng không cho tác chiến quân binh chủng hợp thành trên chiến trường miền Nam mà chủ yếu là khu vực Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế.

Cuối năm 1972, trên toàn bộ chiến trường cả nước đã hình thành thế trận phòng không chiến lược, bao gồm: Thế trận phòng không rộng khắp trên cả nước làm nền tảng bảo đảm cho cách đánh tại chỗ, phân tán và thường xuyên của tất cả các lực lượng phòng không ba thứ quân và các khu vực phòng không bảo đảm cách đánh tập trung (chiến dịch) của các binh đoàn phòng không chủ lực. Với thế trận như vậy, tuy lực lượng phòng không của ta còn ít, khả năng cơ động hạn chế nhưng vẫn bảo đảm chủ động thực hiện ba nhiệm vụ phòng không chiến lược, chống được bất ngờ, hạn chế sở trường cơ động nhanh của không quân địch, chủ động đánh địch bất cứ lúc nào, bất cứ đâu dù chúng có “leo thang” ra miền Bắc hay “xuống thang” về khu vực miền Trung.

Để đánh thắng các đòn tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B52, Bộ chỉ huy chiến dịch đã rất sáng tạo, bố trí thế trận chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng theo nguyên tắc tập trung hỏa lực rất lợi hại. Thực tế đã hình thành ba cụm phòng không chiến dịch ôm sát ba khu vực mục tiêu bảo vệ: Cụm phòng không Hà Nội, cụm phòng không Hải Phòng, cụm phòng không phía Bắc đường 1, Thái Nguyên. Ba cụm phòng không này tạo ra thế “chân vạc” liên kết hỗ trợ lẫn nhau, trong đó cụm phòng không Hà Nội là trọng điểm. Để tăng cường cho cụm Hà Nội từ hướng Đông, Đông Bắc, ta bố trí cụm Hải Phòng và cụm Bắc đường 1 che chắn; từ hướng Tây, Tây Bắc và Tây Nam, ta sử dụng không quân tiêm kích đánh từ xa.

Thế trận như vậy đã bảo đảm cho cách đánh tập trung của các lực lượng phòng không rất có hiệu quả, giành quyền chủ động từ đầu, bắn rơi nhiều máy bay B52 của địch, giữ vững mục tiêu bảo vệ.

Trong quá trình chiến dịch, ta đã chủ động chuyển hóa thế trận. Khi sang đợt 2 ta điều 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không 71, 72 của Hải Phòng cho Hà Nội và đưa cả 3 tiểu đoàn của Trung đoàn tên lửa 274 vào chiến đấu, nên trận đêm 26-12-1972, ta thắng giòn giã, bắn rơi 8 máy bay B52. Đồng thời, thay đổi sân bay cất cánh cho không quân ta đánh từ xa, gây bất ngờ lớn cho địch.

Thế trận chiến dịch sâu hiểm như trên đã tạo nên yếu tố trực tiếp và quyết định thắng lợi của chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng.

Trần Trọng Ái
qdnd.vn

Advertisement