Tag Archive | Hiến pháp
Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam
Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”
Thượng Tướng, Viện Sĩ, TS KHQS Nguyễn Huy Hiệu Nguyên Ủy Viên BCH TW Đảng, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng
Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý cao nhất của một nhà nước. Khác với các nước tư bản chủ nghĩa, Hiến pháp của nước ta thể hiện được mối quan hệ giữa ba đại diện là nhân dân, Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước pháp quyền.
Với mưu đồ xuyên tạc Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một số phần tử phản động lập luận rằng, Hiến pháp các năm 1946 và 1959 không có điều nào quy định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng “vẫn lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân đế quốc xâm lược và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thì cũng không nhất thiết phải xác nhận lại vai trò lãnh đạo của Đảng như trong Hiến pháp hiện tại”(!). Lập luận này là lập lờ, thiếu toàn diện, không có quan điểm lịch sử cụ thể. Sở dĩ Hiến pháp năm 1946 không có quy định vai trò lãnh đạo của Đảng, vì trước đó ngày 11/11/1945, thời điểm lịch sử do tình thế đặc biệt của cách mạng, Đảng ta đã ra tuyên bố tự giải tán, nhưng sự thật là rút vào hoạt động bí mật, giữ vững vai trò lãnh đạo.
Trên cơ sở Điều 4 Hiến pháp năm 1992, Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”; “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị – xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. Bởi vậy, Điều 4 Hiến pháp năm 1980 xác định “Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”, thì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Tiếp tục tinh thần đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn quy định thêm về việc tuân thủ, thi hành Hiến pháp và pháp luật đối với mọi đảng viên.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức và kiểm tra; mà phần cốt yếu là thông qua đội ngũ tiền phong của mình là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và năng lực. Vì vậy, Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” nhằm bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, đồng thời là giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống, ngăn ngừa mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta. Mặt khác, việc xác định trách nhiệm của các đảng viên trong việc tự giác, gương mẫu thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật cũng không ngoài mục đích làm cho “đội ngũ tiên phong của Đảng” phải thường xuyên nêu cao ý thức, thái độ, trách nhiệm cả về tư tưởng, hành động trong cuộc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, làm gương cho nhân dân noi theo.
Muốn hiểu được bản chất của một đảng cầm quyền, phải nhận thức rõ mục đích hoạt động của đảng đó mang lại lợi ích cho ai. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Vì vậy, Điều 4 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Để sửa chữa những khuyết điểm của mình, nhiều lần Đảng đã tiến hành tự chỉnh đốn, mà gần đây nhất là đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đối với nhân dân Việt Nam, nói đến Đảng là nói đến tình cảm thiêng liêng, là thể hiện niềm tin và tình yêu son sắt của nhân dân dành cho Đảng. Có một sự thật mà hầu như mọi người Việt Nam ai cũng biết đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Như vậy, khác với những quan điểm tư sản, sự khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính là thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sự thể hiện ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và cả dân tộc, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thành quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính là thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam
N.H.H.
Nguồn: cand.com.vn
Vkyno (st)
Giữ nguyên tên nước như Hiến pháp hiện hành là hoàn toàn phù hợp
Lực lượng CAND góp ý vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”:
Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác quản lý hành chính Nhà nước và tránh lãng phí lớn do phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên hệ thống tiền tệ, các văn bản, giấy tờ hành chính…
Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong toàn lực lượng Công an nhân dân về việc góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay Bộ Công an đã bổ sung thêm những đóng góp tâm huyết vào Dự thảo để khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua sẽ thực sự phù hợp với tình hình xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Vi Dân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết:
Quá trình tập hợp các ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng Công an và các nhà khoa học trong lực lượng Công an vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Bộ Công an cho thấy, tất cả các ý kiến đóng góp đều thể hiện quan điểm, giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 1 của dự thảo.
Tên nước là thiêng liêng, liên quan đến chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, định hướng cách mạng, phương hướng phát triển của đất nước, dân tộc, liên quan đến bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, tư tưởng, tâm lý của nhân dân và sự nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế… Vừa qua, có một số ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước trong thời điểm hiện nay là không phù hợp, bởi lẽ:
Thứ nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi đã được Quốc hội khóa VI quyết định vào ngày 2/7/1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và tên nước được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên nước đã gắn với giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi khẳng định rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng đến là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa phù hợp với các giai đoạn của cách mạng trước năm 1975 ở nước ta, đó là thời kỳ đất nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa vận động trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm, làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó và được tiếp tục phát triển theo logic bởi thể chế mới là chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phù hợp với nền chính trị hiện tại và mục tiêu định hướng phát triển của đất nước ta trong thời gian tới. Sự kiên trì con đường phát triển chủ nghĩa xã hội là quan điểm trước sau như một của Bác Hồ và Đảng ta. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, Đảng đã xác định con đường của cả tiến trình đổi mới là kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một quá trình lịch sử đến nay gần 40 năm, đổi mới gần 30 năm, phản ánh rất rõ mục tiêu, lý tưởng của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ con đường và sự nghiệp của chúng ta là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó cũng khẳng định chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó cũng khẳng định chúng ta đang trong quá trình vận động cách mạng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.
Thứ ba, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và bảo đảm ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, giữ gìn niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước, tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về chính trị, an ninh, trật tự.
Thứ tư, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác quản lý hành chính Nhà nước và tránh lãng phí lớn do phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên hệ thống tiền tệ, các văn bản, giấy tờ hành chính…
Từ những căn cứ và phân tích trên, quan điểm của Bộ Công an là giữ nguyên tên gọi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Nguyễn Hưng (ghi)
Theo cand.com.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.