(Chương này chủ trương đánh mau, giải quyết mau. Đánh lâu thì hao quân tốn của. Lại chủ trương lấy lương thực và khí giới của địch cho quân ta ǎn và dùng. Và chủ trương ưu đãi cùng lợi dụng những người địch ta bắt được).
Hễ dùng binh, thì nghìn chiếc xe ngựa, nghìn chiếc xe bọc da, 10 vạn binh, lương thực chở rất xa, nào tiêu dùng về việc khách khứa, nào tài liệu, nào xe ngựa, phí tổn này khác, ngày hơn nghìn vàng.
Chiến tranh quý thắng lợi chóng. Đánh lâu thì hao binh mỏi sức. Quân đội ở ngoài lâu thì trong nước bị thiếu thốn. Ta hao binh mòn sức, thì các nước chư hầu sẽ nhân dịp nổi lên chống ta. Nếu vậy, thì dù người khôn ngoan mấy cũng không thể cứu vãn được.
Vậy nên, dùng binh chóng là khôn, chưa bao giờ có dùng binh lâu mà khéo, cũng chưa bao giờ có dùng binh lâu mà nước nhà có lợi.
Cho nên ai không biết hết những sự tổn hại trong việc dùng binh, thì không biết hết những sự ích lợi trong việc dùng binh.
Người khéo dùng thì không phải bổ sung binh lính nhiều lần, không phải chở lương thực nhiều bận. Đầu thì dùng của ta, rồi thì lấy của địch mà dùng. Như thế thì quân ta đủ lương thực.
Nếu phải vận tải xa, thì nước sẽ nghèo và dân sẽ khổ.
Nơi gần quân đội thì vật gì cũng đắt đỏ. Đắt đỏ thì dân hoá nghèo ngặt. Dân nghèo nhưng chính phủ phải đánh thuế thêm.
Hao binh tốn của thì 10 nhà dân nghèo hết 7 nhà. Xe ngựa súng ống thì 10 phần hỏng mất 6.
Vậy nên người tướng giỏi cốt lấy lương thực của địch mà dùng. 1 tạ gạo của địch bằng 20 tạ gạo của ta.
Cho nên muốn cho binh lính ta hǎng hái giết địch, thì phải làm cho họ tức giận địch. Muốn cho họ ra sức tranh lấy của địch, thì thưởng họ. Thí dụ: bắt được 10 chiếc xe của địch, thì thưởng người bắt được chiếc xe đầu hết. Đem cờ ta cắm lên xe địch phân phối nó lộn với xe ta. Đối tù binh thì đãi họ tử tế cho họ theo vào quân đội ta. Thế gọi là: đánh thắng địch thì ta càng mạnh thêm.
Cho nên dùng binh quý thắng lợi chóng. Không quý kéo dài. Một người tướng biết dùng binh là kẻ giữ gìn sinh mệnh của dân, là người làm chủ sự an nguy của nước.
(Nǎm lời dặn của ông Tôn Tử:
1- Quản lý đông người cũng phải rành mạch như quản lý ít người.
2- Lúc bình thời cũng phải cẩn thận như lúc có địch.
3- Lúc ra trận thì không nghĩ đến sự sống của mình.
4- Đánh thắng trận rồi cũng phải cẩn thận như khi mới ra trận.
5- Mệnh lệnh thì phải rõ ràng mà lại vắn tắt.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.