Về công cuộc giải phóng thuộc địa

 – Ngày 23/6/1924, đại biểu Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại diễn đàn của phiên họp thứ 8 của Đại hội V Quốc tế Cộng sản.

Người nói: “Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: thuộc địa vẫn đang tồn tại và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa.

Song tôi thấy rằng hình như các đồng chí hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có đựơc, gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”.

Với một tinh thần thẳng thắn, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ sai lầm là: “Muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc chủ nghĩa tư bản đang tập trung ở thuộc địa hơn là chính quốc…

Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?… Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa?… Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý !”.

Vấn đề thuộc địa còn được Nguyễn Ái Quốc kiên trì đề cập tới tại nhiều phiên họp khác và dần tìm được sự quan tâm của Đại hội.

f Nguyễn Ái Quốc cùng với các đồng chí thuộc địa của mình.

Tại phiên họp lần thứ 22 của Đại hội này (1/7/1924), Nguyễn Ái Quốc thẳng thắn phê phán: “… sẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng chừng nào Đảng Pháp và Đảng Anh chúng ta chưa thi hành một chính sách thật tích cực trong vấn đề thuộc địa, thậm chí chưa đề cập đến quần chúng các nước thuộc địa thì toàn bộ chương trình rộng lớn của hai đảng đó vẫn không có hiệu quả gì!

Chương trình ấy sẽ không có hiệu quả gì vì nó trái với chủ nghĩa Lênin… Theo Lênin, cách mạng phương Tây muốn thắng lợi thì nó phải liên hệ chặt chẽ với phong trào giải phóng chống chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và các nước bị nô dịch và vấn đề dân tộc…”.

Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những kiến nghị cụ thể trong đó có vấn đề tuyên truyền và huấn luyện…và kết luận: “Vì chúng ta coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”.

Và trong bài viết “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên tờ “Đời sống Công nhân” (La Vie Ouvrière) cũng trong năm 1924, lý luận về chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc càng trở nên sắc nét khi viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và môt cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra…” Những luận điểm ấy đã được thể hiện trong nhiều bài báo khác và được trình bày một cách tập trung trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được viết vào năm 1925.

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trở thành người chiến sĩ tiên phong của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bắt nguồn từ đó.

X&N
bee.net.vn

Advertisement