Tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh về một bản Hiến pháp dân chủ

Long live Uncle Ho

Trong kho tàng lý luận đồ sộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới, thì tư tưởng lập hiến của Người là một bộ phận đặc biệt quan trọng. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Quốc khánh nước ta và trong điều kiện khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 theo Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng thì việc nghiên cứu tư tưởng lập hiến của Người là rất cần thiết.

Tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh trước hết là: Nước phải độc lập, quốc gia phải có chủ quyền là điều kiện tiên quyết để có Hiến pháp. Và Hiến pháp ra đời là để tuyên bố về mặt pháp lý một nhà nước độc lập, có chủ quyền, là phương tiện để bảo vệ độc  lập và chủ quyền của đất nước. Trong những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc nhận thức một cách sâu sắc nỗi nhục của cảnh mất nước và giá trị cao quý của một nhà nước độc lập và có chủ quyền. Vì thế, khẩu hiệu lập hiến của Người trước khi có nhà nước kiểu mới sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là khẩu hiệu lập hiến mang tính chất đấu tranh. Trong bản yêu sách gửi cho Hội Vạn quốc ký tên cùng với Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Người đề nghị: “Nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi  sắp đặt một nền Hiến pháp”… (1).

Khi nước đã được độc lập, dân có chủ quyền, thể hiện nhất quán tư tưởng lập hiến của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải bầu ngay Quốc hội càng sớm càng tốt mặc dù lúc đó thù trong giặc ngoài, chính quyền non trẻ ngàn cân treo sợi tóc. Thực hiện quyết tâm đó, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc ta (ngày 6-1-1946) đã bầu ra Quốc hội Khóa I. Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của một nước độc lập, có chủ quyền.

Hiến pháp năm 1946 đã mở ra một trang sử mới của dân tộc ta với một hệ thống chính quyền thống nhất, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị  pháp lý không ai có thể phủ nhận được”(2). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và Hiến pháp của Nhà nước có mối quan hệ không thể tách rời. Nước không được độc lập, quốc gia chưa có chủ quyền thì chưa có điều kiện để xây dựng và ban hành Hiến pháp. Ngược lại, Hiến pháp ra đời là để tuyên bố về mặt pháp lý với nhân dân trong nước và thế giới một nhà nước độc lập có chủ quyền và là phương tiện để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia.

Tư tưởng lập hiến thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hiến pháp phải là một “Hiến pháp dân chủ”, được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm của Người. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây vào đầu năm 1919 do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo gồm tám điểm, trong đó điểm thứ hai Người đòi phải: “Cải cách nền pháp lý ở Ðông Dương bằng cách cho người dân bản xứ cũng được quyền hưởng  những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu”(3). Và trong một yêu sách khác gửi cho Hội Vạn quốc ngày 30-8-1926, Người đề nghị: “Nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi: sắp đặt một nền Hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội, theo như những lý tưởng dân quyền”(4).

Những yêu sách nói trên vừa thể hiện tư tưởng về một bản Hiến pháp mà nội dung của nó là: “Sắp đặt một nền Hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội theo như những lý tưởng dân quyền” (lý tưởng người dân làm chủ) và là phương tiện “đảm bảo về mặt pháp lý” để nhân dân được hưởng quyền như người châu Âu. Nhất quán với những tư tưởng đó, một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, nhiệm vụ thứ ba là: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”(5).

“Hiến pháp dân chủ” trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đòi hỏi dân chủ phải là điều kiện để cho sự ra đời của một bản Hiến pháp. Các yếu tố độc lập, có chủ quyền nói ở phần trên là các điều kiện cần nhưng chưa đủ để có một “Hiến pháp dân chủ”. Ðiều kiện đủ để có một “hiến pháp dân chủ” đó chính là một chế độ dân chủ. Vì thế, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vua Bảo Ðại thoái vị… dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”’(6). Nhờ chế độ dân chủ cộng hòa mà có điều kiện cho sự ra đời của một bản “Hiến pháp dân chủ”.

Hiến pháp dân chủ ra đời từ nhận thức sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc về thân phận của người dân sống trong nhà nước quân chủ chuyên chế và trong nhà nước thực dân xâm lược. Ở đó, không có Hiến pháp nên không có Hiến định về quyền con người, quyền công dân, không có các định chế về Hiến pháp, về tổ chức quyền lực nhà nước để ràng buộc và đề cao trách nhiệm của nhà nước trong mối quan hệ với việc thực thi quyền con người, quyền công dân. Ðồng thời, xuất phát từ đạo lý được thừa nhận chung, như một giá trị tiến bộ của nhân loại là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập – nền móng của Hiến pháp năm 1946 đã rút ra kết luận khoa học rằng: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(7). Như vậy, quyền con người theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là quyền của cá nhân con người như trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ mà còn là quyền độc lập, quyền tự quyết của một dân tộc.

Tư tưởng về một “Hiến pháp dân chủ” được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 1946. Nét nổi bật nhất  xuyên suốt nội dung của 7 chương 70 điều của Hiến pháp năm 1946 là tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân với một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Như vậy, Hiến pháp và dân chủ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai yếu tố không tách rời nhau. “Hiến pháp dân chủ” phải là một bản Hiến pháp có nội dung và cách thức ban hành dân chủ. Ðồng thời là phương tiện để cho nhân dân được hưởng quyền tự do dân chủ. Ngược lại, dân chủ là điều kiện cần và đủ cho một bản “Hiến pháp dân chủ” ra đời, tồn tại và phát huy giá trị.

“Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” bằng sức mạnh “thần linh pháp quyền” của Hiến pháp cũng là một tư tưởng lập hiến quan trọng của Hồ Chí Minh. Sức mạnh “thần linh pháp quyền” của Hiến pháp không phải chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban khởi thảo Hiến pháp năm 1946 mới ra đời. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây vào đầu năm 1919 và sau này diễn ca với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca bằng lời thơ dễ hiểu, dễ phổ biến, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(8). Ðây chính là sức mạnh của Hiến pháp – sức mạnh của tính pháp quyền. Sức mạnh đó trước hết là sức mạnh của tổ chức quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp và tuân thủ Hiến pháp. Bởi theo quan niệm của Người: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(9). Vì thế, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước cũng tức là chủ thể tối cao của quyền lập hiến. Thông qua quyền này, nhân dân giao quyền, nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho các cơ quan nhà nước. Bằng phương thức đó mà tổ chức quyền lực nhà nước mang sức mạnh của nhân dân; làm cho quyền lực nhà nước được hình thành một cách chính thức, cầm quyền một cách chính đáng và buộc quyền lực nhà nước phải tuân theo Hiến pháp trong tổ chức và hoạt động của mình. Chính vì thế, với tư cách là Trưởng ban khởi thảo Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”(10) bằng quy định thành nguyên tắc và nội dung cơ bản của Hiến pháp, như lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định./.

GS.TS Trần Ngọc Đường (Viện Nghiên cứu lập pháp), nguồn: Báo Nhân dân

—————————————————————-

1) Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, trang 8.
2) Hồ Chí Minh tuyển tập T.4, trang 356.
3) Hồ Chí Minh toàn tập, T.1, H.1995, trang 435,436.
4) Hồ Chí Minh pháp lý phục vụ cách mạng, NXB Sự thật, H.1975, trang 278.
5) Hồ Chí Minh tuyển tập, T.4, trang 8.
6) Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, NXB Chính trị Quốc gia, H.1995, trang 3.
7) Hồ Chí Minh toàn tập T.4, NXB Chính trị Quốc gia H.1995, trang 1.
8) Hồ Chí Minh toàn tập, T.1, trang 438.
9) Ðiều 1 Hiến pháp năm 1946.
10) Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946.

Theo: Viện Khoa học Pháp lý
Vkyno (st)

Advertisement