Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hành trình tìm đường cứu nước”
QĐND – Ngày 31-5, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra cuộc Hội thảo khoa học: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – hành trình tìm đường cứu nước”, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2011). Cuộc hội thảo do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.
Tôn kính và trách nhiệm
Tham dự hội thảo có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.
Toàn cảnh Hội thảo.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương… gửi tham luận khoa học tham gia hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ tầm vóc lịch sử của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước 100 năm trước và mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn của hội thảo; sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà nghiên cứu đối với sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Với lòng tôn kính và trách nhiệm cao, các tác giả của các tham luận đã dày công nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi những tư liệu và nội dung khoa học phong phú. Các tham luận khoa học thực sự là nguồn tài liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tác giả đã tập trung nghiên cứu, làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) ra đi tìm đường cứu nước trên 4 mảng nội dung lớn: Quyết chí tìm đường cứu nước, bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; từ thành phố Sài Gòn, Người ra đi tìm đường cứu nước; cuộc hành trình vĩ đại; vững bước trên con đường Người đã chọn.
Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học, tham luận của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư đã phân tích sâu sắc những cơ sở lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo tư tưởng của Người, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, gắn với triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tạo thêm động lực, niềm tin thúc đẩy thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
“Vững bước trên con đường Người đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” là tiêu đề bản tham luận mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày, thu hút sự chú ý của các đại biểu dự hội thảo (toàn văn tham luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên số báo ra ngày hôm nay).
Trong tham luận của mình, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố được mang tên Người. Đồng chí đề cập những giải pháp cụ thể, vận dụng tư tưởng của Người xây dựng Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh; trong đó chú trọng các giải pháp bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố “đầu tàu” của cả nước. Lòng tôn kính đối với công lao trời biển của Bác chính là cội nguồn sức mạnh, hun đúc ý chí, nghị lực để Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX.
“Xây dựng Quân đội nhân dân, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay” là tiêu đề tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi tới hội thảo. Với cách tiếp cận khoa học, xuyên suốt chiều dài hình thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu bật những giá trị to lớn trong tư tưởng của Bác Hồ về quân sự và quân đội nhân dân. Những tư tưởng vĩ đại đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để quân đội không những ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, mà còn làm tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó… (Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn tham luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh trên số báo ra ngày 2-6).
Quyết chí tìm đường cứu nước
Tham luận của các tác giả: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội đồng Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Xuất, Tổng Thư ký Ban biên soạn Công trình lịch sử Nam Bộ kháng chiến… và nhiều tác giả khác đã phân tích, tìm hiểu động cơ, động lực thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Các tác giả tập trung phân tích, lý giải trên phương diện khoa học lịch sử những yếu tố về quê hương, gia đình, xã hội…, góp phần hình thành trí tuệ, ý chí, khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của Người.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu tại hành lang hội thảo.
Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam nhấn mạnh đến phẩm chất yêu nước, thương nòi của Bác. Phẩm chất ấy hình thành và phát triển ngay từ khi Người còn là một cậu bé ở vùng quê Nam Đàn. Linh mục nhấn mạnh: “Nhận thức “Hiếu với cha không bằng hiếu với nước” như lời dặn của cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đã trở thành phương châm hành động của Người, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết”. Xúc cảm trước hành trình cứu nước vĩ đại của Người, Linh mục đã trình bày ca khúc “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người” (Nhạc Cao Việt Bách, lời Đăng Trung), được cả hội trường nhiệt liệt hoan nghênh.
Từ tấm gương về ý chí, khát vọng của Người, các nhà nghiên cứu đã liên hệ, vận dụng, đề xuất những hình thức, giải pháp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bồi dưỡng thế hệ trẻ của đất nước hiện nay. Đó là giáo dục nhân cách, lối sống, xây dựng đạo đức làm người, đi đôi với học tập, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Thời khắc lịch sử
PGS,TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu rõ trong tham luận: Sự xuất hiện của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Người đã xuất hiện đúng lúc, ra đi đúng thời cơ, chọn con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh đã hệ thống hóa và lý giải vấn đề một cách lô-gic những quyết định phi thường của Bác ngay từ khi lựa chọn thời điểm rời cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.
Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương với cách tiếp cận các sự kiện lịch sử theo trình tự thời gian, đã chứng minh ý nghĩa lịch sử trọng đại của ngày 5-6-1911. Mốc thời gian ấy đã mở ra một trang sử hiện đại đối với con đường cách mạng Việt Nam, vốn trước đó hoàn toàn bế tắc.
Tham luận của nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã vận dụng phương pháp luận khoa học để phân tích, lý giải tầm vóc, ý nghĩa to lớn của sự kiện Bác Hồ rời cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Sau 100 năm nhìn lại, ý nghĩa của thời khắc lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự, là niềm tin, động lực để Đảng ta, nhân dân ta lấy đó làm cơ sở, tiền đề tiếp tục vững bước thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Và cuộc hành trình vĩ đại
Tham luận của các nhà nghiên cứu đều khẳng định, hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là cuộc hành trình vĩ đại của lịch sử. Từ cuộc hành trình ấy, Người đã tìm ra ánh sáng chân lý từ chủ nghĩa Mác – Lê-nin vận dụng sáng tạo vào cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH ở Việt Nam. Chính Người đã mở lối, khai phá, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi thời kỳ tăm tối của lịch sử, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
PGS, TS Phạm Hồng Chương (Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng) dưới góc độ tiếp cận của văn hóa, cho rằng: Giá trị cao nhất của văn hóa – văn minh là giải phóng con người, làm cho con người biết tự đứng lên để giải phóng mình. Hồ Chí Minh quan niệm giải phóng dân tộc, giải phóng con người bằng sự phát triển. Tư tưởng của Người về sức mạnh đoàn kết để giải phóng dân tộc đã tạo ra nguồn năng lượng, động lực cực kỳ mạnh mẽ từ mỗi người dân, từ sự đoàn kết của toàn dân, tạo nên sức mạnh vô song để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Để có được sức mạnh ấy, giá trị văn hóa – văn minh trong người cộng sản chính là đạo đức, nhân cách và tài năng, dũng khí…
Vững bước trên con đường Người đã chọn
Nghiên cứu con đường cứu nước của Bác để rút ra bài học lý luận và thực tiễn bổ ích, góp phần làm giàu thêm tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước là phương châm xuyên suốt của hội thảo. Với phương pháp tiếp cận đó, tham luận của các tác giả đã trình bày dưới góc nhìn chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quốc phòng – an ninh… Mỗi lĩnh vực đều có tư tưởng của Người soi rọi. Vận dụng, thực hiện thắng lợi tư tưởng của Người trên thực tiễn chính là “chìa khóa” thành công của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
TS Nguyễn Công Bình, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh với tham luận “Từ sự ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc cách đây 100 năm, nghĩ về định hướng XHCN ngày nay”, đã nêu các giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Theo TS Nguyễn Công Bình, định hướng XHCN ngày nay là sự tích lũy sức mạnh và sự năng động xã hội, nhưng không để phân hóa xã hội mà phải giải quyết các mâu thuẫn xã hội bằng chính sách, pháp luật thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với an sinh xã hội. Chăm lo cho người nghèo, thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói, giảm nghèo hiện nay chính là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Bác trong thực hiện nền dân chủ xã hội theo định hướng XHCN.
Dưới góc nhìn giáo dục truyền thống, tham luận của Thiếu tướng, TS Đặng Nam Điền, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những hình thức, biện pháp nhằm phát huy ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục truyền thống cách mạng.
Không chỉ gói gọn trong các tham luận, cuộc hội thảo thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân thông qua sự tương tác của truyền thông. Những tham luận của các tác giả sẽ được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để các cấp, các ngành tiếp cận, làm cẩm nang cho công tác tuyên truyền, giáo dục, vận dụng vào từng chương trình hành động nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.
Hội thảo đã nhận được 137 bản tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, cán bộ quản lý trong cả nước. Mỗi tham luận là một công trình khoa học, dưới những góc độ khác nhau, nêu bật tầm nhìn thời đại của Bác, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người, rút ra những bài học thực tiễn vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mai sau. Có 16 tham luận được trình bày tại Hội thảo.
Bài và ảnh: Đào Văn Sư – Phan Tùng Sơn