Cây phải có gốc

Đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Bác Hồ từng căn dặn: “Sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân… Tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Sinh thời, Bác đặc biệt chú ý đến vai trò của cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Cán bộ là gì? Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Do đó, “Chúng ta phải hiểu rằng: các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Bác cũng dạy: “Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ được phê bình phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu. Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Vi phạm mà không công khai, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như cán bộ chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân”. Và, “Để xứng đáng với vinh dự to lớn là người đày tớ tuyệt đối trung thành của nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ chính quyền cần phải: Thực hành cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Gương mẫu về mọi mặt: đoàn kết, công tác, học tập, hoạt động. Luôn luôn giữ vững tác phong khiêm tốn, chất phác và hòa mình với quần chúng thành một khối”.

Người đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt, thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi”.

Đó là điều mà trong bất cứ hoàn cảnh nào mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải luôn ghi nhớ để răn mình.

  • Hoàng An

baobinhdinh.com.vn

Advertisement