Chương này chủ trương bằng mưu, không dùng đến binh mà thắng được địch nhân.
Và nói sự biết rõ sức ta, biết rõ sức địch là một điều rất quan trọng.
Phép dùng binh, giữ toàn nước địch mà ta thắng lợi là khéo nhất. Phá tan nước địch chỉ là khéo thứ hai. Giữ toàn quân đội địch mà ta thắng, là khéo nhất. Phá tan quân đội địch mà ta thắng, chỉ là khéo thứ hai.
Cho nên đánh hơn trǎm trận, không phải là giỏi nhất. Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua.
Cho nên dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất.
Vây thành thì phải chuẩn bị rất lâu, vây đánh nhiều ngày, hao binh tổn sức, mà có khi không lấy được thành. Đó là một sự tai hại to.
(Như quân Đức vây thành Xtalingrát mà không lấy được mà từ đó bị thất bại đến cùng).
Cho nên khéo dùng binh thì thắng được quân địch mà không phải đánh. Lấy được thành địch mà không phải vây. Huỷ được nước địch mà không phải đánh lâu. Vậy nên không hao tốn binh lính mà thắng lợi hoàn toàn.
Đó là phép đánh bằng mưu.
Cho nên phép dùng binh: lúc đánh thành, sức ta gấp 10 địch, thì vây nó, gấp 5 thì đánh nó. Gấp 2 thì chia hai mặt đánh nó. Lúc đánh nơi khác: sức ngang nhau thì đánh. Ta kém địch thì giữ. Ta kém quá, thì tránh nó. Cho nên, nếu sức ta kém địch mà cứ đánh liều thì chắc thất bại.
Tướng là kẻ giúp nước. Tướng giỏi (đủ cả: trí, tín, nhân, dũng, nghiêm) thì nước mạnh. Tướng xoàng thì nước hèn.
Cho nên do 5 điều mà biết sự thắng lợi:
1- Tướng biết có thể đánh và không thể đánh.
2- Tướng biết cách dùng chủ lực và bộ phận của bộ đội.
3- Trên dưới đồng lòng.
4- Ta luôn luôn chuẩn bị để chờ dịp địch không chuẩn bị.
5- Tướng giỏi mà chúa cho tướng rộng quyền.
Cho nên: biết sức ta, biết sức địch thì trǎm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì 1 thắng 1 bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.