BÁO CÁO GỬI BAN PHƯƠNG ĐÔNG
Số 1. Tin tức đấu tranh ở Trung Kỳ
Ngày 11-12-1930, ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Nam Đàn, hơn 10.000 nông dân, nam nữ và trẻ em đã tổ chức những cuộc biểu tình kỷ niệm Quảng Châu bạo động: họ kéo cờ đỏ đi biểu tình và rải truyền đơn.
Ngày 12-12-1930, lính Tây đến làng Đạo Ngạn bắt nhân dân; không bắt được ai, chúng bèn hãm hiếp một chị phụ nữ. Chị em các vùng lân cận và nông dân kéo đến cứu chị. Bọn lính dùng súng bắn chết hai người đàn ông. Ngày hôm sau, một đoàn 400 nông dân kéo cờ đỏ đi đầu đã đi đưa đám hai người hy sinh.
Số 2. ở Nhà máy xi măng Hải Phòng
30 công nhân bị đuổi. 400 người khác cũng bị doạ thải hồi. Các báo đưa tin 3.000 công nhân Nhà máy xi măng đã bãi công và đấu tranh:
a) Đòi cho những anh em bị đuổi được trở lại làm việc;
b) Phản đối bớt lương;
c) Phản đối việc đóng cửa nhà máy, họ đòi trả 3 tháng lương.
Số 3. Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương gửi các Xứ uỷ
1. Đảng nhấn mạnh đến việc củng cố các Xứ uỷ, Tỉnh uỷ và các Uỷ ban đặc biệt bằng cách tiến hành bầu cử. Thực hiện đúng nguyên tắc bầu cử vẫn tốt hơn là chỉ định cán bộ bổ sung. Đảng cũng nhắc nhở đến việc tổ chức các ban chuyên môn do các cấp uỷ lãnh đạo. Những Ban hành động phải được thành lập ngay; ít nhất là phải có một Ban tuyên truyền, một Ban công vận, một Ban nông vận và một Ban ấn loát.
2. Phải tuyên truyền về vấn đề thay đổi tên Đảng. Mỗi đảng viên và mỗi chi bộ Đảng đều phải nghiêm chỉnh thảo luận những án nghị quyết của Trung ương, bước đầu để tiến tới Đại hội toàn Đảng. Trung ương sắp xuất bản một tờ báo đặc biệt đặt tên là “C”.
3. Các cấp uỷ phải xúc tiến việc thi hành các nghị quyết của Đảng. Đại biểu các Ban công vận phải họp lại nghiên cứu để tiến hành có kết quả việc tổ chức Công hội ở ngay địa phương mình – xứ, tỉnh, v.v.. Việc tổ chức các đại hội không nên để cho đảng viên và hội viên Công hội biết, chỉ nên tin khi nào đại hội đã chuẩn bị tổ chức xong.
4. Các cuộc hội nghị đó phải được chuẩn bị chu đáo. Vấn đề tổ chức đại hội phải bàn bạc kỹ trong mỗi tổ chức Công hội. Mỗi Công hội phải nghiên cứu tường tận tình hình công nhân để đặt trước những nguyện vọng chủ yếu. Báo chí cũng phải tranh luận về các đại hội. Việc tổ chức mít tinh cũng phải nghiên cứu kỹ.
Việc kết nạp hội viên mới vào Công hội
1. Tất nhiên là tất cả những gì có liên quan đến Công hội đều phải có tính chất cách mạng, nên chỉ có những công nhân hiểu rõ cách mạng vô sản và cách mạng cộng sản chủ nghĩa mới được kết nạp vào Công hội. Nhưng công nhân nào đã thấy rõ sự cần thiết phải có một tổ chức để bênh vực quyền lợi của mình cũng có thể vào Công hội, mặc dầu người đó chưa có thể hiểu gì về các vấn đề khác. Công hội và đấu tranh sẽ giáo dục cho họ.
2. Nếu có hội viên ít hoạt động hoặc tỏ ý dè dặt trong đấu tranh thì cũng không nên loại họ ra ngoài hội. Tinh thần cách mạng là điều kiện duy nhất để một Công hội có thể gia nhập Tổng hội. Nhưng chúng ta cũng không thể vì vậy mà kết luận rằng mỗi công nhân vào hội đã là người cách mạng rồi.
Có những công nhân đấu tranh chỉ vì quyền lợi trước mắt chứ chưa hiểu cách mạng. Nhưng vì Công hội là một tổ chức có một đội tiên phong và có đường lối chính trị nên Công hội là một tổ chức cách mạng.
Công hội phải tham gia Mặt trận phản đế như một hội viên tập thể. Có nhiều người tưởng gia nhập Mặt trận, Công hội sẽ mất độc lập tính. Công hội vẫn độc lập và tiếp tục tiến hành những công việc của mình. Nếu Công hội có gia nhập Mặt trận thì chỉ để tham gia cuộc đấu tranh chung chống đế quốc chủ nghĩa mà thôi.
3. Yêu cầu các đồng chí hỏi người thông tín viên của các đồng chí lấy những tin số 1 và 2 đã gửi cho các đồng chí một tuần nay- bài của V.
Đại biểu đi dự Đại hội Quốc tế Công hội đỏ lần thứ V về cho chúng tôi biết rằng: Một uỷ viên Quốc tế Cộng sản nói không nên tổ chức Nông hội lên đến Tổng Nông hội toàn quốc.
Vấn đề này đang làm cho các đồng chí của chúng tôi lúng túng, các đồng chí ấy hỏi phải làm như thế nào. Tôi đã trả lời họ cứ tiếp tục tổ chức Tổng Nông hội toàn quốc, vì lý do:
a) Khi nào các đồng chí đến đây các đồng chí mới thấy lợi ích của tổ chức đó.
b) Trong báo cáo, đại biểu cho biết rằng, trước kia, ở Trung Quốc, đã có những hội tương tự bao gồm địa chủ và phú nông. Thực tế lại không phải như vậy: Các thành phần ấy đã bị gạt ra, nhưng nếu không có Tổng hội toàn quốc thì làm sao mà tập hợp chỉ đạo mọi hoạt động đấu tranh được?
Các đồng chí có đồng ý với tôi không ?
8-2-1931
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.3, tr.61-63.
___________________
(*) Do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thêm vào.
NGHỆ TĨNH ĐỎ
Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ở cách 360 kilômét về phía bắc thành phố Huế, kinh đô nước An Nam (nơi tên vua “bù nhìn” thiết lập triều đình) và cách 326 kilômét về phía nam Hà Nội, thủ phủ xứ Đông Dương thuộc đế quốc Pháp. Tỉnh Nghệ An có 3 phủ, 6 huyện với số dân 614.000 người ở 942 làng. Tỉnh Hà Tĩnh có 2 phủ, 6 huyện, 601 làng, với số dân 405.000 người. Trong số 500.000 người đàn ông của cả hai tỉnh, thì 120.000 người phải đóng thuế thân 2đ20 mỗi năm một đầu người.
Hà Tĩnh không có công nghiệp. Vinh là thành phố chính của Nghệ An. ở Vinh, có một nhà ga xe lửa lớn, một nhà máy điện nước, một nhà máy diêm, 5 nhà máy cưa, 2 xưởng sửa chữa ôtô và một vài xưởng nhỏ, tất cả dùng 4.000 công nhân.
Ngoài số công nhân đó và một số như vậy quan lại, chủ đồn điền và người buôn bán…, nhân dân hai tỉnh đều là bần và trung nông (hơn 1 triệu).
Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, nông giang chẳng có, ở đây thường xảy ra lụt, bão, do đó nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở. Sưu thuế nặng nề và nạn áp bức xã hội và chính trị làm cho cảnh ngộ của họ càng cùng cực hơn.
Nhân dân Nghệ – Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ – Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ – Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình.
Từ tháng 5 đến tháng 12, công nhân Nghệ An (Vinh) đã 8 lần bãi công và biểu tình có 2.500 người tham gia. Cũng trong thời gian đó, 137 cuộc biểu tình đã nổ ra bao gồm tất cả 300.000 nông dân.
Thiệt hại: 625 nông dân bị máy bay ném bom và súng máy giết chết, 8 làng bị triệt hạ, hơn 1.000 chiến sĩ bị bắt giam, hàng trăm người bị đem đi đày.
Ở cả hai tỉnh, hơn 60.000 nông dân (đàn ông, đàn bà và thanh niên) đã được tổ chức vào Hội .
Nghệ – Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”!
II
Từ ngày 26-12 đến ngày 19-1, có hai cuộc lễ lớn ở gần Vinh: một cuộc lễ “đỏ” và một cuộc lễ “vàng”.
Cuộc lễ thứ nhất được tổ chức ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 kilômét, 4.000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã đến dự để làm lễ truy điệu những chiến sĩ bị hy sinh trong ngày 11-12, nhân dịp kỷ niệm Công xã Quảng Châu.
Một lá cờ búa liềm được chăng ra trên bàn thờ đầy hương hoa, xung quanh cắm 100 lá cờ đỏ và một dây 200 ngọn đèn đỏ. 10 giờ đêm, khi mọi người đã đến đông đủ, hai đoàn xe đạp được bố trí đi tuần tra trên các ngả đường về Vinh và Bến Thuỷ mà từ các ngả đó lính Pháp có thể kéo đến, còn một đoàn khác vây quanh quần chúng và hát bài Quốc tế ca. Lệnh “mặc niệm” bỗng nhiên được đưa ra. Người chủ trì buổi lễ lên đọc điếu văn. Sau đó, đại biểu Công hội, Nông hội và đại biểu các làng lên nói chuyện.
Một đại biểu đề nghị: Ngày hôm sau, tất cả các chợ ở Hưng Nguyên và Nghi Lộc đều bãi thị.
Đề nghị đó được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày hôm sau, đúng như lời cam kết, tất cả các chợ đều vắng tanh.
Trong lúc buổi lễ đang tiến hành, anh em công nhân cắt điện làm cho cả thành phố Vinh – Bến Thuỷ bị chìm ngập 10 phút trong đêm tối.
III
Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh (28 đồn mới được dựng lên ở riêng Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ – Tĩnh. Vì thế bọn đế quốc Pháp đã nghĩ ra một thủ đoạn mới: tổ chức những cuộc biểu tình phản cách mạng và bắt buộc nhân dân thành phố tham gia.
Ngày 19-1, nhân dân 24 khu phố bị lôi ra đường, từng tốp một bước theo nhịp trống, mang 5 lá cờ vàng có ba sắc đè lên góc. Cờ vàng là quốc kỳ của Vương quốc An Nam. Những đoàn người “quy thuận” (bọn Pháp đặt cho họ cái tên này mặc dầu những người An Nam đáng thương đó chưa khi nào chiến đấu) bị dẫn đến hoàng cung (nơi bọn quan lại thường đến đó bái vọng nhà vua, mặc dầu ông ta không bao giờ đến đó). Họ được viên tổng đốc bận lễ phục đón tiếp. Quan lớn nói với họ như thế này: “Bây giờ nhân dân thành phố đã xin tạ lỗi quy thuận Chính phủ Nam triều và Chính phủ Pháp thì phải lo giữ gìn trật tự, an ninh trong thành phố. Các người đừng nghe những lời tuyên truyền bậy bạ và đừng phạm những điều đáng chê trách” (tên tổng đốc muốn nói đến cách mạng đấy, nhưng nó không dám dùng những tính từ quá chua cay, mỗi khi nói đến cách mạng trước nhân dân). Tên tổng đốc bảo mọi người lạy ba lạy trước ảnh vua để tỏ lòng trung với vua. Rồi nó dẫn nhân dân đến trước toà sứ và cũng buộc phải lạy ba lần để tỏ lòng trung thành với đế quốc Pháp.
Bọn đế quốc và phong kiến Nam triều xem cuộc biểu tình tỏ lòng trung thành đó là một thành công lớn của chúng và hôm sau tin này được đăng đầy trên báo chí.
Chúng định tiếp tục tổ chức những cuộc biểu tình như vậy ở Nghệ – Tĩnh. Nhưng ở các thôn xã có nông dân cách mạng thì khó mà tổ chức được như ở thành phố nơi mà chúng chỉ tập hợp được một số người ngốc nghếch mà thôi.
Ngày 19 tháng 2 năm 1931
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.3, tr. 70-72.
THƯ GỬI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
Đây là tôi phê bình về cuộc Hội nghị Xứ uỷ Trung và Bắc.
A- CÁCH KHAI HỘI – Trước khi khai hội, từ đảng viên cho đến các đồng chí phụ trách chưa nghiên cứu kỹ vấn đề. Đến khi khai hội, mới đem ra bàn thì chắc thảo luận không kỹ. Thì giờ khai hội quá dài (Trung 18 buổi, Bắc 13 ngày) mà lại trật tự không sắp sẵn, vậy nên tốn thì giờ nhiều mà các vấn đề thì bàn không hết. Xứ hội Bắc thì những chỗ rất quan trọng như Hải Phòng mà không có đại biểu.
B- CÁCH THẢO LUẬN – Bắc không thảo luận một cách thiết thực mà thảo luận một cách “tầm chương trích cú”. Thí dụ: như chất vấn Trung ương sao khi thì nói “để” dự bị võ trang, khi thì nói “và” dự bị võ trang, v.v.. Vì đảng viên chưa thảo luận cho nên những ý kiến trong hội nghị không thể đại biểu được ý kiến của quần chúng trong Đảng. Vả lại trong khi khai hội, nhiều đồng chí mệt mỏi hoặc phải vắng mặt để đối phó việc khác, ít phát biểu ý kiến. Thành thử ý kiến trong cuộc hội nghị lại là ý kiến của số ít trong số ít.
C- VẤN ĐỀ CÔNG TÁC – Trong hai hội nghị, các lời đề nghị đều có ý mênh mông, không thấy đề nghị thế nào để tất cả đảng viên, tất cả chi bộ thảo luận và thực hành được các nghị quyết án của Trung ương; không thấy đề nghị kế hoạch thiết thực cho mỗi địa phương.
D- VẤN ĐỀ TÊN ĐẢNG – Trung đề nghị chờ bao giờ Cao Miên và Lào có Đảng rồi sẽ nhập các Đảng lại và đổi tên. Thế là các đồng chí Trung không hiểu chỉ thị Quốc tế nói rằng Đảng phải gồm cả vô sản ở Đông Dương và không hiểu nhiệm vụ Đảng là phải làm cho Lào và Cao Miên có đảng bộ. (Trung ương đã in và phát hành chỉ thị Quốc tế cho đảng viên chưa? Sao thấy trong Nghị quyết Bắc có hỏi: “Trung ương bảo thảo luận “chỉ thị” là chỉ thị nào? “).
E- LỰC LƯỢNG CỦA ĐẢNG – Muốn hiểu rõ sức mạnh và chỗ yếu của Đảng ở Trung và Bắc thì chúng ta nên xem bảng này1):
Đảng viên | Chi bộ | Thanh niên | Công hội | Nông hội | Phụ nữ | Ghi chú | |
– Nam Đàn | 170 | 21 | 641 | – | 10.000 | 452 | |
– Thanh Chương | 273 | 27 | 78 | – | 10.077 | 232 | |
– Anh Sơn | 123 | 18 | 35 | – | 4.350 | 62 | |
– Yên Dũng | 11 | 15 | – | – | 3.022 | – | |
– Diễn Châu | 51 | 2 | – | – | 345 | – | |
– Quỳnh Lưu | 33 | 4 | – | – | 278 | – | |
– Vinh | 185 | 8 | – | 312 | – | – | |
– Hưng Nguyên | 55 | 9 | – | – | 2.032 | 70 | |
– Nghi Lộc | 58 | 15 | – | – | 1.574 | – | |
– Hà Tĩnh | 370 | – | 122 | – | 2.000 | 48 | |
– Quảng Trị | 42 | – | – | – | – | – | |
– Quảng Ngãi | 69 | – | – | – | 1.200 | – | |
– Bình Định | 40 | – | – | – | 100 | – | |
– Hải Phòng | 37 | 9 | 8 | 101 | – | – | |
– Hòn Gai | 8 | – | – | 10 | – | – | |
– Nam Định | 115 | – | 31 | 293 | 100 | – | |
– Phủ Lý | 82 | – | 13 | – | 300 | – | |
– Thái Bình | 40 | 8 | 14 | – | 270 | – | |
– Hải Dương | 9 | – | 1 | – | 31 | – | |
– Hà Đông | 12 | – | – | – | 51 | – | |
– Bắc Ninh | 6 | – | – | – | – | – | |
36 | – | – | – | – | – |
Nhìn vào bảng trên thì thấy:
Ở Trung:
a) Tổ chức Đảng có trong 13 huyện và tỉnh. Nhưng chỉ có 3 huyện là có tổ chức thanh niên. Trong một huyện thanh niên chỉ bằng một phần ba của Đảng, trong một huyện khác thì bằng một phần tư.
b) Phụ nữ chỉ được tổ chức trong 5 huyện, số lượng phụ nữ trong một huyện chỉ bằng một nửa đảng viên, trong một huyện khác thì chỉ bằng một phần 9.
c) Trong 13 tỉnh và huyện trên, năm nơi có Nông hội rất yếu. Ở một nơi số lượng nông dân được tổ chức gấp hai lần rưỡi số lượng đảng viên.
d) Ở Trung, Công hội chỉ có ở một nơi trên, nhưng công nhân nông nghiệp các nơi thì chưa chỗ nào được tổ chức.
e) Ở Trung có 16 tỉnh, mới có tổ chức ở năm tỉnh thôi.
f) Báo cáo Trung không nói rõ số lượng đảng viên phụ nữ và số lượng phụ nữ vào Nông hội.
Tổ chức ở Bắc thì yếu quá. Trong một xứ công nghiệp như Bắc, mà chỉ có hai tỉnh là có Công hội, bốn nơi có Thanh niên, năm nơi có Nông hội, nhưng xem ra tất cả chưa bằng tổ chức của một huyện thuộc hạng bốn ở Trung. Ở một trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng như Hà Nội, trừ vài đồng chí lãnh đạo ra thì không có một chiến sĩ nào khác.
Cả hai xứ đều không có tổ chức “Mặt trận phản đế”, “Cứu tế đỏ” và “Cứu tế thất nghiệp” (Trung đã có một chút Cứu tế đỏ).
Tôi đề nghị:
A- Đảng phải:
1. Sửa chữa những sai lầm trên.
2. Lập chương trình hành động cụ thể trong từng huyện và từng tỉnh.
3. Phân phối đảng viên (như nhà binh phân phối binh sĩ).
Các đồng chí phụ trách một vùng hay một công tác nào đó phải lập chương trình hành động cho mỗi đồng chí trong mỗi một tổ chức.
4. Các ban chấp ủy phải quản lý và kiểm soát rất tỉ mỉ việc thi hành các chương trình hành động đó.
5. Trước tiên phải thống nhất tổ chức Thanh niên và Công hội và những tổ chức đó phải có sinh hoạt độc lập của mình.
B- Tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương, rồi phải ra Nghị quyết về những Nghị quyết và Chỉ thị nói trên. Những Nghị quyết ấy phải đệ trình lên Trung ương, Trung ương sẽ chuyển lên Quốc tế thứ ba. Có làm như thế thì mới có thể nâng cao được trình độ đảng viên, tất cả Chỉ thị và Nghị quyết mới được thi hành, tư tưởng và hành động của đảng viên mới thống nhất; và Quốc tế thứ ba mới nắm được trình độ cách mạng của đảng viên và sự liên lạc từ chi bộ tới Trung ương và với Quốc tế thứ ba mới thực hiện được chặt chẽ (đó là ý kiến của Quốc tế thứ ba).
1- Nhớ gửi:
1) Báo cáo của Nam Kỳ.
2) Báo cáo của Hội nghị Trung ương.
3) Báo cáo về công tác công vận. Tôi đã nói đến ba vấn đề trong thư trước của tôi.
2- Người quen của chúng ta Đuycru (Ducroux) chưa về bằng chuyến tàu này.
3- Các đồng chí biết những tàu này chạy đường Sài Gòn – Tân Gia Ba? Ở đây cần biết rõ điều đó.
4- Tôi nghe nói người ta có quen một người Pháp trên một chiếc tàu của sở hàng hải, nếu đúng như vậy (mà cũng cần như vậy) yêu cầu các đồng chí điều tra (về người đó) xem.
5- Khi có một chuyến tàu về, các đồng chí nên đến xem có ai về không. Khi có tàu vào cảng thì tín hiệu như thế nào.
6- Có người ở “kia” sắp về, khi có tin tàu về (từ đầu tháng 5) thì phải lên tàu đón. Trên tàu “Metzinger” có Nghĩa, thợ giặt. Có thể có gì đó(gửi cho các đồng chí). Nhớ đến hỏi anh ta mà lấy.
Ngày 20 tháng 4 năm 1931
NGUYỄN ÁI QUỐC
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.3, tr. 73-76.
_____________
1) Đây là một phần bức thư chụp ảnh để lại, tiếp phần sau là dịch ở bản tiếng Pháp.
THƯ GỬI QUỐC TẾ CỘNG SẢN
Đồng chí thân mến,
1. Tôi đã nhận được bức thư ngày 25-4.
2. Đồng chí Tổng bí thư đã bị bắt ngày 19 hoặc 20-41).
Kể từ khi xuất bản Tạp chí cảnh sát, 7 trong số 101 người đã bị bắt. Vì vậy trong ban thư ký chỉ còn lại một công nhân trẻ tuổi.
3. Riêng ở Hải Phòng đã có 36 trường hợp bị bắt vào ngày 20-4 và 16 trường hợp bị bắt ngày 23-4. Điều đó nói lên rằng mọi hoạt động ở bốn địa phương đều bị lộ.
Một số đồng chí đã dùng súng lục chống lại cảnh sát. 1 đồng chí đã bị hy sinh và nhiều đồng chí khác bị thương.
4. Ngày 20-4 mấy tàu chạy hơi nước của chúng ta chờ để đón sinh viên lên tàu nhưng không có người nào đến. Có lẽ họ cũng đã bị bắt.
5. Ngày 29-4, một đồng chí phụ trách vấn đề thông tin liên lạc đã bị bắt. Vẫn chưa nhận được tin tức từ các đồng chí khác: Khi nào có tin cụ thể hơn thì tôi sẽ báo cho đồng chí biết. Tất cả các mối liên hệ tạm thời bị gián đoạn. Hình như tạp chí cảnh sát cũng lưu truyền ở đây. Tất cả những thanh niên Việt Nam ở đây đều bị kiểm soát và đã bị mật thám Pháp nhận dạng.
6. Nhiều tổ chức Đảng ở địa phương đã bị giải tán, nhiều tài liệu quan trọng rơi vào tay cảnh sát. Chúng tôi sẽ phải tổ chức lại mọi việc. Chúng tôi sẽ trao nhiệm vụ này cho các sinh viên trở về nước. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, thì khoảng 2 tuần nữa 4 sinh viên sẽ có mặt ở đây. Tôi sẽ họp với họ.
7. Ngày 20-4, mọi biện pháp đã được sử dụng để ban bố thiết quân luật trên toàn đất nước chống lại các cuộc biểu tình ngày 1-5. Trường học và nhà máy sẽ phải nằm trong sự kiểm soát quân sự chặt chẽ.
8. Ngày 12-4, 55 nông dân đã bị giết trong cuộc diễu hành. Ngày 14-4, 80 người bị giết và ngày 20-4, 30 người bị giết. Bọn đế quốc đã quyết định ngăn chặn phong trào bằng tàn sát.
Chúng tôi nên chỉ ra cho các đồng chí của mình kế hoạch đấu tranh cụ thể nào? Nếu chúng ta cứ để họ đi theo con đường đó thì sẽ rất manh động, nguy hiểm. Tôi sẽ đề nghị thêm rằng Quốc tế Cộng sản chỉ thị cho tất cả các tổ chức cách mạng của chúng ta tham gia với khẩu hiệu “Bảo vệ Đông Dương” cùng với những hành động: “Không can thiệp vào Trung Quốc”, “Không can thiệp vào nước Nga Xôviết”. Đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức cách mạng khác sẽ tăng cường hơn nữa việc bảo vệ phong trào cách mạng ở Đông Dương.
9. Tôi không thể ký tên vào các bức thư vì tôi không có địa chỉ. Xin đồng chí hãy làm tất cả những gì có thể cho tôi. Tất nhiên, điều đó thật phiền phức. Vì điều kiện hiện thời, tôi luôn luôn phải viết cho đồng chí bằng phương pháp này và không phải lúc nào cũng viết cho P.O.B của đồng chí. Tôi đề nghị đồng chí sử dụng phương pháp viết thư tương tự. Nó có rắc rối nhưng an toàn hơn.
Gửi lời chào cộng sản
VICTO
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.3, tr. 81-82.
__________________
1) Có một dòng quá mờ, không đọc được.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.