Một “Nô-en đẫm máu”!
Ngày và đêm 22-12
QĐND – Các báo sáng hôm nay đều đăng lên trang đầu bản Tuyên bố của Chính phủ ta. Riêng Báo Quân đội nhân dân in tít chữ đỏ và đăng toàn văn bài diễn văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 22-12. Ảnh Chủ tịch đoàn và ảnh Đại tướng một tay nắm chặt giơ lên, đăng ở ngay trang nhất. Cửa hàng bán báo phố Tràng Tiền ngay bên cạnh nhà Thông tin đông nghịt. Xếp hàng dài rất trật tự. Ảnh tám tên giặc lái đưa ra cuộc họp báo chiều hôm trước in ở trang 4. Rất hấp dẫn!
Chúng tôi đến Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 6 giờ 30 phút sáng. Gần trăm quả bom đã rơi xuống mấy chục ngôi nhà xây dựng từ thời Pháp. Khoa Tai mũi họng sát bên đường đổ sập hoàn toàn. Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Nhi… đều bị đánh. Tòa nhà lớn gần cổng, nơi mấy chục sinh viên đang thực tập, bị một quả bom lớn rơi trúng giữa. Người ta đang moi những người còn sống sót trong hầm. Những tảng bê tông lớn đè lên các cửa hầm. Xe cần trục được điều đến. Công nhân phải dùng điện cắt các khung cốt sắt bên trong các tấm bê-tông ra và nhấc lên để cho người chui vào dùng cuốc thuổng đào bới. Tiếng kêu cứu ở bên trong gọi ra gấp gáp. Ở ngoài, truyền dây nước đường đưa vào trong hầm cho nạn nhân uống. Moi được một vài người ra phải mất cả buổi, có nơi mất hàng ngày.
Xác B-52 rơi giữa cánh đồng Đông Anh. Ảnh tư liệu
Bác sĩ Đỗ Doãn Đại, Bệnh viện trưởng dẫn tôi đến xem các hố bom mà Ních-xơn ném lần trước hồi tháng 6-1972 bên cạnh Khoa Nội. Bây giờ một quả bom từ B-52 rơi xuống đây, đúng vào cái hố cũ, sâu thêm, to rộng hơn.
Lần trước nó đánh buổi trưa. Chỉ có một bác sĩ và một thanh niên chết. Lần này nó đánh ban đêm. 26 người chết, 22 người bị thương, gồm bác sĩ, sinh viên và người bệnh.
Lần trước, nữ nghệ sĩ Giên Phôn-đa và cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Răm-sây Clác đã đến đây và đứng bên hố bom này. Bây giờ, nữ danh ca Giôn Ba-ê và đoàn hòa bình Mỹ đã đi trên các đống gạch vụn bên các hố bom chi chít đằng trước, đằng sau bệnh viện có thể nói là không còn một cái nhà nào nguyên vẹn. Họ đến Hà Nội để thăm tù binh Mỹ nhân dịp lễ Giáng sinh. Nào ngờ lại trông thấy cái cảnh tàn phá vô nhân đạo này. Giôn Ba-ê ôm mặt vịn vào vai người khác không dám nhìn thẳng vào cái sự thật tàn nhẫn bỉ ổi do Ních-xơn gây ra. Chị đã khóc. Tôi còn nhớ một câu nói của Giên Phôn-đa với các bác sĩ bệnh viện hồi tháng 6: “Đây là bi kịch của nước Mỹ chứ không phải của các bạn”.
… Tối nay, Ủy ban Việt-Mỹ tiễn đoàn hòa bình Mỹ về nước. Trong một bữa ăn, ba lần báo động. Khách và chủ đều phải xuống hầm. Hai diễn viên của ta cất tiếng hát trong hầm. Giôn Ba-ê ngồi ở cuối đường hầm cũng hát. Giọng chị buồn và trầm hẳn xuống. Mọi người đều im lặng. Tiếng bom nổ xa và tiếng súng phòng không vang vọng vào trong căn hầm tối được thắp sáng bằng hai ngọn đèn dầu hỏa.
21 giờ. Một cái F.111 bay vào cách Hà Nội 100km, rồi 80km, 60km… Bộ Tư lệnh thông báo cho trận địa phục kích. Theo sự chỉ dẫn của ban chỉ huy, tự vệ đã nổ súng kịp thời chụp lấy nó. Từ trên đài quan sát, lập tức đã có tin báo về Ban tác chiến là F.111 bốc cháy và lao về phía Tây. Cả trận địa reo mừng. Họ đã dùng mất 19 phát đạn. Họ đã trả thù cho đồng bào Thanh Nhàn, Ô Đống Mác… Tự vệ Hà Nội đã lập thành tích để chào mừng Ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam.
Ngày và đêm 23-12
Người đi sơ tán vẫn tiếp tục. Tám vạn người ra khỏi thành phố trong một ngày. Các cửa hàng gạo, dầu hỏa bán suốt ngày đêm. Trẻ em trong thành phố vợi hẳn đi. Các ông đại biểu, các bà phụ nữ chia nhau đi vận động từng nhà. Có nhà mỗi con đi một nơi phân tán làm hai ba chỗ.
… Trưa, chúng tôi định đến Mễ Trì thăm Đội tuyên truyền văn nghệ xung kích đang hoạt động ở đây. Ô tô vừa tới Cầu Giấy hồi 1 giờ 30 phút thì còi báo động nổi lên phải đỗ lại. 10 phút sau, mấy chục chiếc F.4 kéo đến đánh phá mạn trên, chúng tôi đoán là Phú Diễn hoặc Nhổn. Chúng nó lồng lộn trên đầu và lao xuống cắt bom. Chỉ 15 phút sau thì bom dứt. Bỏ cuộc hành trình đi Mễ Trì và phóng lên nơi bị bắn phá.
Đồng bào Hà Nội sơ tán ở Nhổn đang chạy ngược lại phía chúng tôi. Đến gần Nhổn, xe chúng tôi dừng lại. Bên phải là làng Tây Tựu. Hai chục quả bom rơi xuống cánh đồng. Bên trái là xã Xuân Phương, quê hương đồng chí Xuân Thủy. Một số quả bom rơi vào làng Tu Hoàng, một số quả rơi xuống ruộng. Một chiếc F.4 đã bị hạ. Những chiếc khác vứt bom bừa bãi.
Ngày và đêm 24-12
Hôm nay là chủ nhật, lễ Nô-en. Mọi buổi sáng chủ nhật Hà Nội đông vô kể. Sáng nay, phố xá vắng hẳn đi. Một số người ở sơ tán về tranh thủ mua sắm rồi lại lên đường. Ngược lại, một số gia đình cũng tranh thủ đi sơ tán nốt nhân cái ngày Nô-en này. Bến xe Kim Mã, Kim Liên vẫn đông lắm.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm xã Yên Lãng (Từ Liêm), Bệnh viện Bạch Mai và hợp tác xã Ngọc Trì (Gia Lâm). Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Trần Duy Hưng và một số phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim. Đến đâu, Thủ tướng cũng căn dặn mọi người đoàn kết, tin tưởng và xúc động nghe đồng bào kể lại những tội ác man rợ của giặc Mỹ.
Hội đồng phòng không họp để sơ kết tình hình sáu ngày vừa qua: Trong sáu ngày đêm chiến đấu, riêng Hà Nội đã bắn rơi nhiều máy bay nhất: 16 chiếc, trong đó có 11 B-52, 2 F.111, bắt nhiều giặc lái. Điện, nước vẫn bình thường. Giá sinh hoạt không hề đảo lộn. Giá rau và thực phẩm lại hạ hơn trước. Trật tự trị an tốt. Sơ tán nói chung là bình tĩnh. Đồng bào các tỉnh lân cận đón bà con Hà Nội rất nhiệt tình. Việc khắc phục hậu quả khá nhanh chóng. Tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau tốt. Sau Nô-en địch sẽ đánh phá trở lại ác liệt hơn. Ta phải đề cao cảnh giác tổ chức chiến đấu phòng tránh tốt hơn nữa. Cán bộ các cấp tỏ ra rất vững vàng, dũng cảm. Đồng bào ta không hề nao núng run sợ. Ta hạ nhiều máy bay địch, bắt sống giặc lái. Ai nấy đều phấn khởi tin tưởng.
Nhà tôi ở mất điện hai ngày, hôm nay cũng có điện. Máy nước đến khuya chảy lên tận gác ba. Đèn ngoài phố, đèn trong nhà sáng hơn thường lệ. Sau một đợt đánh phá chấm dứt vào hồi 21 giờ, đêm nay yên tĩnh.
Tôi đến thăm một bà cụ ở phố Nhà Chung. Ngọn nến trên bàn thờ Đức Mẹ thắp sáng. Bà cụ và cô con gái ngồi trên giường, đang cầu kinh. Tôi hỏi:
– Cụ không đi lễ nhà thờ?
Cụ không trả lời. Cô con gái nhanh nhảu đáp:
– Nhà thờ bom Mỹ cũng chẳng nể đâu.
Trong nhà chỉ có hai mẹ con. Hai đứa cháu đi sơ tán. Người con trai ở chiến trường xa. Nhìn đĩa xôi và con gà còn nguyên, bà cụ nói:
– Mời anh ở đây ăn với chúng tôi. Chúng nó đi vắng cả, chẳng buồn ăn.
Mọi năm, những phố xung quanh Nhà thờ Lớn đông không chen chân được. Năm nay vắng vẻ lạ thường, cái vắng hình như tăng thêm cái lạnh của đêm Nô-en này. Đèn trong nhà thờ sáng trưng. Nhưng chỉ có mấy chục người đến lễ. Thanh niên nam nữ kéo đến xem cũng không có nữa.
Lúc này ở miền Tây nước Mỹ, vợ chồng Ních-xơn đến nhà thờ cầu nguyện cho hòa bình! Nhưng báo chí Mỹ và phương Tây đều gọi lễ Giáng sinh năm nay là “những ngày Nô-en đẫm máu”! Còn những tên giặc lái B-52 ở “Hin-tơn Hà Nội” cũng đang cầu Chúa và nguyền rủa Ních-xơn.
Tối nay tại trận địa mùi bom đạn còn nóng hổi, mấy ca sĩ đến hát cho bộ đội tên lửa đã bắn rơi B-52 và đơn vị tự vệ đã bắn rơi F.111. Cuộc liên hoan giữa đêm Nô-en ngắn ngủi nhưng dạt dào tình cảm. Trước khi ra về, anh chị em tự vệ đã tặng cho mỗi diễn viên một vỏ đạn bằng đồng sáng loáng để cắm hoa.
Bộ tư lệnh Thủ Đô báo cho chúng tôi biết là có cái máy bay F.111 rơi xuống Hòa Bình, dân quân đang lùng bắt phi công, lên ngay đấy mà quay phim chụp ảnh. Xe phóng viên lao đi trong đêm. Cái máy bay F.111 bị cắt ra làm đôi, buồng lái còn nguyên vẹn, các đồng hồ máy móc tinh vi trong phi cơ chưa bị hỏng, bản đồ bay và sách kỹ thuật của nó còn để trong buồng lái.
Ngày 25-12
Sáng nay chúng tôi trở lại Uy Nỗ-Đông Anh, nơi bị B-52 rải thảm suốt mấy đêm liền. Cầu Đuống, cầu treo qua sông vẫn còn nguyên vẹn. Những làng bên đường khói bom còn nghi ngút…
Đồng chí Đạt, Phó chủ tịch xã dẫn chúng tôi băng qua những hố bom ngoài ruộng đi vào thôn. Một số gia đình đang lợp lại ngôi nhà bếp để ở tạm bên cạnh gian nhà chính đã sập. Ba chị thanh niên đang gạt bèo hoa dâu trên đám ruộng sau nhà vừa bị hai quả bom ném xuống. Trước lúc đến đây, chúng tôi tưởng thôn xóm sẽ vắng lặng. Nhưng không phải. Trẻ con, người già đi sơ tán hết. Dân quân đang đào hầm. Một vài người vẫn tiếp tục moi quần áo, đồ đạc vùi lấp dưới hố bom. Không có tiếng cười đùa. Nhưng cũng không một tiếng kêu khóc. Lặng lẽ làm. Cắn răng lại. Nói chuyện nhỏ to. Hàng chục người đang gánh phân ra bỏ ruộng. Công binh đang đào mấy quả bom chưa nổ chúi xuống đó. Trên vài mảnh tường còn sót lại, có hàng chữ viết bằng phấn trắng:
Hãy trả mối thù này!
Giặc Mỹ phải đền nợ máu!
Trên đường từ Đông Anh trở về, chúng tôi rẽ vào phố Yên Viên. Thị trấn này bị hủy diệt năm 1967, thời Giôn-xơn, mới được xây dựng lại từ năm 1969. Trước đây phần lớn là nhà gạch, bây giờ đại bộ phận là nhà lá. Chỉ có mấy gian hàng của mậu dịch làm bằng gạch, lợp ngói. Trong mấy đêm liền, máy bay Mỹ đã san bằng không còn một nóc nhà. Thanh niên xung phong đang san lại con đường đi qua phố, cưa những cây lớn vướng lối đi. Mấy chị mậu dịch viên đang nhặt những bát, cốc còn lại bỏ vào những cái thúng. Một quầy hàng bánh mì đặt trên xe di động để phục vụ cho bà con.
———-
Kỳ 3: Mười hai ngày đêm và mãi mãi…
(Trích ghi chép của nhà báo NGUYỄN BẮC)
qdnd.vn