Tag Archive | Tập 10 (1960 – 1962)

Thơ mừng nǎm mới (1-1-1960)

Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh!
Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!
Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua,
Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,
Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ.
Cả nước một lòng, hǎng hái tiến lên,
Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!

Xuânnǎm 1960
Hồ Chí Minh

————————-

Báo Nhân dân, số 2116, ngày 1-1-1960.
cpv.org.vn

Bài nói tại lễ kỷ niệm 30 nǎm ngày thành lập Đảng (5-1-1960)

Thưa các đồng chí,

Tôi xin thay mặt Trung ương Đảng và Mặt trận hoan nghênh các đồng chí đã đến dự lễ chúc mừng Đảng 30 tuổi.

Trong thời gian vừa qua, khắp miền Bắc nước ta từ thành thị đến nông thôn, các nhà máy, nông trường, hợp tác xã, các đơn vị bộ đội, các cơ quan, trường học, v.v. ai cũng hǎng hái thi đua lấy thành tích chào mừng Đảng. Tôi xin thay mặt Đảng gửi lời khen ngợi và cảm ơn toàn thể đồng bào.

Đồng bào miền Nam trước đây đã từng anh dũng tham gia cách mạng và kháng chiến, ngày nay đang đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh chống chế độ hung tàn của Mỹ – Diệm, đòi cải thiện đời sống, đòi tự do dân chủ, đòi hoà bình thống nhất nước nhà và luôn luôn hướng về miền Bắc. Tôi xin thay mặt Đảng gửi đến đồng bào lời chào thân ái nhất; và nói với đồng bào rằng: Cuộc đấu tranh chính nghĩa tuy phải trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.

Thưa các đồng chí,

Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!

Đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Trong đại gia đình vô sản quốc tế rực rỡ dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng ta có những người anh vĩ đại như Đảng Cộng sản Liên Xô,

Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Pháp và các đảng anh em khác, gồm 35 triệu anh em chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân.

Đảng ta vĩ đại thật. Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi nǎm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra.

Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong.

– Ǎn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta.

Trong 15 nǎm đấu tranh trước Cách mạng Tháng Tám và trong tám, chín nǎm kháng chiến, biết bao đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã vì dân, vì Đảng mà hy sinh một cách cực kỳ oanh liệt. Chỉ riêng trong cấp Trung ương của Đảng đã có 14 đồng chí bị đế quốc Pháp bắn, chém, hoặc đập chết trong nhà tù. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khǎn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta.

– Nhân đây, tôi muốn nhắc lại rằng: Trong 31 đồng chí hiện nay là Uỷ viên Trung ương ta, trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 nǎm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn ở tù. Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngǎn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua.

– Đảng ta vĩ đại thật. Một ví dụ: Trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp.

Nhưng thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Ngày nay ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong. Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và vǎn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và vǎn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta.

Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác.

– Nhiệm vụ hiện nay của Đảng ta là lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh thi đua tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Nhân dân ta có truyền thống lao động cần cù, lại được các nước anh em hết lòng giúp đỡ. Chúng ta phải có quyết tâm học tập và theo kịp các nước anh em.

Kết quả tốt đẹp của đợt thi đua lấy thành tích chào mừng Đảng đã chứng tỏ rằng sáng kiến và lực lượng của nhân dân ta rất dồi dào và to lớn. Khi tư tưởng đã thông suốt thì khó khǎn gì cũng vượt được, công việc to lớn mấy cũng làm được.

Trung ương kêu gọi toàn thể đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, bất kỳ ở cương vị nào, làm công việc gì đều phải trau dồi đạo đức cách mạng, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học tập chính trị, vǎn hoá và khoa học, kỹ thuật, làm tốt công tác kinh tế tài chính, gương mẫu trong mọi việc làm. Phải đoàn kết và học hỏi những anh em ngoài Đảng và ngoài Đoàn, để cùng nhau tiến bộ.

Hồi khởi nghĩa, Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà lãnh đạo được nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Ngày nay, hàng ngũ Đảng ta đã tǎng gần 100 lần, nghĩa là độ nửa triệu đảng viên. Chúng ta lại có hơn 60 vạn đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động. Chính quyền nhân dân ta vững chắc, quân đội nhân dân hùng mạnh, Mặt trận dân tộc rộng rãi. Công nhân, nông dân và trí thức ta được rèn luyện thử thách và tiến bộ không ngừng. Nói tóm lại: lực lượng của chúng ta to lớn và ngày càng to lớn. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà và góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ hoà bình ở châu á và thế giới.

Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,
Ba mươi nǎm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức, là vǎn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hoà bình ấm no.
Công ơn Đảng thật là to,
Ba mươi nǎm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.

Đảng Lao động Việt Nam vĩ đại muôn nǎm!

Nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn nǎm!

Đại gia đình xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại muôn nǎm!

Chủ nghĩa cộng sản muôn nǎm!

Hoà bình thế giới muôn nǎm!

—————————–

Nói tối 5-1-1960.
Báo Nhân dân, số 2121, ngày 7-1-1960.
cpv.org.vn

Ba mươi nǎm hoạt động của Đảng (6-1-1960)

Nǎm nay, Đảng ta 30 tuổi chẵn. Trong 30 nǎm, Đảng đã kinh qua những cuộc đấu tranh oanh liệt và thu được nhiều thắng lợi vẻ vang. Nhân dịp này, chúng ta nên nhìn lại những đoạn đường đã qua, rút ra những kinh nghiệm quý báu và ấn định đúng đắn những nhiệm vụ cách mạng hiện nay và sắp tới để giành lấy những thắng lợi to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa.

*

*     *

Cũng như những biến chuyển to lớn ở nước ta không thể tách rời những biến chuyển chung trên thế giới, sự trưởng thành của Đảng có quan hệ chặt chẽ với sự trưởng thành của các đảng anh em.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã đánh tan một bộ phận lực lượng của chủ nghĩa tư bản và mở đường giải phóng cho giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới. Nǎm 1919, V.I. Lênin lãnh đạo những người cách mạng chân chính ở các nước tổ chức raQuốc tế thứ ba (1) . Từ đó, các đảng cộng sản được thành lập ở nước Pháp, ở Trung Quốc và ở nhiều nước khác. Lúc ban đầu, nhờ sự giúp đỡ trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Pháp mà chủ nghĩa Mác – Lênin và ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười đã chọc thủng lưới sắt của thực dân Pháp truyền đến Việt Nam ta.

Từ nǎm 1924 trở đi, phong trào cách mạng ở Việt Nam ngày càng lên cao, công nhân ta đã có nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp, từ đấu tranh kinh tế tiến lên đấu tranh chính trị.

Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu nǎm 1930.

Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.

Lịch sử của Đảng ta đại thể đã trải qua mấy thời kỳ:

– Thời kỳ hoạt động bí mật,

– Thời kỳ lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công,

– Thời kỳ lãnh đạo kháng chiến thắng lợi,

– Thời kỳ từ nay trở đi, là thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.

*

*     *

Hầu suốt mười lǎm nǎm đầu, Đảng phải hoạt động bí mật. Hằng ngày hằng giờ, Đảng phải đương đầu với chính sách khủng bố cực kỳ dã man của thực dân Pháp. Côn Lôn, Lao Bảo, Sơn La và những nhà tù khác giam chật ních những người cộng sản. Nhiều cán bộ lãnh đạo và đảng viên đã anh dũng hy sinh. Tuy vậy, do tin tưởng sâu sắc rằng cuối cùng Đảng nhất định thắng lợi, cách mạng nhất định thắng lợi, cho nên số đảng viên ngày càng đông, lực lượng Đảng ngày càng mạnh.

Ngay từ lúc đầu, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Trong lúc đó, giai cấp phong kiến đã đầu hàng đế quốc, giai cấp tư sảnnon yếu thì chỉ mong thoả hiệp với đế quốc để tìm một lối sống. Các tầng lớptiểu tư sản tuy là sôi nổi, nhưng tư tưởng bế tắc, không có đường ra.

Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam.

*

*     *

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn. Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền nǎm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng củng cố và tǎng cường.

Ngay từ ngày mới ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng mạnh lớn xưa nay chưa từng có ở nước ta -phong trào Xô viết Nghệ – Tĩnh (2) nǎm 1930. Quần chúng công nhân và nông dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã nổi lên lật đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, thành lập chính quyền Xôviết công nông binh, ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động.

Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xôviết Nghệ – Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và nǎng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này.

*

*     *

Nǎm 1936, nguy cơ phát xít và chiến tranh thế giới đã rõ. Đảng ta phối hợp với mặt trận dân chủ chống phát xít thế giới và Mặt trận nhân dân Pháp (3) đã phát động một phong trào quần chúng rộng rãi, thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít và phản động thuộc địa ở Đông Dương (4) . Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ và đòi cải thiện đời sống. Phong trào ấy đã lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu người. Uy tín của Đảng càng mở rộng và ǎn sâu trong nhân dân lao động.

Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đế quốc Nhật xâm chiếm Việt Nam và câu kết với thực dân Pháp để thống trị nước ta, Đảng đã kịp thời chuyển hướng đấu tranh, đã tổ chức Mặt trận Việt Minh (5) và các đoàn thể cứu quốc (1941) để đoàn kết chặt chẽ mọi lực lượng yêu nước chống phát xít và thực dân. Hồi đó, Đảng tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra chính sách giảm tô, giảm tức và tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian giao cho dân cày. Làm như thế để tập trung lực lượng chống đế quốc và bè lũ tay sai, lôi kéo những người yêu nước trong giai cấp địa chủ, mở rộng Mặt trận dân tộc cứu nước.

Do chính sách đúng đắn của Đảng mà phong trào cách mạng ngày càng lên cao. Các khu cǎn cứ được thành lập. Quân giải phóng Việt Nam được tổ chức, Đảng đã phát động chiến tranh du kích chống Nhật phối hợp với cuộc chiến tranh của nhân dân thế giới chống phát xít.

Nhờ có những điều kiện đó, cho nên mùa thu nǎm 1945, khi Hồng quân Liên Xô đánh thắng phát xít, thì Đảng đã kịp thời phát động cuộc toàn quốc khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

Bắt đầu xây dựng từ mấy nhóm ít người, được rèn luyện trong những cuộc đấu tranh ác liệt, nǎm 1945 Đảng vẻn vẹn chỉ có độ 5.000 đảng viên (một số còn bị giam trong các nhà tù đế quốc). Thế mà Đảng đã đoàn kết và lãnh đạo được nhân dân cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công.

Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác – Lênin ở một nước thuộc địa.

*

*     *

Cách mạng Tháng Tám thành công mới được ít lâu thì Chính phủ Pháp phản bội những hiệp ước họ đã ký với ta và gây ra cuộc chiến tranh xâm lược.

Hồi đó, nước ta đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ khó khǎn. Sau nạn đói khủng khiếp do đế quốc Pháp và phát xít Nhật gây ra, nhân dân ta chưa lại sức. Địch thì đủ hải, lục, không quân với vũ khí hiện đại; ta thì chỉ có bộ binh nhỏ bé mới tổ chức ra, ít kinh nghiệm và thiếu mọi thứ. Tuy vậy, Đảng vẫn kiên quyết chủ trương kháng chiến, vừa ra sức lãnh đạo đánh giặc, vừa ra sức bồi dưỡng lực lượng nhân dân.

Buổi đầu kháng chiến; Đảng vẫn tiếp tục thực hành chính sách: giảm tô, giảm tức. Nhưng đến lúc kháng chiến đã phát triển mạnh, cần phải bồi dưỡng hơn nữa lực lượng nhân dân, chủ yếu là nông dân thì Đảng đã kiên quyết phát động quần chúng cải cách ruộng đất hoàn thành thực hiện người cày có ruộng.

Nhờ chính sách đúng đắn ấy, lực lượng kháng chiến ngày càng mạnh thêm và đã liên tiếp thu được nhiều thắng lợi.

Nhân dân ta ngót tám mươi nǎm bị thực dân Pháp bóc lột, áp bức tận xương, tận tuỷ. Bộ đội ta lúc đầu kháng chiến có những toán chỉ dùng gậy tầm vông, nhưng đã được tôi luyện và thử thách trong tám, chín nǎm kháng chiến. Nhân dân ta đã kết thành một khối rắn như đá, vững như đồng; quân chủ lực, quân địa phương và dân quân ta đã trở thành những bộ đội anh hùng, quyết chiến quyết thắng.

Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ (6) vào mùa hè nǎm 1954. Lực lượng thực dân Pháp bị tan vỡ. Chúng phải nhận đình chiến. Hiệp định Giơnevơ (7) được ký kết, hoà bình ở Đông Dương được lập lại trên nền tảng công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc Đông Dương.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Một lần nữa, chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam kháng chiến cứu nước thành công, giữ gìn thành quả cách mạng của mình.

*

*     *

Từ ngày hoà bình được lập lại đến nay, Việt Nam đang đứng trước một tình hình mới: đất nước tạm bị chia làm hai miền. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam thì đang bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống trị. Chúng âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa và cǎn cứ quân sự của Mỹ để gây lại chiến tranh. Chúng đang khủng bố một cách cực kỳ dã man những người yêu nước ở miền Nam. Chúng trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, cự tuyệt hiệp thương để bàn việc tổng tuyển cử tự do và hoà bình thống nhất nước Việt Nam. Chúng là kẻ thù hung ác nhất của toàn dân ta.

Vì tình hình ấy mà cách mạng Việt Nam hiện nay có hai nhiệm vụ phải đồng thời tiến hành: nhiệm vụ xây dựngmiền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hai nhiệm vụ ấy đều nhằm một mục tiêu chung là: củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên nền tảng độc lập và dân chủ.

Toàn dân Việt Nam phải phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ chung cả nước là: “tǎng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước; ra sức củng cố và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông – Nam á và thế giới” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng) (8) .

*

*     *

Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mà đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Đế quốc Pháp để lại cho ta một nền kinh tế rất nghèo nàn. Trong nông nghiệp thì sản xuất nhỏ chiếm đại bộ phận, kỹ thuật vô cùng lạc hậu. Công nghiệp thì rất nhỏ bé và lẻ tẻ. Nông nghiệp và công nghiệp lại bị tàn phá nặng nề trong mười lǎm nǎm chiến tranh. Đã vậy khi chúng phải rút khỏi miền Bắc, thực dân Pháp lại ra sức phá hoại kinh tế.

Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại có vǎn hoá và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài.

Từ 1955 đến 1957 là thời kỳ khôi phục kinh tế. Trong thời kỳ này, nhiệm vụ chủ yếu là khôi phục nông nghiệp và khôi phục các cơ sở công nghiệp, nhằm hàn gắn những vết thương chiến tranh, ổn định kinh tế và bước đầu cải thiện đời sống của nhân dân.

Do sự cố gắng của toàn Đảng và toàn dân, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước anh em, đến cuối nǎm 1957 nhiệm vụ ấy đã cǎn bản hoàn thành thắng lợi. Mức sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã xấp xỉ bằng nǎm 1939. Sản xuất lương thực thì kết quả đặc biệt tốt: nǎm 1939 miền Bắc chỉ sản xuất non hai triệu rưỡi tấn thóc, mà nǎm 1956 đã sản xuất hơn bốn triệu tấn.

Trong thời kỳ ấy, quan hệ sản xuất cũng thay đổi nhiều. Quan hệ sản xuất mới dần dần thay thế quan hệ sản xuất cũ. Cải cách ruộng đất hoàn thành đã xoá bỏ hẳn chế độ chiếm hữu phong kiến về ruộng đất và giải phóng sức sản xuất ở nông thôn: mười mấy triệu nông dân đã thoả lòng mơ ước, đã được chia ruộng đất. Độc quyền kinh tế của đế quốc đã bị quét sạch. Nhà nước ta đã nắm cả quyền kinh tế, đã xây dựng kinh tế quốc doanh có tính chất xã hội chủ nghĩa và lãnh đạo toàn bộ kinh tế quốc dân. Với sự giúp đỡ khảng khái, vô tư của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, chúng ta đã khôi phục 29 xí nghiệp cũ và xây dựng 55 xí nghiệp mới.

Nông dân nhiều nơi đã xây dựng những tổ đổi công có mầm mống xã hội chủ nghĩa.

Một số hợp tác xã nông nghiệpthí điểm được tổ chức.

Độ 10,7% thợ thủ công đã tham gia các tổ sản xuất.

Công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh bước đầu đi vào chủ nghĩa tư bản Nhà nước, với các hình thức thấp và vừa như gia công, đặt hàng, kinh tiêu, đại lý, v.v..

Công cuộc khôi phục kinh tế đã hoàn thành thắng lợi. Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến lên thực hiện kế hoạch 3 nǎm (1958-1960).

Trọng tâm của kế hoạch 3 nǎm là thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh; khâu chính là cải tạo và phát triển nông nghiệp.

Ở miền Bắc nước ta, nông nghiệp chiếm bộ phận lớn trong kinh tế mà sản xuất nhỏ lại chiếm bộ phận lớn trong nông nghiệp. Vì nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác.

Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hoá nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh.

Trong kế hoạch 3 nǎm, việc cải tạo xã hội chủ nghĩa là chủ chốt. Chúng ta tập trung lực lượng hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa chính là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội được nhanh chóng.

Đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng đối với nông nghiệp là đưa nông dân làm ǎn riêng lẻ đi dần từ tổ đổi công (có mầm mống xã hội chủ nghĩa), tiến lên hợp tác xã cấp thấp (nửa xã hội chủ nghĩa), rồi tiến lên hợp tác xã cấp cao (xã hội chủ nghĩa).

Nông thôn ta đất hẹp người đông, kỹ thuật nông nghiệp lạc hậu, nǎng suất lao động thấp kém. Chỉ riêng việc tổ chức nhau lại, cải tiến kỹ thuật, quản lý cho khéo, thì cũng đã nâng cao được nǎng suất lao động hơn làm ǎn riêng lẻ. Nông dân ta đã hiểu điều đó. Vả lại nông dân ta có truyền thống cách mạng, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, nghe lời kêu gọi của Đảng. Cho nên họ hǎng hái vào tổ đổi công và hợp tác xã, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, tính đến tháng 11-1959 đã có hơn 40% nông hộ vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa vững chắc thì nông nghiệp nhất định phát triển tốt. Nông nghiệp phát triển tốt thì công nghiệp sẽ phát triển nhanh. Công nghiệp phát triển thì sẽ giúp nông thôn ta về thuỷ lợi, về phân bón, về nông cụ cải tiến, về máy móc nông nghiệp, về sức điện, v.v..

Một việc cần kíp nữa là cải tạo hoà bình đối với giai cấp tư sản dân tộc. Về kinh tế, chúng ta không tịch thu tư liệu sản xuất của họ, mà dùng chính sách chuộc lại. Về chính trị, chúng ta vẫn cho họ có quyền lợi thích đáng, họ vẫn được giữ địa vị một thành viên trong Mặt trận Tổ quốc.

Nước ta trước đây là một thuộc địa, giai cấp tư sản dân tộc vốn đã nhỏ bé lại bị đế quốc và phong kiến chèn ép, không thể ngóc đầu lên. Cho nên số đông họ đã đi theo nhân dân lao động chống đế quốc phong kiến, đã tham gia kháng chiến. Đó là mặt ưu điểm của họ. Nhưng do bản chất giai cấp của họ, họ vẫn luyến tiếc cách bóc lột và muốn phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong điều kiện miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, ý nguyện của họ không thể nào thực hiện được. Họ thấy phải tiếp thụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, vì họ không thể tự đặt mình ra ngoài đại gia đình toàn dân Việt Nam. Và đại đa số người tư sản dân tộc đã thấy rõ rằng: thật thà tiếp thụ cải tạo thì họ được hoà mình với nhân dân lao động để xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là con đường duy nhất và vẻ vang của họ.

*

*     *

Vềvǎn hoá giáo dục, chúng ta cũng có thành tích khá to.

Thời kỳ thuộc Pháp, hơn 85% nhân dân ta không biết đọc, biết viết. Ngày nay, ở miền Bắc nạn mù chữ đã cǎn bản xoá xong.

Về số học sinh các trường thì:

Nǎm 1939 cả Đông Dương có: Nǎm 1959-1960 miền Bắc ta có:
Học sinh đại học 582 người 7.518 người
Học sinh chuyên nghiệp 438 người 18.100 người
Học sinh phổ thông 540.000 người 1.522.200 người

Về ngành y tế:

Nǎm 1939 Trung Bộ và Bắc Bộ có: Nǎm 1959 ở miền Bắc có:
Nhà thương 54 cái 138 cái
Y tế xã 138 cái 1.500 cái
Bác sĩ 86 người 292 người
Y tá 968 người 6.020 người
Cán bộ y tế ở xã 169.000 người

*

*     *

Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ǎn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân để tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, mọi công việc đều làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, thì các kế hoạch Nhà nước nhất định hoàn thành và đời sống của nhân dân ta chắc chắn được cải thiện thêm mãi.

Trên nền tảng những thắng lợi đã đạt được, chúng ta phải ra sức chuẩn bị đầy đủ để tiến sang những kế hoạch dài hạn sau này.

*

*     *

Sở dĩ đạt được những thắng lợi ấy là vì:

– Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác – Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn. Đảng ta không ngừng đấu tranh chống những khuynh hướng cải lương của giai cấp tư sản và những khuynh hướng manh động của tầng lớp tiểu tư sản trong phong trào dân tộc; chống luận điệu “tả” của bọn tơrốtxkít 9 trong phong trào công nhân; chống những khuynh hướng hữu và “tả” trong Đảng khi quy định và chấp hành chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng ở mỗi thời kỳ. Chủ nghĩa Mác – Lênin đã giúp Đảng vượt qua những trận thử thách ấy. Nhờ vậy, Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực và đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Đảng ta.

Chủ nghĩa Mác – Lênin đã giúp Đảng ta thấy rõ rằng trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta thì vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân, cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo và chính quyền nhân dân thực chất là chính quyền của công nông. Vì vậy, trải qua các thời kỳ, Đảng ta đãnắm vững và giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, củng cố được liên minh công nông. Đảng ta đã đấu tranh chống những xu hướng hữu khuynh và “tả” khuynh đánh giá thấp vai trò của nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân, là lực lượng cơ bản cùng với giai cấp công nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kinh nghiệm của Đảng ta trong quá trình cách mạng đã chỉ rõ là nơi nào, lúc nào cán bộ ta giải quyết tốt lợi ích thiết thân của nông dân, nắm vững nguyên tắc liên minh công nông, thì nơi đó, lúc đó cách mạng đều tiến mạnh.

– Đảng ta đã khéo tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đoàn kết dân tộc để đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Lực lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng ta luôn luôn đấu tranh trên hai mặt trận chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được; đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức trong nội bộ Mặt trận. Kinh nghiệm 30 nǎm của Đảng ta trong công tác đoàn kết dân tộc đã chứng tỏ rằng cần phải đấu tranh trên hai mặt trận như thế, thì vai trò lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận dân tộc thống nhất mới được đảm bảo, nền tảng công nông của Mặt trận mới được vững chắc, tính chất rộng rãi của Mặt trận mới được phát huy đầy đủ.

Đảng ta trưởng thành trong hoàn cảnh Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã thành công. Mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào hoà bình và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khǎn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày này.

Chúng ta luôn luôn ghi nhớ công lao to lớn của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Pháp đã nhiệt tình giúp đỡ Đảng ta và dân ta trong cuộc đấu tranh cách mạng.

Từ nay về sau, trên con đường tiến lên giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng ta sẽ luôn luôn giữ vững và tích cực góp phần củng cố tình đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân, tǎng cường lực lượng của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu ra sức giáo dục cho nhân dân ta thấm nhuần sâu sắc tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa kết hợp chặt chẽ với tinh thần yêu nước, liên hệ cách mạng nước ta với phong trào của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

*

*     *

Nhìn lại 30 nǎm qua, thế giới đã có những biến chuyển vô cùng to lớn Đảng ta và nhân dân ta cũng vậy.

– Trước đây 30 nǎm, nhân dân ta đang bị đày đoạ dưới ách nô lệ thực dân; Đảng ta mới thành lập, anh dũng nhưng còn non yếu.

Chỉ có Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa, bốn bề lại bị các nước đế quốc chủ nghĩa bao vây.

Đảng Cộng sản và Hồng quân Trung Quốc bị bọn Quốc dân đảng phản động tấn công cực kỳ dữ dội; các đảng anh em khác thì đều đang xây dựng bước đầu.

Chủ nghĩa đế quốc đang hoành hành trên 5 phần 6 quả đất và đang phát xít hoá.

Nói tóm lại, lúc đó phần lớn xã hội loài người đang bị nghẹt thở dưới chế độ tư bản chủ nghĩa tối tǎm.

– Ngày nay, tình hình thế giới đã biến đổi hẳn, đã tươi sáng hẳn.

Liên Xô là một nước giàu mạnh vào bậc nhất thế giới, đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản, đồng thời là thành trì kiên cố nhất của sự nghiệp giữ gìn hoà bình cho loài người.

Chủ nghĩa xã hội đã thành một hệ thống thế giới rộng lớn và vững mạnh từ Âu sang á, gồm có hơn 1.000 triệu người.

Ở các nước, có 85 đảng cộng sản, đảng công nhân với 35 triệu chiến sĩ kiên quyết đấu tranh cho hoà bình, cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Nhiều nước thuộc địa cũ đã trở thành những nước độc lập và từ châu á, châu Phi đến châu Mỹ Latinh, khắp nơi phong trào giải phóng dân tộc nổi lên rầm rộ như nước vỡ bờ. Chủ nghĩa đế quốc đang sa lầy lút tận cổ.

Miền Bắc nước ta đã được hoàn toàn giải phóng và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tự hào là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa do Liên Xô vĩ đại đứng đầu. Đảng ta có hàng chục vạn đảng viên đang tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đảng ta đang đứng đầu trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân cả nước. Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết lãnh đạo toàn dân đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông – Nam á và thế giới.

*

*     *

Để làm trọn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang ấy, Đảng ta phải:

– Tǎng cường về mặt tư tưởng và kiện toàn về mặt tổ chức. Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng, chủ yếu là trong quần chúng công nhân, để tǎng cường thành phần vô sản trong Đảng.

– Mọi đảng viên đều phải ra sứchọc tập chủ nghĩa Mác-Lênin củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà, liên hệ chặt chẽ với quần chúng lao động, một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đòi hỏi Đảng ta phải nắm vững khoa học và kỹ thuật, do đó mỗi đảng viên đều phải cố gắng học tập vǎn hoá, học tập khoa học và kỹ thuật.

Phải tǎng cường sự lãnh đạocủa Đảng trên mọi lĩnh vực.

– Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

– Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và vǎn hoá của giai cấp công nhân nước ta.

– Hội liên hiệp Phụ nữphải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

– Các hợp tác xã nông nghiệp,dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải trở thành những đội quân vững mạnh của mười mấy triệu nông dân lao động trong công cuộc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giáo dục tư tưởng và xây dựng nông thôn phồn thịnh của nước ta.

– Quân đội ta phải ra sức học tập chính trị và kỹ thuật, xây dựng thành một lực lượng ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc bảo vệ công cuộc lao động hoà bình của nhân dân ta.

Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, với chí khí anh dũng của đội quân tất thắng, toàn Đảng ta đã đoàn kết hãy đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, tiến lên lãnh đạo nhân dân lao động nước ta giành những thắng lợi mới trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà.

Đảng Lao động Việt Nam muôn nǎm!

Nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn nǎm!

Chủ nghĩa xã hội muôn nǎm!

Hoà bình thế giới muôn nǎm!

Hồ Chí Minh

————————-

Báo Nhân dân, số 2120, ngày 6-1-1960.

(1) Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản): Sau thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), các đảng cộng sản và tổ chức cộng sản ở nhiều nước trên thế giới ra đời. Để giúp các đảng cộng sản và tổ chức cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng vô sản các nước đi theo con đường của chủ nghĩa Mác chân chính, tháng 1-1919, dưới sự lãnh đạo của Lênin, Hội nghị đại biểu của 8 đảng cộng sản và nhóm cộng sản đã kêu gọi tất cả các đảng cộng sản, các tổ chức xã hội chủ nghĩa phái tả tham gia Đại hội thành lập Quốc tế cộng sản.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tháng 3-1919, dưới sự lãnh đạo của Lênin, các đảng cộng sản và nhóm cộng sản của 30 nước đã tiến hành Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva.

Quốc tế Cộng sản là tổ chức có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hoàn toàn đối lập với Quốc tế thứ hai, Quốc tế Cộng sản rất chú trọng tới vấn đề giải phóng dân tộc.

Cǎn cứ vào tình hình phát triển của cách mạng Đông Dương, tại phiên họp thứ 25 (11-4-1931), Hội nghị toàn thể lần thứ chín của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã quyết nghị “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp từ nay được công nhận là một chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”. Tại Đại hội lần thứ VII (1935), Quốc tế cộng sản đã chính thức công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 5-1943, cǎn cứ vào hoàn cảnh mới, Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đã thông qua nghị quyết giải tán tổ chức quốc tế này. Tr. 7.

(2) Xôviết Nghệ – Tĩnh: Đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931 do Đảng ta lãnh đạo. Xôviết Nghệ – Tĩnh là phong trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chống thực dân Pháp và tay sai đã phát triển thành nhiều cuộc biểu tình có vũ trang, đánh đổ chính quyền địch ở nhiều địa phương, thành lập chính quyền cách mạng kiểu xô-viết, tiến hành chia ruộng công cho dân cày, bài trừ mê tín dị đoan, trấn áp bọn phản cách mạng,v.v..

Hoảng sợ trước sức mạnh của nhân dân, thực dân Pháp và tay sai đã dìm phong trào Xôviết Nghệ – Tĩnh trong biển máu.

Phong trào Xôviết Nghệ – Tĩnh nổ ra khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hoạt động ở nước ngoài. Mặc dù vậy, Người vẫn theo dõi chặt chẽ tình hình và thường xuyên báo cáo với Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân để xin chỉ thị và kêu gọi ủng hộ phong trào này. Báo cáo của Người gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhan đề là: “Nghệ – Tĩnh đỏ”, trong đó Người khẳng định: “bom đạn, súng máy, đốt phá, đồn binh… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ – Tĩnh”.

Phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ – Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của quần chúng cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Tr. 9.

(3) Mặt trận nhân dân Pháp (hay Mặt trận bình dân): Thành lập cuối nǎm 1935 đầu nǎm 1936 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935) và theo chủ trương của Đảng Cộng sản Pháp. Tham gia Mặt trận nhân dân có Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội Pháp cùng nhiều đảng phái và tổ chức cấp tiến khác nhằm chống chủ nghĩa phát xít.

Nǎm 1936, Mặt trận nhân dân giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Nghị viện nước Pháp. Chính phủ Mặt trận nhân dân nắm quyền từ nǎm 1936 đến nǎm 1939 đã thi hành một số chính sách tiến bộ ở trong nước và thuộc địa có ảnh hưởng nhất định đến tình hình cách mạng ở Đông Dương.

Tranh thủ điều kiện thuận lợi ấy, Đảng ta đã tổ chức những hoạt động công khai, hợp pháp, kết hợp với hoạt động bí mật để động viên các tầng lớp nhân dân đòi dân sinh, dân chủ, đòi cơm áo, hoà bình. Nhờ đó, phong trào đấu tranh thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939) phát triển khá mạnh mẽ. Tr. 10.

(4) Mặt trận dân chủ Đông Dương: Thành lập tháng 7-1936 theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương nǎm 1936 và cǎn cứ vào Nghị quyết Đại hội

lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản nhằm đoàn kết tất cả các lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và phản động thuộc địa. Mặt trận dân chủ Đông Dương bao gồm các đảng phái, các giai cấp, các đoàn thể, các dân tộc và những người yêu nước tán thành dân chủ và tiến bộ.

Chính sách của Đảng được thực hiện thông qua Mặt trận dân chủ Đông Dương đã tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển rộng rãi và mạnh mẽ thành cao trào cách mạng trong những nǎm 1936-1939. Hàng triệu quần chúng công nông và các tầng lớp nhân dân khác đã được giáo dục, giác ngộ và được tổ chức đấu tranh dưới các hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp, kết hợp chặt chẽ với các hình thức không hợp pháp rất phong phú, linh hoạt. Thắng lợi này đã tạo ra lực lượng mới và trận địa mới cho cao trào cách mạng 1939-1945 và Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám nǎm 1945. Tr. 10.

(5) Việt Minh (Mặt trận Việt Minh): Tên gọi tắt của Việt Nam Độc lập đồng minh, được thành lập ngày 19-5-1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5-1941). Việt Minh gồm các thành viên là Đảng Cộng sản Đông Dương, các Hội cứu quốc, một số đảng phái và các tổ chức yêu nước.

Việt Minh là một mặt trận thống nhất dân tộc rộng rãi, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị, các dân tộc, tôn giáo yêu nước để chống kẻ thù chính của dân tộc lúc đó là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Mặt trận đã áp dụng chính sách mềm dẻo để tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ được, phân hoá, cô lập kẻ thù, nhằm tiêu diệt chúng, giành độc lập tự do cho nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, để góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp mau đến thắng lợi, ngày 3-3-1951, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc đã thống nhất hai tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) và Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) thành Mặt trận Liên – Việt. Tr. 10.

(6) Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng lớn nhất, có tính chất quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Điện Biên Phủ là châu lỵ của châu Điện Biên tỉnh Lai Châu, nằm giữa vùng Tây – Bắc gần biên giới Việt – Lào. Đây là vùng có vị trí chiến lược quan trọng đối với toàn bộ chiến trường Đông Dương.

Thực dân Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ (tháng 11-1953) và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Đây là cái xương sống trong “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Lực lượng của chúng ở Điện Biên Phủ lên tới hơn 16.000 tên, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tǎng, 1 đại đội xe vận tải và 1 phi đội máy bay thường trực cùng nhiều vũ khí hiện đại của Pháp, Mỹ. Với lực lượng như vậy, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ âm mưu hòng làm thay đổi cục diện chiến trường Đông Dương theo chiều hướng có lợi cho chúng. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược của ta và địch trên toàn bộ chiến trường Đông Dương.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định tình hình và quyết định mở chiến dịch tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, sau gần 4 tháng chuẩn bị, ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở đợt tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng lớn nhất của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã đập tan kế hoạch Nava của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ và có ý nghĩa quyết định nhất đối với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Tr. 11.

(7) Hiệp định Giơnevơ: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của một số nước họp từ ngày 26-4 đến 21-7-1954 tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), được triệu tập theo chủ trương của Hội nghị Béclin nǎm 1954. Chương trình thảo luận của Hội nghị gồm 2 vấn đề: giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Vǎn Đồng dẫn đầu đã đến dự Hội nghị.

Ngày 8-5-1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được thảo luận.

Lập trường của Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ là: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.

Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 đánh dấu một bước thắng lợi của cách mạng Đông Dương. Ngay từ sau khi Hiệp định được ký kết, đế quốc Mỹ đã ra sức chống phá việc thi hành Hiệp định, nhanh chóng hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và cǎn cứ quân sự của Mỹ, hòng xâm lược cả nước ta và toàn bán đảo Đông Dương.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta kiên quyết đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kề vai sát cánh cùng nhân dân Lào, nhân dân Campuchia đấu tranh giành độc lập hoàn toàn cho cả 3 dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Tr. 11.

(8) Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II): Họp vào tháng 1-1959. Hội nghị đã ra Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam là đánh đổ đế quốc, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực.

Nghị quyết đã đặc biệt nhấn mạnh vị trí, vai trò to lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Nghị quyết của Hội nghị là một dấu ấn lịch sử quan trọng, tạo nên bước chuyển biến mới đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Tr. 13.

cpv.org.vn

Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc (8-1-1960)

Từ trước đến mười hai nǎm gần đây, đồng bào ta đi sang Thái Lan đại khái có mấy đợt:

– Hồi phong kiến, các vua Minh Mạng và Thiệu Trị nhà Nguyễn tàn sát những người theo đạo Thiên Chúa. Nhiều đồng bào công giáo phải lánh nạn sang Xiêm. Họ ở thành từng xóm từng làng nho nhỏ, nhiều nhất là gần kinh đô Bǎng Cốc. Vì ở đã lâu đời, họ theo phong tục tập quán Xiêm, nhưng vẫn nói tiếng Việt và tụng kinh bằng tiếng Việt.

– Sau phong trào ” vǎn thân” và phong trào cách mạng khác bị thất bại, đế quốc Pháp khủng bố dã man. Nhiều người cách mạng cũng tạm lánh nạn sang Xiêm.

– Từ nǎm 1946, đế quốc Pháp lại gây chiến tranh xâm lược, người Việt chạy giặc sang Xiêm lần này khá đông.

Nói tóm lại: Việt kiều ở Thái Lan đều là nạn nhân của phong kiến và đế quốc.

Kiều bào ta ở Thái Lan đều làm ǎn cần cù. Người thì làm ruộng. Người thì buôn bán nhỏ. Người thì làm nghề thủ công. Mọi người đêu góp phần làm cho kinh tế Thái Lan thêm thịnh vượng.

Kiều bào ai cũng nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật của nước Thái Lan và ǎn ở hoà mục với nhân dân Thái Lan. Vì vậy họ được bà con Thái Lan yêu mến.

Trước đây, chính quyền Thái Lan đối với Việt kiều cũng tử tế. Một ví dụ: Cách đây độ 30 nǎm, đế quốc Pháp đòi Chính phủ Xiêm cho chúng bắt một người cách mạng Việt Nam tên là N. Tuy biết rõ N, nhưng vì muốn bảo hộ đồng chí ấy, chính quyền địa phương bèn gọi N đứng lẫn với một nhóm người Xiêm tuổi tác và hình dáng đều giống hệt N, rồi bảo bọn mật thám Pháp: “Đó, các ông xem ai là N thì bắt đi…”. Nhìn đi, nhìn lại mấy tên vẫn không nhận được N, bọn chó sǎn Pháp phải quắp đuôi lủi thủi ra về.

Chính quyền địa phương nói với kiều bào ta: “Chúng tôi biết anh em là những người yêu nước, làm những việc yêu nước. Nhưng anh em làm việc phải làm kín đáo, kẻo bọn Pháp can thiệp làm phiền cả chúng tôi, cả anh em…”.

Kiều bào ta ở Thái Lan đều thương yêu giúp đỡ nhau và luôn luôn hướng về Tổ quốc. Tôi xin kể vài chuyện:

Cách đây hơn 30 nǎm, tôi cùng đi với Bác đến Xiêm. Đến đâu, hai bác cháu cũng được kiều bào tiếp đãi vồn vã, nhường áo sẻ cơm.

Cố nhiên, họ không biết Bác là ai, chỉ biết là người Việt Nam mới đến đất này, thì họ sẵn sàng giúp đỡ.

Hội “ái hữu” của Việt kiều thành lập nhằm mấy mục đích: Đoàn kết – đoàn kết giữa Việt kiều với nhau và đoàn kết giữa người Việt với người Xiêm; nhắc nhủ kiều bào yêu Tổ quốcvà giúp kiều bào học chữ quốc ngữ.

Để tự túc, cán bộ của hội chia nhau từng nhóm cày ruộng, cưa gỗ hoặc buôn bán nhỏ. Bác cũng phát nương làm xuốn 2 như các anh em khác. Nghe nói đám đất hoang do Bác và cố Tú Ngọ cùng các em thiếu nhi khai khẩn thành cái vườn hiện nay vẫn còn tốt. Hồi đó kiều bào rất tin tưởng vào đoàn thể. Ví dụ như cụ L. bán thịt lợn có vốn liếng khá, đã nói với cán bộ: “Vợ chồng tôi xin gửi mấy đứa con nhờ đoàn thể dạy dỗ để mai sau chúng nó tham gia chống Tây cứu nước. Chúng tôi cũng xin giao cả gia tài tuỳ ý đoàn thể sử dụng. Từ nay vợ chồng tôi tự coi mình như người “làm tài chính” cho đoàn thể…”.

Có kiều bào quyên cả nhà, cả vườn cho hội làm trụ sở, mình đi làm nhà ở nơi khác.

Có kiều bào quyên ruộng đất cho hội, rồi tự tay mình và động viên kiều bào khác cày cấy gặt hái cho hội để tiêu dùng vào công việc chung, như làm nhà trường, in sách báo và nuôi dạy các em thiếu nhi. Liệt sĩ thanh niên Trọng Con là con một kiều bào ở Thái Lan.

Các em thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan cũng ngoan lắm. Một hôm, một cán bộ ta bị mật thám Tây đuổi bắt. Anh ấy chạy vào một nhà kiều bào. Sau mấy phút mật thám Tây cũng vào theo. Người lớn đi vắng hết, chỉ có một em gái độ 9, 10 tuổi ở nhà, khi thấy bọn chó sǎn Tây nhớn nhác chạy vào, em G. liền lấy nón úp vào đầu anh cán bộ, vứt một dây thừng vào tay anh và nói một cách giận dữ: “Chú không đi bắt trâu, cứ ngồi ỳ ở nhà, mẹ về mẹ chửi cho mà xem!”. Thế là anh cán bộ ung dung “đi bắt trâu”. Còn bọn chó sǎn Tây thì cụt hứng.

Phải nói thêm rằng: Em bé G. vốn không quen biết anh cán bộ ấy.

Nói tóm lại: Kiều bào ta ở Thái Lan là:

Mình tuy nương náu đất người,
Nhưng lòng yêu nước không nguôi bao giờ!

Và đã làm đúng ý nghĩa câu hát:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.

Từ đầu nǎm nay, mấy vạn kiều bào sẽ lần lượt trở về nước, để đồng cam cộng khổ với chúng ta, để cùng chúng ta thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, góp phần của kiều bào vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Kiều bào ta vẫn biết rằng: Sau nhiều nǎm chiến tranh tàn khốc, chúng ta còn có nhiều khó khǎn, nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ. Nhưng đối với kiều bào thì không gì khổ bằng ngày trước đã không được tham gia kháng chiến đánh Tây, ngày nay lại chưa được tham gia xây dựng Tổ quốc. Vì vậy, lòng ước mong nồng nàn nhất của kiều bào là mau chóng được trở về quê hương, mau chóng được tham gia xây dựng đất nước. Khó khǎn mấy kiều bào cũng quyết tâm vượt qua, công việc nặng nề mấy kiều bào cũng vui lòng gánh vác. Kiều bào ta ai cũng nghĩ rằng:

Bấy lâu xa cách nước nhà,
Nay về quê cũ thế là vẻ vang!

Chúng ta thì nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào về nước, vì:

Bao nǎm ngày đợi đêm trông,
Nay mai sẽ được thoả lòng nhớ nhung!

VK.

————————-

Báo Nhân dân, số 2123, ngày 8-1-1960.
cpv.org.vn

Bài nói với kiều bào ở Thái Lan trở về nước (10-1-1960)

Thưa kiều bào thân mến,

Thưa đồng bào yêu quý,

Thay mặt Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, tôi nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào trở về Tổ quốc.

Hoan nghênh kiều bào đã về đến và hoan nghênh những kiều bào sẽ về những chuyến sau.

Tôi cảm ơn nhân dân Thái Lan đã hết lòng giúp đỡ kiều bào, Cảm ơn Chính phủ Thái Lan đã thi hành đúng đắn các hiệp định,

Cảm ơn Hội Hồng thập tự Quốc tế,

Hội Hồng thập tự Thái Lan,

Đặc biệt cảm ơn các vị đại biểu Hồng thập tự Thái Lan đã đưa kiều bào về đến nơi đến chốn,

Cảm ơn thuyền trưởng tàu Anh Phúc, các anh em nhân viên và các đồng chí thuỷ thủ đã chiếu cố kiều bào một cách chu đáo.

Biết rằng: mấy hôm nay, kiều bào xông pha sóng gió, cho nên đồng bào Hải Phòng đã chuẩn bị nơi ǎn, chỗ ở để kiều bào tạm nghỉ vài hôm.

Sau đó, kiều bào sẽ đi về những nơi mà mình đã chọn và Chính phủ đã chuẩn bị sẵn sàng.

Đã bao nǎm, kiều bào ta ở đất khách quê người, luôn luôn hướng về Tổ quốc. Ngày nay, kiều bào đã sung sướng trở về xứ sở. Đảng và Chính phủ tin chắc rằng kiều bào sẽ vui vẻ cùng đồng bào cả miền Bắc đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khǎn, hǎng hái thi đua, tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tôi nhắc lại một lần nữa rằng: kiều bào về đến địa phương nào, thì cán bộ và nhân dân ta ở đó cần phải hết lòng giúp đỡ kiều bào, đúng như Đảng và Chính phủ đã chỉ thị.

Chúc kiều bào đoàn kết, vui vẻ, mạnh khoẻ!

Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn nǎm!

Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Thái Lan muôn nǎm!

Hoà bình thế giới muôn nǎm!

—————————–

Nói ngày 10-1-1960.
Báo Nhân dân, số 2125, ngày 11-1-1960.
cpv.org.vn

Bài nói tại Đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội về thắng lợi của kỳ họp lần thứ 11Quốc hội khóa I (13-1-1960)

Thưa đồng bào yêu quý,

Chúng ta đều nhất trí xác nhận rằng Kỳ họp lần thứ 11 của Quốc hội đã đạt được kết quả rất to lớn và có ảnh hưởng rất sâu xa: Như Luật hôn nhân và gia đình có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến cả nòi giống Việt Nam ta. Đạo luật ấy làm cho gái trai thật sự bình quyền, gia đình thật sự hạnh phúc.

Toàn thể đồng bào ta đều nhiệt liệt hoan nghênh đạo luật chí tình chí lý ấy.

Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua đã xác nhận những thành tích rực rỡ về kinh tế, vǎn hoá và xã hội mà nhân dân ta đã thu được; đồng thời chỉ rõ con đường vẻ vang mà chúng ta đang tiến lên để giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Để hoan nghênh Hiến pháp một cách xứng đáng và thiết thực thì nhân dân ta phải thi hành Hiến pháp một cách nghiêm chỉnh.

Muốn thi hành Hiến pháp nghiêm chỉnh thì trước mắt chúng ta phải làm tốt mấy công việc sau đây:

Ra sức chống hạn. Thi đua đẩy mạnh sản xuất Đông – Xuân. Quyết tâm làm vụ chiêm nǎm nay tốt hơn hẳn các vụ chiêm trước.

Thi đua đẩy mạnh và làm tốt phong trào hợp tác và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục “Tết trồng cây” cho tốt, trồng cây nào phải sống cây ấy, tốt tươi cây ấy.

Tổ chức đón tiếp kiều bào cho chu đáo, giúp đỡ kiều bào có công ǎn việc làm ngay sau khi về đến Tổ quốc.

– Tổ chức Tết Nguyên đán cho vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối tránh lãng phí.

Mọi người, mọi ngành thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước nǎm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn nǎm sau.

Riêng các đại biểu Hội đồng nhân dân và các cán bộ thì phải phổ biến Hiến pháp một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân và gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ.

Tôi xin báo một tin mừng cho đồng bào biết trước rằng: Vì cơ quan trung ương và nhiều xí nghiệp lớn tập trung ở Hà Nội cho nên theo Hiến pháp mới thì Thủ đô ta sẽ được bầu cử độ 25 đại biểu vào Quốc hội, nghĩa là nhiều gấp 5 lần số đại biểu hiện nay. Đó là một vinh dự to lớn, đồng thời là một trách nhiệm nặng nề. Nó đòi hỏi nhân dân Thủ đô phải cử những đại biểu thật gương mẫu. Đồng bào Thủ đô phải thật gương mẫu trong mọi công tác. Thủ đô phải là thành phố gương mẫu cho cả nước.

Cuối cùng, chúng ta nên nhớ rằng: Trong sáu tháng đầu nǎm nay, nhân dân ta sẽ bầu cử Quốc hội mới. Đồng bào Thủ đô cần phải chuẩn bị tốt cuộc bầu cử đó.

Nǎm nay, tình hình quốc tế thuận lợi cho ta. Lực lượng hoà bình càng rộng rãi. Phong trào giải phóng dân tộc càng sôi nổi ở châu Á, châu Phi và ở Nam Mỹ.

Các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa – đứng đầu là Liên Xô vĩ đại – đều tiến những bước khổng lồ. Chúng ta phải ra sức học tập các nước anh em, phải thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải quyết tâm làm cho nǎm 1960 thành một nǎm đại thắng lợi, đại thành công.

————————–

Nói tối 13-1-1960.
Báo Nhân dân, số 2128, ngày 14-1-1960
cpv.org.vn

Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ Kiến An (18-1-1960)

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chúc nǎm mới đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh nhà.

Nhân dịp này, Bác nói chuyện về mấy vấn đề sau đây: Hiện nay, toàn Đảng và toàn dân ta có 2 nhiệm vụ là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi thì đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thắng lợi.

Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng ấm no.

Muốn đạt mục đích đó, thì trước hết phải tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Nước ta là một nước nông nghiệp, muốn tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải tổ chức tốt các tổ đổi công và hợp tác xã.

Xây dựng tổ đổi công có bình công chấm điểm cho tốt thì khi tiến lên hợp tác xã sẽ tốt. Hiện nay, tỉnh Kiến An có 37% nông hộ vào tổ đổi công, nhưng chỉ 8% có bình công chấm điểm, như thế là ít quá. Hiện nay, Kiến An đã có gần 680 hợp tác xã gồm 41% tổng số nông hộ. Về số lượng như thế là khá. Nhưng về chất lượng thì cần phải ra sức củng cố cho thật tốt, cái nào vững chắc cái ấy. Hợp tác xã phải nhằm mục đích làm cho thu nhập của xã viên tǎng thêm. Muốn như vậy, thì phải làm đúng 3 việc:

– Cán bộ phải dân chủ, phải khéo quản lý (quản lý lao động, quản lý tài vụ, quản lý kỹ thuật), phải khéo giáo dục xã viên làm cho xã viên vui vẻ và phấn khởi sản xuất. Cán bộ phải thật sòng phẳng, phải chí công vô tư. Hiện nay ở một vài nơi có hiện tượng cán bộ tham ô lãng phí. Điều đó phải được chấm dứt ngay.

– Xã viên thì phải đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, phải chǎm lo công việc hợp tác xã như công việc của nhà mình, phải giữ vững kỷ luật lao động và hǎng hái sản xuất.

– Công việc hợp tác xã có mấy điểm:

+ Phải làm thuỷ nông cho tốt để chống hạn, chống úng, chống mặn. Thuỷ nông tỉnh nhà còn kém lắm. Kế hoạch định 15 thước khối mà bình quân mới làm được l0 thước. Thậm chí có nơi như huyện An Lão, chỉ làm được 6 thước. Cán bộ và đồng bào phải cố gắng thêm.

+ Phân phải cho nhiều. “Thêm gánh phân thì thêm cân thóc”.

Tỉnh nhà mỗi mẫu tây chỉ bón 13 tấn phân, như thế là quá ít.

+ Phải cày sâu, bừa kỹ.

+ Giống phải chọn giống tốt.

+ Phải cấy dày vừa mức. Nói “cấy thưa thừa thóc, cấy dày cóc ǎn” là không đúng. Kinh nghiệm của Trung Quốc và kinh nghiệm các tỉnh ta đã chứng tỏ rằng: làm đúng 4 điều trên (nước, phân, cần, giống) thì cấy dày nhất định thu hoạch tǎng.

+ Phải trừ sâu, diệt chuột.

+ Phải cải tiến kỹ thuật. Điểm này cực kỳ quan trọng. Nông cụ của ta quá cũ kỹ, vì vậy mà làm lụng rất khó nhọc, nhưng kết quả thì kém cỏi. Cán bộ và đồng bào phải gây một phong trào cải tiến nông cụ, thì sức lao động sẽ gấp đôi gấp ba.

Khẩu hiệu chung của toàn dân ta là: Cần kiệm xây dựng nước nhà. Các hợp tác xã cần nắm vững và làm đúng khẩu hiệu: “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã”.

Nông dân lao động là người trong một nhà, cho nên các hợp tác xã phải giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ các tổ đổi công.

Các hợp tác xã và tổ đổi công phải giúp đỡ những nông dân còn làm ǎn riêng lẻ, đó là một cách tuyên truyền giáo dục tốt nhất. Các xã và các huyện phải giúp đỡ lẫn nhau và thi đua với nhau.

Làm đúng những điều đó, thì nông nghiệp tỉnh nhà nhất định phát triển nhanh chóng, đời sống của nhân dân nhất định sẽ được cải thiện không ngừng.

*

*     *

Bây giờ nói về vấn đề Đảng.

Đảng ta là đảng cách mạng, là đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác.

Trong thời kỳ kháng chiến, đảng viên nào và chi bộ nào đánh giặc giỏi, tức là tốt, đánh giặc yếu, tức là kém. Ngày nay, miền Bắc nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảng viên nào và chi bộ nào sản xuất và lãnh đạo sản xuất tốt, tức là đảng viên và chi bộ ấy tốt. Nếu sản xuất và lãnh đạo sản xuất không tốt, tức là đảng viên và chi bộ ấy kém.

Đối với đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động cũng vậy.

Vì vậy tất cả đảng viên và đoàn viên ở nông thôn nhất định phải vào hợp tác xã (hoặc tổ đổi công) và phải gương mẫu trong mọi công việc, phải làm cho hợp tác xã (hoặc tổ đổi công) của mình đoàn kết và phát triển vững chắc.

Đảng viên và cán bộ ta nói chung là trung thành, tận tụy, hǎng hái. Nhưng một số đảng viên và cán bộ còn có bệnh công thần, suy tị, ỷ lại, tiêu cực không gương mẫu, đầy rẫy chủ nghĩa cá nhân.

Từ nay về sau, tất cả các đảng viên, cán bộ và chi bộ phải thường thường ôn lại, tự liên hệ và giữ đúng những tiêu chuẩn của người đảng viên:

1. Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

2. Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa những tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng hẳn trên lập trường giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.

3. Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng, lợi ích của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.

4. Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng.

5. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

6. Luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình.

Phải giữ đúng những tiêu chuẩn đó mới xứng đáng là người đảng viên.

*

*     *

Về vấn đềphát triển Đảng.

Phải chọn lọc đảng viên mới một cách hết sức cẩn thận. Phải đoàn kết giúp đỡ các đồng chí mới để họ tiến bộ không ngừng.

Các chi bộ Kiến An vừa kết nạp thêm 475 đảng viên mới. Như thế là tương đối khá. Nhưng còn có chỗ lệch lạc: số chị em phụ nữ và số thanh niên gái và trai được kết nạp quá ít.

Đảng cần phải giúp đỡ Đoàn Thanh niên Lao động phát triển tốt, đồng thời cần phải chọn những đồng chí đoàn viên đã kinh qua thử thách và đã đủ điều kiện đưa họ vào Đảng.

Trong thời kỳ vừa qua, đối với mọi công tác kinh tế và vǎn hoá, Đoàn thanh niên đều có cố gắng và có thành tích khá. Đó là ưu điểm. Nhưng một số đoàn viên có xu hướng muốn thoát ly nông thôn, đối với tổ đổi công và hợp tác xã thì có thái độ ngập ngừng chờ đợi chưa thật tin tưởng. Đó là khuyết điểm cần được sửa chữa.

Bác mong rằng các đoàn viên sẽ ra sức phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ mãi để xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng ta.

*

*     *

Sau đây là mấy vấn đề khác Bác muốn nhắc đến:

Vấn đề trâu bò – Hiện nay, đồng bào nông dân tỉnh nhà thiếu độ 500 con trâu bò cày. Cán bộ và đồng bào phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao mà thiếu? Phải chǎng vì nǎm ngoái cả tỉnh đã ǎn thịt hơn 2.000 trâu bò?

Có khó khǎn đó là vì cán bộ thiếu trông xa thấy rộng, không biết hướng dẫn nhân dân tiết kiệm.

– Vấn đề bán thóc và trả nợ cho Chính phủ – Chính phủ cần có thóc để nuôi công nhân, bộ đội và nhân dân ở thành thị, để xây dựng nước nhà. Nhiệm vụ của đồng bào nông dân là phải góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng ấy, bằng cách bán thóc tốt và bán nhanh chóng cho Chính phủ.

Tuy có nhiều khó khǎn, Chính phủ vẫn cố gắng giúp đỡ đồng bào nông dân bằng mọi cách, hoặc cho nông dân vay tiền để sản xuất, hoặc bán chịu phân bón cho nông dân. Vậy nhiệm vụ của đồng bào nông dân là phải trả nợ cho Chính phủ một cách sòng phẳng và nhanh chóng để Chính phủ dùng làm việc khác.

Hiện nay, kế hoạch Chính phủ mua 15.000 tấn, đồng bào tỉnh nhà mới bán được 8.000 tấn; đồng bào nợ Chính phủ 3.000 tấn mới trả được 1.700 tấn.

Trong vấn đề này, đảng viên, đoàn viên và cán bộ cũng phải làm gương mẫu tốt thì đồng bào nhất định làm tốt.

– Tết trồng cây – Bộ đội, thanh niên và đồng bào đều hǎng hái tham gia. Như thế là tốt. Cán bộ cần phải có kế hoạch chu đáo, hướng dẫn chặt chẽ. Trồng cây nào chắc cây ấy. Trong 5, 7 nǎm chúng ta sẽ có một nguồn thu hoạch rất to.

Tết Nguyên đán – Chúng ta nên tổ chức Tết cho vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối tránh lãng phí.

*

*     *

Vềlãnh đạo – Từ tỉnh, huyện đến chi bộ, phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách.

Nội bộ phải thật đoàn kết. Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Khi đã quyết định rồi, thì phân phối công tác phải rạch ròi, giao cho một hoặc mấy đồng chí phụ trách làm đến nơi đến chốn.

Phải thấu suốt chính sách của Đảng và Chính phủ. Phải đi đúng đường lối quần chúng.

Phải thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân.

Phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của quần chúng.

Phải thiết thực quan tâm đến đời sống của nhân dân.

Phải cần, kiệm, liêm, chính. Phải gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ.

Phải chống quan liêu, mệnh lệnh, hình thức. Chống tham ô lãng phí.

Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ.

*

*     *

Đồng bào và cán bộ tỉnh nhà trong thời kỳ kháng chiến rất anh dũng. Ví dụ: Những cuộc phá huỷ tàu bay địch ở Cát Bi và ở Đồ Sơn, đánh thắng giặc ở đường số 5 và đường số 10, v.v.. Đó là một truyền thống oanh liệt.

Từ ngày hoà bình trở lại, đồng bào và cán bộ đã có những thành tích trong việc đắp đê chống hạn, chống mặn.

Công việc bổ túc vǎn hoá và giáo dục phổ thông đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Việc xoá nạn mù chữ cũng cǎn bản hoàn thành, nǎm nay phải cố gắng hoàn thành nốt.

Về sản xuất nông nghiệp cũng khá toàn diện, thu hoạch nǎm nào cũng có tǎng ít nhiều. Khá hơn cả là nông trường anh em miền Nam vụ mùa mỗi mẫu tây đã thu hoạch 52 tạ, huyện Kiến Thụy 33 tạ, An Lão gần 32 tạ.

Về nhiệm vụ “3 thu” đối với Nhà nước, thì huyện Kiến Thuỵ đã hoàn thành khá nhất.

Đồng bào ta phải phát huy những truyền thống vẻ vang đó, phải quyết tâm củng cố các hợp tác xã cho thật tốt và làm cho vụ Đông- Xuân này thắng lợi vững chắc, toàn diện và vượt bực hơn nữa.

Nǎm 1945, chỉ có non 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo 24 triệu đồng bào cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Nay hơn 6.000 đảng viên và hơn 10.000 đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động tỉnh nhà nhất định phải lãnh đạo 41 vạn đồng bào Kiến An hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước, để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Bác chúc các cô, các chú cố gắng và thành công.

Bác nhờ các cô, các chú chuyển lời chào thân ái của Trung ương, của Chính phủ và của Bác đến đồng bào, bộ đội và cán bộ trong cả tỉnh.

——————–

Nói ngày 18-1-1960.
Sách Huấn thị của Hồ Chủ tịch với toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Kiến An, Ban tuyên huấn tỉnh Kiến An xuất bản, 1960.
cpv.org.vn

Mừng Tết Nguyên đán thế nào? (18-1-1960)

Suốt nǎm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi.

Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân!

Nên nhớ rằng hiện nay chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy. Sau đây, xin nhắc vài việc làm ví dụ:

Việc đáng chê – Vừa rồi, vì được mùa to, 20 xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã “liên hoan” hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê! Đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè. Cũng chưa kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi? Lãng phí tiền của và công sức như vậy, là lỗi tại ai? Lỗi tại các cán bộ huyện, cán bộ xã. Lỗi tại đảng viên và chi bộ!

– Việc đáng khen – Một hợp tác xã nông nghiệp ở xã Chiến Thắng, tỉnh Hưng Yên chuẩn bị “liên hoan” được mùa dự tính mua một bò, một lợn hết độ 140 đồng. Nhưng sau khi học tập bài “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã” đǎng trong báo Nhân dân, bí thư chi bộ và ban quản trị khai hội bàn bạc. Toàn thể xã viên đều nhận rằng “liên hoan” như thế là lãng phí, là không đúng. Và bà con đã nhất trí tán thành dùng số tiền ấy thêm vào vốn để sản xuất Đông – Xuân.

– Hợp tác xã Quyết Thắng (xã Thực Luyện, tỉnh Phú Thọ) cũng chuẩn bị “liên hoan”, dự tính các khoản chi phí là 129 đồng. Và nếu “liên hoan” thì phải kéo dài vụ cấy chiêm ra ngoài Tết.

Cũng do học tập bài “Cần kiệm xây dựng hợp tác xã”, toàn thể xã viên đã tán thành không “liên hoan” cách ấy nữa. Và:

1. Ra sức thi đua cấy vụ chiêm cho xong trước ngày 20 tháng Chạp; dùng thời gian còn lại đi làm ở công trường được 320 đồng tiền công chia cho xã viên tiêu Tết.

2. Số tiền dự định để “liên hoan” thì dùng trả 500 ngày công cho xã viên làm mấy mẫu ngô, sẽ thu hoạch được 36 tạ ngô hạt.

Hai hợp tác xã ấy đã biết tiết kiệm để tǎng thu nhập cho xã viên và làm cho hợp tác xã phát triển tốt. Hơn nữa, theo lời của cán bộ hợp tác xã thì việc tiết kiệm ấy đã “giúp cho xã viên chuyển biến cả một tư tưởng sai lầm thành tư tưởng đúng đắn đối với hợp tác xã”.

Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho Tết Canh Tý thành một Tết vui vẻ và tưng bừng, đồng thời là một Tết tiết kiệm và thắng lợi.

Trǎm nǎm trong cõi người ta,
Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan.
Mừng Xuân, Xuân cả thế gian,
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân.

T.L

————————————–

Báo Nhân dân, số 2132, ngày 18-1-1960
cpv.org.vn

Bài nói tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp (22-1-1960)

Nǎm qua nói chung các mặt công tác và thǎm dò đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Công tác tổ chức và lãnh đạo, công tác xây dựng và các mặt công tác khác đều có tiến bộ, công nghiệp địa phương tuy mới là bước đầu nhưng đang có đà phát triển.

Có những tiến bộ trên đây là do sự cố gắng, quyết tâm của cán bộ và công nhân ta, do ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và tinh thần trách nhiệm làm chủ nhà máy được nâng cao qua cuộc phát động cải tiến quản lý xí nghiệp, công trường. Đồng thời, chúng ta lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em… Nhưng còn một số khuyết điểm trong việc đảm bảo an toàn lao động, lãng phí ở các xí nghiệp, công trường. Nguyên nhân đẻ ra những khuyết điểm đó là do việc quản lý còn kém và các cán bộ phụ trách chưa quan tâm đúng mức. Nǎm nay những khuyết điểm đó cần được kiên quyết khắc phục. Nơi nào có thành tích thì khen thưởng, nơi nào còn phạm những khuyết điểm trên, cần phải thi hành kỷ luật.

Nǎm nay là nǎm cuối cùng của kế hoạch 3 nǎm và là nǎm chuẩn bị cho kế hoạch 5 nǎm, một nǎm có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Phương châm công tác là “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, nhưng nhanh, mạnh, không phải là làm ẩu, mà phải vững chắc, liên tục và phải có chí khí tiến lên, phải có tinh thần phấn khởi mạnh mẽ để khắc phục khó khǎn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước.

Đối với công nghiệp địa phương còn mới, các xí nghiệp quốc doanh phải chú ý giúp đỡ làm cho công nghiệp địa phương ngày một phát triển. Nhưng các địa phương không nên ỷ lại vào Trung ương mà phải chú ý làm cho đúng phương châm: vốn, nguyên liệu, vật liệu, người của địa phương là chính; sản xuất hàng ra chủ yếu bán ở địa phương.

Trong công tác không có việc gì là không có khó khǎn, nhưng nếu cán bộ và công nhân quyết tâm thì sẽ khắc phục được. Cần phải tránh hiện tượng đầu nǎm thảnh thơi, cuối nǎm chạy đua dốc sức.

Muốn làm được tốt những việc đó, cán bộ phải thấm nhuần khẩu hiệu: “Cần kiệm xây dựng nước nhà”, biến khẩu hiệu đó thành quyết tâm của quần chúng. Phải chú trọng chống lãng phí, tham ô.

Trong nǎm qua, cán bộ chưa quan tâm đầy đủ cải thiện đời sống công nhân; việc tự cải thiện đời sống còn kém; nǎm nay cần chǎm lo hơn nữa. Khi làm nhà ở, nhà giữ trẻ, câu lạc bộ và các công tác vệ sinh, phòng bệnh, phải hết sức chú trọng đảm bảo an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, v.v..

Cán bộ và công nhân ta cần phải tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia. Phải chǎm lo học tập vǎn hoá, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo. Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị cần được đúc kết và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng cao nǎng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản.

Về công tác phát triển Đảng, riêng trong lớp “6-1” mừng Đảng ta 30 tuổi, ở các xí nghiệp, công trường và đoàn thǎm dò, chỉ mới tính trong 20 xí nghiệp đã có gần 4.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên mới. Như thế là tốt, nhưng việc phát triển Đảng phải hết sức thận trọng và cần làm theo đúng chỉ thị của Trung ương.

Chúc toàn thể cán bộ, công nhân ở các xí nghiệp, công trường, đoàn thǎm dò thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề của Đảng và Chính phủ giao cho, quyết làm cho nǎm 1960 là nǎm đại thắng lợi.

—————————-

Nói tối 22-1-1960.
Báo Nhân dân, số 2138, ngày 24-1-1960.
cpv.org.vn

Mừng Xuân vĩ đại (27-1-1960)

Xưa kia người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình với những câu chúc tụng như: “Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái”.

Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới. Xuân này là một xuân cực kỳ tươi đẹp, nó tổng kết thắng lợi to lớn của loài người mấy nǎm trước và mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa những nǎm sau.

Chủ nghĩa đế quốc thực dân là tượng trưng cho mùa đông lạnh lùng u ám đã bị đẩy lùi đến bước cuối cùng.

Mùa xuân của lực lượng hoà bình thế giới ngày càng lan rộng, của phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lên cao, của chủ nghĩa xã hội ngày càng tươi đẹp.

Mười nǎm trước đây, hung thần đế quốc hoành hành khắp nǎm châu. Ví dụ: đế quốc Anh đã thống trị những thuộc địa mà số người nhiều gấp 8 lần rưỡi số người Anh, mà đất đai rộng gấp 232 lần đất đai nước Anh. Số người các thuộc địa bị đế quốc Pháp áp bức thì nhiều hơn số người Pháp gần 20 triệu và đất đai các thuộc địa rộng gấp 19 lần đất đai nước Pháp. Nhân dân các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ đều bị tư bản độc quyền Hoa Kỳ bóc lột tận xương, tận tuỷ. Toàn châu Phi đều bị xiềng xích dưới chế độ nô lệ của bọn thực dân.

Xuân này, Anh và Pháp đã mất gần hết thuộc địa của chúng. Nhân dân Trung Mỹ và Nam Mỹ đang sôi nổi chống đế quốc Hoa Kỳ; tiêu biểu nhất là nhân dân Cuba oanh liệt. Mười ba nước châu

Phi đã độc lập, các dân tộc khác như Kênia, Cônggô, v.v., thì đang sôi nổi đấu tranh chống thực dân; tiêu biểu nhất là nhân dân Angiêri anh hùng. Trong lúc nhân dân Việt Nam ta đang sắm sửa mừng Xuân, thì các dân tộc châu Phi đang họp đại hội ở Tuni với khẩu hiệu:

“Châu Phi là của người Phi
Bè lũ đế quốc cút đi cho rồi!”.

Phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại ngày càng hùng mạnh. Chỉ so sánh nǎm ngoái với nǎm trước cũng đủ thấy phe ta tiến bộ vùn vụt về mọi mặt và có thể chắc chắn rằng từ Xuân này sẽ tiến bộ hơn nhiều.

Liên Xô – Nǎm đầu của kế hoạch 7 nǎm đã hoàn thành vượt mức. Công nghiệp đã tǎng gần 12% (12% đó gần bằng 30 cái tổng ngân sách nǎm nay của ta). Số trường học tǎng 24%; đã đào tạo thêm 86 vạn chuyên gia thanh niên, hơn 13 triệu công nhân đã chuyển sang chế độ ngày làm 7 giờ, hoặc 6 giờ, v.v.. Khoa học và kỹ thuật của Liên Xô đã chiếm địa vị nhất thế giới. Từ Xuân này, Liên Xô sẽ giúp thêm các nước anh em xây dựng 288 xí nghiệp lớn và giúp các nước bạn như ấn Độ, Inđônêxia, v.v., xây dựng 95 xí nghiệp to.

Lời kêu gọi của người sứ giả hoà bình và cộng sản đã vang dội từ phủ Tổng thống Mỹ đến khắp nước Mỹ và thế giới. Bắt đầu từ Xuân này, Liên Xô sẽ giảm 1 triệu 20 vạn binh sĩ. Chính sách hoà bình đó đã được nhân dân cả thế giới nhiệt liệt hoan nghênh.

Trung Quốc – Cuối nǎm ngoái đã hoàn thành kế hoạch 5 nǎm thứ hai trước thời hạn ba nǎm về những chỉ tiêu chính. Sản lượng công nghiệp đã tǎng hơn 39%. Sản lượng nông nghiệp tǎng gần 17% (ngũ cốc tǎng 8%) mặc dù nǎm ngoái nhiều tỉnh đã bị lụt to hoặc hạn nặng. Thu nhập của nhân dân tǎng hơn 22%.

Bungari – Công nghiệp tǎng 25%. Nông nghiệp tǎng 26%.

Triều Tiên – Đã hoàn thành kế hoạch 5 nǎm trước thời hạn hai nǎm rưỡi.

Nói tóm lại: các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đều tiến bộ rực rỡ như hoa nở mùa Xuân.

Phe đế quốc, nhất là tên trùm đế quốc Mỹ thì chẳng Xuân chút nào.

Hôm mồng 7-1-1960, Tổng thống Mỹ đã phải nhận rằng: Nước Mỹ có nạn lạm phát bạc giấy, giá hàng hoá ngày càng lên cao, Chính phủ mắc nợ đến 290 tỷ đôla. Và Ngài Tổng thống cũng phải nhận rằng: “Thế giới cộng sản là một xí nghiệp khổng lồ, 15 nǎm qua người cộng sản đã thu được hàng loạt thành tích về vật chất…”.

Nhiều ông nghị trong Quốc hội Mỹ đã than phiền: “Ngày nay Mỹ không còn là nước lớn số 1 về quân sự nữa. Ngân sách Mỹ chi tiêu quá ít ỏi cho giáo dục, y tế và việc nghiên cứu khoa học… Uy tín của Mỹ ở châu Phi và ở Trung Đông, Cận Đông đang suy sụp”.

Các trùm kinh tế Mỹ thì phàn nàn: ” Trong bốn nǎm trước sản lượng gang thép không tǎng hơn nǎm 1955. Nǎm nay tiền đầu tư kém thua nǎm 1957 và công nghiệp luyện kim may lắm cũng chỉ tiêu thụ được 60% nguyên liệu. Nǎm nào cũng có độ bốn triệu công nhân thất nghiệp hoàn toàn…”.

Các nhà khoa học Mỹ thì uất ức: “Hiện nay cả thế giới đều hướng về Liên Xô chứ không hướng về Mỹ nữa; vì Liên Xô đã dẫn đầu về khoa học kỹ thuật. Mỹ đã thất bại 18 lần phóng tên lửa và 6 lần phóng vệ tinh. Tên lửa Atlát Mỹ chỉ bay xa 8.000 cây số, sức đẩy chỉ 163.000 kilô mà bắn sai đích 3.200 thước tây. Tên lửa của Liên Xô vừa rồi đã bay 13.000 cây số, sức đẩy là 453.000 kilô mà bắn chỉ xa đích non 2.000 thước, v.v..

Thế là chính những người đầu sỏ Mỹ đã phải nhận Mỹ suy sụp về mọi mặt.

Việt Nam ta – Dưới chế độ đen tối của Mỹ – Diệm, tình hình miền Nam tiêu điều như thế nào, bà con ta đã rõ. ở đây tôi chỉ nhắc lại một con số do báo chí Sài Gòn nêu ra: “Sài Gòn có l.219.000 người, trong đó 810.000 người không có lương cố định”, nghĩa là thường xuyên không có công ǎn việc làm, phải sống vất vơ vất vưởng.

Chính sách khủng bố cực kỳ dã man của Mỹ – Diệm không ngǎn cản được cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng của đồng bào miền Nam. Đồng bào miền Nam tin tưởng chắc chắn rằng “Bĩ cực thì thái lai”, mùa Xuân thống nhất và tự do nhất định sẽ đến.

Nhân dân miền Bắc ta rất tự hào là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa và mỗi xuân về với chúng ta là một thắng lợi vẻ vang. Mấy con số tóm tắt sau đây chứng tỏ điều đó:

1958 1959 1960
Xí nghiệp 92 117 137
Sản lượng thóc 4.577.000 tấn 5.200.000 tấn 5.500.000 tấn
Số học trò (cộng cả đại học, trung học, tiểu học) 2.093.500 người 3.018.800 người 3.918.000 người.

Đặc biệt nǎm nay chúng ta mừng Xuân với nhiều thắng lợi vẻ vang. Mừng Đảng ta 30 tuổi. Mừng nước nhà 15 xuân. Mừng Hiến pháp mới và sẽ mừng Quốc hội mới. Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này.

TRẦN LỰC

—————————–

Báo Nhân dân, số 2141, ngày 27-1-1960.
cpv.org.vn

Bài nói tại hội nghị công an toàn quốclần thứ (14 1-1960)

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thǎm Hội nghị.

So với nǎm trước thì nǎm ngoái nhân dân ta tiến bộ nhiều về mọi mặt. Công an ta cũng có nhiều cố gắng và nhiều tiến bộ hơn. Về công tác nắm tình hình và chống gián điệp, về tổ chức và tư tưởng đều có thành tích.

Cán bộ và chiến sĩ công an đều phải ra sức phát triển những ưu điểm đó và sửa chữa những nhược điểm sau đây:

– Nhận thức về tình hình chưa thật sâu sắc: về đường lối đánh địch chưa thật rõ ràng, nắm âm mưu địch chưa thật vững chắc; bộ máy tổ chức từ trên đến dưới chưa thật luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, v.v..

Nǎm 1960 là một nǎm rất quan trọng – Nó kết thúc kế hoạch 3 nǎm và chuẩn bị cho kế hoạch 5 nǎm. Nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Đảng và Chính phủ rất nặng nề. Do đó, nhiệm vụ của ngành công an cũng nặng nề. Công an ta phải:

– Tǎng cường cuộc đấu tranh chống phản cách mạng dưới mọi hình thức.

– Giữ gìn thật tốt trật tự, an ninh.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, cán bộ và chiến sĩ cần phải:

– Luôn luôn nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

– Đoàn kết chặt chẽ nội bộ, đoàn kết chặt chẽ giữa công an

nhân dân vũ trang, đoàn kết chặt chẽ giữa công an và nhân dân, và dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân.

– Phát huy dân chủ nội bộ; kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững mạnh của nền chuyên chính vô sản.

Các đại biểu ở đây đều là những cán bộ phụ trách. Chẳng những các chú phải thấu suốt chính sách của Đảng và đi đường lối quần chúng, mà các chú còn phải làm cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ công an đều thấu suốt chính sách của Đảng và đều đi đường lối quần chúng. Làm được như vậy là công an góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Nhân dịp này, chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh Liên Xô quyết định giảm bớt 1 triệu 20 vạn binh sĩ. Việc đó lại chứng tỏ rằng Liên Xô đã mạnh nhất thế giới, tức là phe xã hội chủ nghĩa mạnh hơn phe đế quốc chủ nghĩa. Nhưng miền Bắc Việt Nam ta là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, kẻ địch ở bên cạnh ta, cho nên chúng ta lại càng phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, khinh địch.

Để khuyến khích phong trào thi đua, Bác sẽ tặng công an một giải thưởng luân lưu. Bộ Công an phải tổ chức, theo dõi và tổng kết thi đua cho tốt.

Chúc các chú cố gắng và tiến bộ nhiều.

Nhờ các chú chuyển lời chào thân ái của Trung ương Đảng và của Bác cho tất cả cán bộ, chiến sĩ công an và đồng bào những nơi các chú phụ trách.

————————-

Nói tháng 1-1960.
Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành công an nhân dân Việt Nam, Viện nghiên cứu khoa học công an, 1980, tr.35-37.
cpv.org.vn

Bài nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội (2-2-1960)

Lần trước Bác đến đây, các cô các chú chưa tiến bộ. Qua nǎm 1959, cán bộ và công nhân đã tiến bộ khá, hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhà nước, đã biết sắp xếp công việc, nên đã tiết kiệm được hơn 31 vạn giờ, nhặt sắt thép vụn đúc được hơn 200 tấn máy móc. Như vậy là tốt, cần cố gắng nhiều hơn nữa. Quỹ phúc lợi đã dùng bảo hiểm lao động được gần 20 vạn đồng; nếu biết tiết kiệm và tǎng nǎng suất nhiều hơn nữa thì số tiền đó sẽ tǎng nhiều hơn nữa.

Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ vǎn hoá và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập vǎn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết. Nǎm qua nhà máy đã có 90% cán bộ và công nhân học vǎn hoá. Đó là một bước tiến khá. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải vận động sao cho tất cả mọi người đều đi học. Ví dụ: Nhà máy sản xuất xe hơi ở Liên Xô có một phân xưởng làm píttông rất lớn mà chỉ do 10 công nhân phụ trách, vì máy móc hoàn toàn tự động cả. Gần đây, Liên Xô lại phóng một tên lửa vượt xa 12.500 cây số, rơi sát chỗ đã định, bay nhanh một giờ trên 26.000 cây số. Cần phải có trình độ vǎn hoá và kỹ thuật cao mới làm được các việc như vậy. Muốn điều khiển và sản xuất được các máy móc hiện đại, cán bộ và công nhân ta cần phải ra sức học tập vǎn hoá và kỹ thuật. Trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả.

Trong nǎm qua, nhà máy còn có một số khuyết điểm về các mặt như sử dụng vật liệu, dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, thường vượt quá mức đã định, một số bộ phận máy móc làm ra chất lượng còn kém, chưa đúng quy cách; tỉ lệ người gián tiếp sản xuất còn quá cao. Như vậy là còn lãng phí rất nhiều. Nguyên nhân là do quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế còn yếu, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ của công còn kém.

Kế hoạch nǎm 1960 rất quan trọng, vì nó là nǎm kết thúc kế hoạch 3 nǎm và chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề ấy, cán bộ và công nhân phải ra sức sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm đã đạt được. Mặt khác phải thực hiện hạch toán kinh tế cho tốt: phải bảo đảm các bộ phận sản xuất cân đối, tiến hành ǎn khớp nhịp nhàng. Các cô, các chú đã phát huy nhiều sáng kiến và đề nghị nhiều ý kiến tiết kiệm vật liệu, thì giờ, nhưng chưa áp dụng hết. Bộ phận theo dõi sáng kiến phải đúc kết sáng kiến đã đạt được để phổ biến rộng rãi và áp dụng ý kiến của công nhân đề nghị.

Công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được. Muốn làm tốt các việc này phải thực hiện dân chủ. Cán bộ phải dựa vào quần chúng để giải quyết khó khǎn, 10 người làm không được thì 100 người góp 100 ý kiến lại nhất định sẽ làm được.

Muốn làm tốt những việc trên, cán bộ và công nhân phải thật thà tự phê bình và phê bình, giúp đỡ lẫn nhau, vì khuyết điểm của một người không phải của riêng một người đó, mà có ảnh hưởng đến toàn nhà máy. Phải nâng cao kỷ luật lao động, kỷ luật sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, chống lãng phí, cố gắng học tập vǎn hoá, học tập kỹ thuật.

Đặc biệt là phải chú trọng học tập kinh nghiệm và tác phong công tác tốt của các đồng chí chuyên gia bạn.

Đảng viên và đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công tác, trong học tập và chấp hành kỷ luật lao động. Đảng viên, đoàn viên phải giúp đỡ người ngoài Đảng, ngoài Đoàn cùng tiến bộ.

Bác chúc các cô, các chú mạnh khoẻ, vui vẻ, tiến bộ và làm theo đúng lời hứa là: thực hiện vượt mức kế hoạch nǎm 1960 cả về số lượng, chất lượng và tiết kiệm để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

————————-

Nói ngày 2-2-1960.
Báo Nhân dân, số 2148, ngày 4-2-1960.
cpv.org.vn