Cuộc đấu tranh ngoại giao đầu tiên

 – Ngày 22/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo: “Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên Hiệp Quốc…”.

Sau khi điểm lại những diễn tiến của tình hình Việt Nam với việc Mặt trận Việt Minh tham gia cuộc chiến tranh chống Nhật và nước Việt Nam đã tự giành được độc lập cũng như việc Hoàng đế Bảo Đại tự thoái vị, xác lập cơ sở pháp lý của Chính phủ Việt Nam đang điều hành đất nước, bức thư lên án chính quyền thực dân Pháp đi ngược lại các Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.

sMột tấm chân dung Bác trong thời kháng chiến chống Pháp.

Bức điện nêu rõ: “Việc thành lập Uỷ ban Tư vấn Viễn Đông đã được đón nhận một cách nồng nhiệt như là bước đi đầu tiên có hiệu quả tiến tới một giải pháp công bằng đối với các vấn đề còn tồn tại. Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý trình bày những nguyện vọng sau: 1. Vấn đề liên quan tới Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban tư vấn Viễn Đông; 2. Đoàn đại biểu Việt Nam phải được phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam ; 3. Một Uỷ ban Điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam; 4. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên Hiệp Quốc công nhận”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Thống chế Tưởng Giới Thạch thông báo rằng: “Chủ tịch lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ (trước đây là Hoàng đế Bảo Đại) mong được tới Trùng Khánh…”.

Ngày 22/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn của giới báo chí trong và ngoài nước về chuyến thăm nước Pháp. Cảm tưởng chung về chuyến đi, Bác khẳng định: “Về tinh thần phần đông dân chúng Pháp có thể nói là đến 90% đều tỏ ra muốn hoà bình và dân chủ, còn 10% kia tôi không gặp nên không được biết. Đối với Việt Nam đa số dân Pháp cũng tỏ ra có một cảm tình, rất nghiêng về nền độc lập của ta”. 

Còn về ngoại giao và quốc sách của Việt Nam, Bác khẳng định: “Có thể trả lời là không biến đổi gì hết. Về nội chính, Chính phủ từ trước tới giờ vẫn chủ trương đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam mới. Về ngoại giao, Chính phủ kiên quyết đòi độc lập, quyết chí thống nhất, nhưng quyết định ở trong Khối Liên hiệp Pháp; đối với các hữu bang, từ trước đến giờ vẫn theo một con đường thân thiện. Trước thế thì nay vẫn thế, không thay đổi”. 

Đối với báo giới, Bác bày tỏ: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Việt Nam đều chỉ dùng giấy để viết những “tối hậu thư” nhiều hơn. Bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy ấy để viết những bức thư thân ái …Hy vọng thêm rằng không những các báo chí giúp nhau gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị”.

“Chủ trương của Đảng ta là đoàn kết và làm cầu nối trong việc đoàn kết quốc tế”. Ý kiến của Bác tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề quan hệ quốc tế của Đảng, ngày 22/10/1963.

“Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ cứu nước….Các cấp đảng bộ và Mặt trận các địa phương nên ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Để kết luận bài này, xin tặng các cụ phụ lão kính mến một câu thơ: Tuổi cao, chí khí càng cao/ Chống Mỹ cứu nước, già nào kém ai!”. Đó là lời biểu dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lớp người cao tuổi trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, đăng trong bài viết “Càng già càng giỏi” (báo Nhân Dân ngày 22/10/1965).

X&N
bee.net.vn

Advertisement