Ngày 19/8

 – Ngày 19/8/1947, Nhân dịp lần đầu tiên kỷ niệm Cách mạng tháng Tám trong khung cảnh kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” và “Thư gửi đồng bào Việt Bắc”. 

Với đồng bào cả nước, Bác phân tích ích nghĩa lớn lao của sự kiện: “Cách mạng tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích của thực dân… đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hoà và thống nhất độc lập. Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng đấu tranh tự chủ chống ngoại xâm. Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hành lý tưởng: Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, cách mạng tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”.

dNgày 19/8/1945 ở Hà Nội.

Lá thư cổ vũ: “Nay cuộc trường kỳ kháng chiến phải tiếp tục cái nhiệm vụ vẻ vang của cách mạng tháng Tám: phải làm cho nền Dân chủ Cộng hoà chắc chắn, phải làm cho quyền thống nhất độc lập vững vàng…Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó. Chúng ta dám trả cái giá cho thắng lợi, thì chúng ta nhất định thắng lợi”.

Còn trong thư gửi đồng bào của căn cứ địa cách mạng được phân định hành chính là Khu I (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Phúc Yên), Bác biểu dương: “Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang. Xưa kia cụ Hoàng Hoa Thám và những vị anh hùng khác đã dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp suốt mấy mươi năm. Gần đây Việt bắc là căn cứ địa oai hùng của Quân giải phóng để chống Nhật, kháng Pháp. Tên Việt Bắc đã lừng lẫy khắp cả nước, khắp thế giới. Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v…ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”.

Cũng trong thời gian này, Bác Hồ còn viết “Thư gửi Nhi đồng toàn quốc” căn dặn: “Việc gì có ích cho kháng chiến, cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to. Bác mong các cháu làm việc, học hành, cho xứng đáng là nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, thống nhất và độc lập”. 

Ngày 19/8/1948, trong lời kêu gọi nhân ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Bác nhắc lại tinh thần:“Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, nay cuộc trường kỳ kháng chiến phải tiếp tục cái nhiệm vụ vẻ vang của Cách mạng tháng Tám”.

Ngày 19/8/1949, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám và Ngày Độc lập 2/9”, Bác viết: “Nước ta vừa độc lập được 5 năm, đã 5 năm nhân dân ta kháng chiến. Chúng ta quyết hy sinh cực khổ để cho nước nhà độc lập, thống nhất và con cháu ta được hưởng tự do, hạnh phúc muôn nghìn đời về sau”.

Còn trong “Thư gửi các cháu nhi đồng”, bác Hồ nêu rõ: “Ngày nay, người lớn kháng chiến để tranh độc lập thì mai sau các cháu phải giữ vững nền độc lập của ta. Vì vậy, các cháu phải cố gắng thi đua học tập và làm việc hơn nữa”.

Cùng ngày, trong bài báo “Thất bại và Thành công”, dưới bút danh “Lê Nhân”, Bác khẳng định cái nguyên lý: “Cán bộ được dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng thành công”..

X&N
bee.net.vn

Advertisement