THƯ GỬI BAN PHƯƠNG ĐÔNG QUỐC TẾ CỘNG SẢN
Các đồng chí thân mến,
Đây là tóm tắt tình hình của tôi:
Tháng 5-1927… rời Quảng Châu
Tháng 6… tới Mátxcơva
Tháng 7 – tháng 8 ở bệnh viện
Tháng 11 được phái đi Pháp
Tháng 12 rời Pháp (không thể công tác được do cảnh sát) đến hội nghị Bruyxen.
Tháng 1 – tháng 4 – 1928 Chờ chỉ thị của các đồng chí ở Béclin và sống bằng sự giúp đỡ của MOPRE1).
*
Vì không thể công tác ở Pháp, ở Đức thì vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này. Trong những thư gửi cho các đồng chí, tôi đã lập một ngân sách công tác và một ngân sách đi đường.
Khi đồng chí Đôriô qua Béclin, đồng chí đã hứa sẽ quan tâm đến vấn đề của tôi. Tôi đã nói với đồng chí ấy là nếu không được kinh phí công tác, miễn là đồng chí cho tôi tiền đi đường, thì dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương.
Nhưng cho tới nay tôi chưa nhận được chỉ thị của các đồng chí, cả câu trả lời của đồng chí Đôriô.
Hiện nay, tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi:
l) Chờ đợi vô thời hạn (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng).
2) Không có gì để sống vì rằng MOPRE không thể giúp tôi một cách vô hạn, ngay cả cho 18 đồng mác mỗi tuần (số tiền đối với tôi không đủ sống nhưng quá nặng cho tổ chức).
Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường.
Xin gửi lời chào cộng sản.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Béclin ng ày 12-4-1928.
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 325-326.
_______________
1) Tên viết tắt của Tổ chức Quốc tế giúp đỡ các chiến sĩ cách mạng.
(*): Do báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thêm vào.
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ NÔNG DÂN MỚI ĐÂY TẠI ẤN ĐỘ
Tại Ấn Độ cũng như ở các thuộc địa khác, chủ nghĩa đế quốc Anh đang tìm cách chia rẽ giai cấp vô sản bằng cách thường xuyên khơi sâu những thành kiến về chủng tộc. Vì thế tất cả các chỗ làm được trả lương cao đều dành cho người Anh và những người lai Anh- Ấn. Trong những nhà máy điện, những người này lĩnh mỗi ngày 15 rupi; họ có nhà ở sang trọng không phải trả tiền, trong khi thợ thuyền Ấn Độ chỉ được từ 4 anna1) đến 1,5 rupi mỗi ngày và nhà ở phải trả tiền. Trong ngành xe hoả, một người Anh hoặc người lai lĩnh tới 7 rupi mỗi ngày; trái lại, một thợ không chuyên Ấn Độ chỉ được 8 anna và một công nhân được 13 anna mỗi ngày. Những viên chức người Anh và người lai, ngoài lương cao, còn có các trường học, vườn trẻ và hợp tác xã tiêu thụ mà Chính phủ hoặc các công ty dành riêng cho, cấm không cho người Ấn Độ đến, trong khi ấy các viên chức bàn giấy người Ấn chỉ lĩnh hằng tháng từ l0 đến 20 rupi.
Để đáp lại những đặc quyền đó, những viên chức người Anh và người lai hợp tác với giới chủ chống công nhân bản xứ. Các sự kiện đẫm máu ngày 28 tháng 3 vừa qua minh hoạ một cách rõ ràng thái độ bài vô sản của thứ thợ thuyền quý tộc này: những viên chức người Anh và người lai trên đường sắt Lilôa đã hợp tác tích cực với cảnh sát có vũ trang trong việc ám sát năm người bãi công có nhiệm vụ kiểm tra lệnh đình công.
Nhưng thợ thuyền Ấn Độ đấu tranh không mệt mỏi chống các mưu mô của đế quốc và các thành kiến chủng tộc. Vì thế nên mặt trận chiến đấu của họ được củng cố hằng ngày, như nhiều cuộc đấu tranh vừa qua đã cho thấy.
Ngày 21 tháng 2, 400 thợ điện các lò cao tại Iamsétpua bãi công để đòi tăng lương. Họ đòi 5 rupi mỗi ngày chứ không phải 14-15 anna như hiện đang lĩnh.
Ngày 5 tháng 3, sau khi sáu công nhân bị đuổi vì hoạt động nghiệp đoàn, 14.000 công nhân hoả xa ở Lilôa lãn công và, ngày 8, từ lãn công chuyển thành bãi công thực sự. Những người bãi công đòi cho các đồng chí bị đuổi được trở lại làm việc, đòi tăng 25% lương và đòi tự do nghiệp đoàn. Xin nhắc lại rằng Liên đoàn Công nhân hoả xa tồn tại đã được mười năm mà vẫn chưa được Chính phủ và công ty công nhận.
Ngày 7 tháng 3, 10.000 thợ làm việc cho thành phố bãi công đòi 30 rupi mỗi tháng chứ không phải 14 như hiện nay họ lĩnh.
Ngày 9 tháng 3 có cuộc bãi công của 2.500 thợ nhà máy bông ở Lútlốc vì một người thợ bị tên đốc công đánh.
Ngày 15 tháng 3, 900 thợ nhà máy Paren (Bombay) đấu tranh để đòi tăng lương.
Ngày 10 tháng 3 có một hội nghị của nhân viên bưu điện Mađrát.
Hiện nay họ chỉ lĩnh từ 10 đến 20 rupi mỗi tháng. Nhà ở của họ tiều tuỵ đến mức đáng sợ, trong khi những viên chức có đặc lợi, người Anh và người lai, lĩnh đồng lương đế vương và có nhà đầy đủ tiện nghi. Nhân viên bưu điện Mađrát đòi nâng lương từ 30 lên 40 rupi mỗi tháng. Ta hãy nhớ rằng một người đưa thư ở nông thôn, phụ trách đến 60 làng và đi bộ mỗi ngày 30 kilômét mà chỉ lĩnh có 16 rupi mỗi tháng.
Ngày 19 tháng 3, công nhân xe điện Mađrát họp hội nghị đặc biệt đòi tăng lương và phản kháng công ty đuổi thợ mà không hoàn lại số tiền ký quỹ họ đã phải nộp khi được nhận vào làm.
Ngày 22 tháng 3, Đại hội Liên hiệp nghiệp đoàn tỉnh Bombay, thay mặt cho 30.000 công nhân có tổ chức họp tại Đamôda. Nhiều nghị quyết đã được thông qua. Những nghị quyết đó đòi: ngày làm tám giờ, định lương tối thiểu, lương phải trả hằng tuần, có tiền bảo hiểm xã hội cho những trường hợp thất nghiệp, ốm đau, sinh đẻ, già yếu cải thiện điều kiện nhà ở cho công nhân, bãi bỏ chế độ phạt tiền và chế độ khấu lương để đền bù dụng cụ và vật liệu hỏng, trả lại tự do cho những công nhân vì hoạt động nghiệp đoàn mà bị bắt. Đại hội có dự kiến thay thế các nghiệp đoàn nghề bằng các nghiệp đoàn công nghiệp. Về phương diện chính trị, Đại hội tuyên bố chống chiến tranh và chống các luật đàn áp. Đại hội cũng đã dự kiến tổ chức một Đảng Lao động để bảo vệ các quyền chính trị của người lao động.
Những cuộc đấu tranh này của công nhân chỉ là rất thường tình nếu ta xét đến hoàn cảnh vô cùng khổ cực của vô sản Ấn Độ. Đây là một bảng so sánh minh hoạ số thu nhập theo đầu người, trong nhiều nước, do bác sĩ Hácđica lập ra vào tháng 5 năm 1927: Hoa Kỳ 1.116 rupi; Anh 696; Pháp 546; Đức 468, Ấn Độ 15. Ta cũng nên nói qua rằng vấn đề nhà ở là một trong những cái ung đau nặng nhất của vô sản Ấn Độ. Theo báo cáo của ông chủ tịch Liên hiệp thợ thuyền thành phố Mađrát, hơn 10.000 người lao động của thành phố này ngủ đêm ở các chuồng bò hoặc nhà xe, và điều này cũng đúng với những thành phố khác. Sự khổ cực kinh tế này làm cho tuổi thọ của người Ấn Độ rất thấp. Dưới đây là so sánh tuổi thọ tăng bình: Anh 51,5; Hoa Kỳ 50; Pháp 48,5; Đức 47,4; Ấn Độ 24,7. Tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ cũng cao hơn ở bất kỳ nơi nào khác: Hoa Kỳ 12,9 phần nghìn; Anh 14,6; Đức 16,2 và Ấn Độ 30!
Nông thôn cũng nổi dậy, ngày càng có phản ứng mạnh đối với tình trạng như vậy. Ngày 15 tháng 2, tại Viện dân biểu Miến Điện, Chính phủ thuộc địa đề nghị cử “những đại biểu đặc biệt” đến các huyện đang đặc biệt tích cực chống thuế. Đề nghị đó bị bác với 24 phiếu chống trên 18 phiếu thuận. Thất bại đó của Chính phủ đã gây chấn động trong nước; lại càng chấn động khi Chính phủ buộc phải thú nhận rằng biện pháp cử “những đại biểu đặc biệt” là cần thiết vì từ mấy tuần nay đã có đến 22 người thu thuế bị nông dân làm cho khốn đốn.
Để trả thù, ông thống đốc đã cấm 25 tổ chức nông dân và tôn giáo hoạt động và tăng cường cảnh sát ở 44 huyện.
Ngày 19 tháng 3, khi một người của họ bị ngược đãi, các culi ở đồn điền trồng chè lớn tại Đíchgubác đã nổi dậy và đẩy những tên đốc công vào tình trạng khốn đốn. Biến cố nhỏ này có một ý nghĩa lớn: những công nhân nông nghiệp vốn rất dễ bảo và thụ động giờ đây đã thức tỉnh và biết tự vệ. Một dấu hiệu của thời đại! Phong trào chống thuế ở Bácđôlê tiếp tục. Họ tổ chức những nhóm người tình nguyện để bảo vệ những nông dân bị doạ tịch biên. Chính cảnh sát huyện cũng có cảm tình với nông dân và tuyên bố rằng họ sẽ không thực thi những lệnh đàn áp của Chính phủ.
WANG
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 333-336.
____________
1) 1 anna = 1/6 rupi.
THƯ GỬI BAN PHƯƠNG ĐÔNG, QUỐC TẾ CỘNG SẢN
Béclin, ngày 21 tháng 5 năm 1928
Các đồng chí thân mến,
1. Tôi đã nhận đủ cái cần thiết để lên đường. Xin cảm ơn. Tôi sẽ ra đi vào khoảng tuần thứ ba tháng 5 này.
2. Do lúc này không thể trực tiếp liên lạc với các đồng chí, mọi sự liên lạc của tôi đều qua đồng chí Satô ở Liên đoàn chống đế quốc tại Béclin.
3. Trước khi lên đường, tôi xin phép trình bày mấy nhận xét về Ban thuộc địa thuộc Đảng Cộng sản Pháp.
Tôi đã thông báo với các đồng chí rằng Ban thuộc địa đó đã có nhiều tiến bộ (Trước kia chẳng có gì. Nay đã có những văn phòng và đồng chí thường trực). Tuy nhiên, mới làm được rất ít việc trong số những người bản xứ ở Pháp, ít ra trong những người Đông Dương. Báo chí. Đại hội. Tổ chức. Tất cả những thứ đó mới chỉ còn trên giấy. Tôi nghĩ rằng Ban thuộc địa thiếu sự linh hoạt trong công tác. Tôi xin kể trường hợp riêng của tôi. Trong một tháng rưỡi tôi ở Pari, vì đồng chí Đôriô đang ở tù, cho nên tôi không có dịp nào nói chuyện nghiêm túc với các đồng chí khác. Nhiều lần, tôi xin những địa chỉ chắc chắn để có thể liên lạc với họ khi tôi sẽ ở phương Đông, thì đồng chí có trách nhiệm đã từ chối không đưa cho tôi. Các đồng chí nói rằng Ban thuộc địa có một ngân quỹ dành cho công tác thuộc địa. Nhưng theo tôi biết quỹ hoàn toàn rỗng, thậm chí chẳng có gì để lo ăn cho các đồng chí đi công tác qua.
Tôi kiến nghị:
a) Tài chính của Ban thuộc địa cần được các đồng chí kiểm soát.
b) Ban thuộc địa thường xuyên gửi đến các đồng chí những báo cáo về công tác đã làm và kế hoạch công tác sắp tới.
c) Ban thuộc địa phải tổ chức những phương tiện giao thông liên lạc đường Pháp – Đông Dương (qua Boócđô, Mácxây, Lơ Havơrơ), chuyển tên các đồng chí và tên các tàu đến chỗ Liên đoàn (đồng chí Satô) báo cho tôi biết, để tôi có thể bắt liên lạc với họ.
d) Sẽ là rất có ích nếu vài đồng chí của Đảng hay của Đoàn thanh niên Nga chịu trách nhiệm săn sóc các sinh viên Đông Dương ở Mátxcơva, giúp họ tìm hiểu đời sống công nhân và thực hành công tác tổ chức (tất cả họ không thuộc thành phần vô sản và, theo như tôi có thể nhận xét, họ biết rất ít các phương pháp tổ chức).
Xin gửi lời chào cộng sản.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 341-342.
ĐÔNG DƯƠNG KHỔ NHỤC
“Ở Đông Dương giết người là việc xảy ra hằng ngày”, một diễn giả đã tố cáo như vậy ở Đại hội Liên đoàn chống áp bức thuộc địa và chống chủ nghĩa đế quốc họp ở Brúcxen. Câu nói đơn giản nhưng bao hàm cả sự thật hiển nhiên, đau xót của dân tộc đang bị đày đoạ này, mà đế quốc Pháp đang ra sức bưng bít những tiếng kêu gào của họ. Thực thế, ở đây, trong cái “pháo đài của nước Pháp ở Thái Bình Dương” ấy, người ta được mục kích hằng ngày những hành vi bạo ngược, giết người ăn cướp ghê tởm nhất. Dĩ nhiên là những tội ác của bọn thực dân tàn bạo ấy được chính quyền bao che. Từ người đại diện tối cao của Nhà nước chính quốc đến những tên thực dân bình thường, ai nấy cũng tự ý và đua nhau giết hại, bóc lột đến tận xương tuỷ dân tộc đã bị chinh phục này. Chính Toàn quyền Varen, một đảng viên xã hội, đã cướp không hàng chục nghìn hécta đất của nông dân đem cho bạn nó; chính viên đội Đuyruýt đã bắt phạm nhân tự đào lấy mồ, đánh chết họ như đánh chó rồi đem chôn cất những người đang còn sống; một tên cai mỏ than ở Bắc Kỳ, đã làm chết một anh thợ bằng cách đánh anh gãy hai chiếc xương sườn vì anh đã dám coi thường nó. Đối với những tên sát nhân ấy, tòa án đã cho đứa thứ nhất vô tội, kết án đứa thứ hai hai tháng tù treo. Thật đúng là một thứ công lý chính tông! Đương nhiên cướp của giết người đối với bọn thực dân cá mập là những điều hợp pháp! Chúng ta không có đủ thì giờ kể hết tội ác của bọn côn đồ ấy. Chúng ta chỉ cần nói rằng đế quốc Pháp với quân lính của chúng đã coi tính mạng người Đông Dương như cỏ rác, muốn thì chúng tước đoạt của cải, thích thì chúng bắn giết. Nhưng áp bức càng đè nặng lên vai dân chúng bao nhiêu thì dân chúng chống lại càng nhiều bấy nhiêu. Trong những năm gần đây, dân bản xứ bị bóc lột ngày một thêm tệ nên họ đã chống chủ nghĩa đế quốc quyết liệt. Những mưu toan mới đây nhằm trưng thu đất đai của nông dân nghèo đã gặp một sự phản ứng đích đáng biểu hiện trong các cuộc nổi dậy và đổ máu. Công việc nặng nhọc không lúc nào được nghỉ ngơi của những phu đồn điền cao su – ở mỗi đồn điền này hằng tháng trung bình có 62 người chết – đời sống khổ sở, đói rét đã dẫn họ đến bạo động, kết quả là một số người cầm đầu bị tử hình. Điều này chứng tỏ rằng bây giờ căm hờn đã sôi sục trong lòng những người nô lệ và từ đây chủ nghĩa đế quốc Pháp không còn có thể bóc lột dân chúng Đông Dương mà không gặp những cuộc đấu tranh một sống một chết. Vì vậy Chính phủ thuộc địa quay lại đàn áp tàn nhẫn những người bất mãn chống lại chính sách cai trị của nó, những người đấu tranh để giành lại tự do và quyền sống. Chính phủ ấy còn đàn áp một cách chưa từng thấy đối với những người cách mạng và tình nghi cách mạng. Chúng xử rất nhiều án tù tội hàng chục năm. Ông Phan Văn Trường, một nhà báo An Nam, đã bị hai năm tù vì ông đã có tội đăng lại một bài của báo L’ Humanité bàn về sự “Đoàn kết huynh đệ với cách mạng Trung Quốc”.
Sách báo viết về vấn đề độc lập dân tộc đều bị cấm ngặt không được lưu hành; còn tác giả và quản lý thì bị kết án nặng. Vì vậy nên hai anh em ông Vương Gia Bật và Vương Gia Ngãi ở Trung Kỳ đã bị kết án một người ba năm tù, một người hai năm, chỉ vì có tội là bày vào tủ hàng sách của các ông quyển “Tiểu sử Tưởng Giới Thạch”1). Một học sinh 17 tuổi bị giam cho đến tuổi thành niên vì đã làm bài thơ “Chiêu hồn nước”2).
Những vụ khám xét nhà cửa thì không kể xiết được. Chẳng có gì trong nhà, người ta cũng có thể bị bắt vì đã bị tình nghi. Học sinh Hà Tĩnh đã bị bắt như vậy. Chúng bắt các anh đó, tống giam hai tháng rồi thả ra, chẳng cần thủ tục gì. Không những Chính phủ thuộc địa trấn áp những người mong muốn tự do, độc lập mà còn xúc phạm đến cả phong tục tập quán của dân bản xứ nữa. Thờ phụng những người đã quá cố, một việc rất thiêng liêng và thiết tha của người An Nam, cũng bị cấm đoán. Mới đây trong cuộc đưa đám một nhà cách mạng cũ3), cảnh sát đã đánh đập dân chúng đến viếng mồ, làm một phụ nữ bị thương nặng, và bắt 12 người đưa ra toà, chúng kết án người một năm, kẻ 6 tháng hay 3 tháng tù. Ở Sài Gòn, sáu người bị kết án mỗi người sáu tháng tù vì đã có tên trong danh sách ban tổ chức tang lễ.
Những sự việc trên đây được nhặt ra một cách tình cờ trong lịch sử chế độ thực dân, một lịch sử đầy dẫy chém giết, cướp bóc, đã mô tả khá rõ đời sống khổ cực của dân tộc Đông Dương bị xâm lăng. Bị khuất phục bằng vũ lực, bắt buộc phải chịu đựng bao nhiêu điều nhục nhã, bị áp bức, bóc lột, dân Đông Dương không thể chịu ngồi yên mà không phá gông xiềng của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Bọn chúng biết lắm, nên chúng tìm cách giấu giếm tội ác của chúng, bưng bít những tiếng thét căm hờn của người bản xứ và che đậy những cuộc khởi nghĩa bùng nổ không ngớt. Bọn chúng muốn cô lập xứ Đông Dương với nước ngoài để áp bức, bóc lột và cướp của được nhiều hơn. Chúng làm không được. Ngày nay bức màn bưng bít đã bị xé toang, tội ác của chúng đã phơi bày trước giai cấp vô sản thế giới, đặc biệt là trước thợ thuyền Pháp. Hỡi những ai đang đấu tranh ở khắp nơi, hỡi các bạn Nga đã tự giải phóng mình khỏi tay bọn cường quyền, chúng tôi kêu gọi:
“Những người bạn bất hạnh của các bạn hiện đang giãy giụa ở Đông Dương. Họ đang trải qua những giờ phút khó khăn để tự giải phóng. Đế quốc Pháp đang giết hại họ, đang tước đoạt của cải họ. Mong các bạn nghĩ tới họ; tiếng thét căm thù của họ phải được hoà lẫn với tiếng thét của các bạn để chặn bàn tay giết người của bọn đế quốc Pháp ăn cướp. Mong rằng sự quan tâm của các bạn đối với phong trào đấu tranh sẽ cổ vũ họ trong tương lai lật đổ được bọn đế quốc áp bức bóc lột”.
NGUYỄN
Năm 1928.
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
t.2, tr. 363-366.
____________
1) Quyển tiểu sử này viết khi Tưởng Giới Thạch còn ở trong quân đội cách mạng do ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo.
2) Tác giả bài thơ “Chiêu hồn nước” là Phạm Tất Đắc (1909 – 1935), viết năm 1927.
3) Đám tang của Lương Văn Can vào năm 1927.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.