LỜI GIỚI THIỆU TẬP 1
Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1, xuất bản lần thứ ba, bao gồm những tác phẩm, bài viết và nói quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lựa chọn từ ba tập 1, 2, 3 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, 12 tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2000.
Mở đầu tập sách là bài Tâm địa thực dân, viết ở Pháp năm 1919, kết thúc là bản Tuyên ngôn độc lập, viết tại Thủ đô Hà Nội, mùa thu năm 1945. Nội dung tập sách phản ánh quá trình chuyển biến trong tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội khoa học, đánh dấu bước nhảy vọt ở Nguyễn Ái Quốc về quan điểm lý luận, về đường lối, phương pháp cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tính đúng đắn của lý luận và đường lối cách mạng do Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đề ra đã được thắng lợi của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam chứng minh vào mùa thu năm 1945.
Những bài và tác phẩm trong tập sách này còn phản ánh cuộc đời hoạt động vô cùng phong phú của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ khi ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc rồi về nước, trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn; trên nhiều cương vị: người dân mất nước, người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giải phóng dân tộc, thành viên của Quốc tế Cộng sản, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vị Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam độc lập. Thời gian hoạt động một phần tư thế kỷ (1919 -1945) của Hồ Chí Minh rất gian lao nhưng vô cùng oanh liệt, được khắc họa bằng những tư tưởng lớn, những luận điểm cách mạng sáng tạo của Người.
Trước hết phải kể đến những bài và tác phẩm của Hồ Chí Minh về Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, về Lênin và Quốc tế Cộng sản. Có thể nói, chính những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc đã đưa Người đến với Luận cương của Lênin, với Đảng Cộng sản Pháp, đến với đất nước của Lênin và trở thành thành viên của Quốc tế Cộng sản. Tiếp sau đó là những hoạt động sôi nổi phong phú của Người nhằm bảo vệ những tư tưởng của Lênin, của Quốc tế Cộng sản và tuyên truyền những tư tưởng ấy trong phong trào công nhân, phong trào yêu nước của các dân tộc thuộc địa. Trong nhiều bài và tác phẩm, Người đánh giá cao công lao của Lênin đối với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa: “Lênin là người đầu tiên đã hiểu và đánh giá hết tầm quan trọng lớn lao của việc lôi cuốn nhân dân các nước thuộc địa vào phong trào cách mạng. Lênin là người đầu tiên đã chỉ rõ rằng, nếu không có sự tham gia của các dân tộc thuộc địa, thì cách mạng xã hội không thể có được”. Trong bài Lênin và các dân tộc thuộc địa,Người viết: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Về vai trò của Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác – Lênin đối với sự nghiệp giải phóng nhân loại, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải làm theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”. Trong nhiều tài liệu gửi Ban phương Đông và Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Người đã trình bày về nguyện vọng và những điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao phó: “Từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau ba tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi”.
Các bài và tác phẩm trong tập 1 cho thấy, đối với Nguyễn Ái Quốc đầu những năm 20 của thế kỷ XX, sự tố cáo tội ác bọn thực dân và khám phá con đường đấu tranh để giải phóng các thuộc địa chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Người đã bóc trần bản chất bóc lột, tham tàn của các “nhà khai hóa”, lên án “công lý” của bọn thực dân. Người nêu một luận điểm cực kỳ sâu sắc: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”.
Không dừng lại ở việc tố cáo tội ác bọn thực dân, vạch mặt bọn phản dân hại nước, Người đã chỉ ra mối liên hệ giữa cách mạng giải phóng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc; chỉ ra sự liên minh chiến đấu tất yếu giữa nhân dân, giai cấp vô sản ở thuộc địa với nhân dân, giai cấp vô sản ở chính quốc vì mục đích giải phóng thuộc địa, giải phóng cả loài người khỏi ách áp bức của chủ nghĩa tư bản. Người đã cảnh báo tình trạng biệt lập giữa các quốc gia, sự thiếu lý luận cách mạng đang cản trở bước tiến của sự nghiệp giải phóng thuộc địa. Từ đó, Người sớm chỉ ra sự liên minh chiến đấu giữa giai cấp vô sản ở phương Đông và phương Tây, giữa các nước phương Đông với nhau như là một điều kiện cần thiết cho công cuộc giải phóng thuộc địa, giải phóng giai cấp vô sản. Trong bài Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa, Người viết: “Làm cho đội tiên phong của giai cấp vô sản các nước thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản ở phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này, chỉ có sự hợp tác đó mới có thể đảm bảo cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng”. Về sự liên minh, hợp tác giữa các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta biết rằng, các dân tộc bị áp bức trên thế giới hiện nay có Ai Cập, Marốc, Xyri, An Nam, Trung Quốc và rất nhiều nước khác. Cho nên, chúng ta phải liên hiệp lại, cùng nhau chống chủ nghĩa đế quốc”. Đối với các dân tộc phương Đông, Người cho rằng giai cấp vô sản ở đây cần phải nhận thức đúng đắn về lý luận và phải thể hiện trên hành động thực tế là: “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cải cánh của cách mạng vô sản”. Đặc biệt sáng tạo là luận điểm của Hồ Chí Minh khẳng định vai trò tích cực và chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa trong quan hệ với cách mạng vô sản ở chính quốc: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”.
Không dừng lại ở mục tiêu giải phóng thuộc địa, các bài và tác phẩm trong tập sách này còn chỉ ra con đường phát triển tiếp theo của cách mạng giải phóng thuộc địa, đó là con đường cách mạng vô sản. Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”.
Mục đích trước hết của Hồ Chí Minh là giải phóng đồng bào, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột thực dân, phong kiến. Sau khi bắt gặp chân lý cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lênin, Người nghĩ ngay đến việc tìm đường về nước để tổ chức cuộc đấu tranh nhằm giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Trong bức thư chia tay bí mật với những người bạn cùng hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta”… Từ đó, Người đặt vấn đề:
“Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.
Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.
Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Quyết định lịch sử ấy, ngay từ đầu đã toát lên tinh thần sáng tạo cách mạng vừa đáp ứng kịp thời đòi hỏi của cách mạng Việt Nam vừa khơi gợi cho bạn bè quốc tế cùng cảnh ngộ. Nhiệm vụ lịch sử ấy đối với dân tộc được Nguyễn Ái Quốc thực hiện trong nhiều năm, bắt đầu bằng những lớp huấn luyện cán bộ do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, mở ra ở Quảng Châu (Trung Quốc). Thực chất những lớp huấn luyện chính trị này là sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về nước, là chuẩn bị đội ngũ cán bộ cách mạng đầu tiên, là quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930 là kết quả Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản do Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện tuy vắn tắt nhưng chứa đựng khá đầy đủ những vấn đề chiến lược, sách lược cơ bản, xuyên suốt con đường cách mạng nước ta. Đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những văn kiện do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua trở thành cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 chấm dứt thời kỳ khủng hoảng đường lối cứu nước, tạo ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam.
Từ cuối những năm 20 đến giữa những năm 30, những người cộng sản Việt Nam được Quốc tế Cộng sản giúp đỡ rất nhiều. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đã có lúc hoạt động của Quốc tế Cộng sản bị ảnh hưởng bởi đường lối “tả khuynh” biệt phái, đặc biệt là trên vấn đề quan hệ giai cấp – dân tộc. Tình hình đó không khỏi ảnh hưởng đến việc hình thành đường lối của những người cộng sản Đông Dương, gây khó khăn cho một số hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Vào những năm 1930-1940, tuy phải hoạt động bí mật ở nước ngoài, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chủ động giữ mối liên hệ với Quốc tế Cộng sản, với Đảng và phong trào cách mạng trong nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Những bức thư, báo cáo gửi Ban phương Đông, Ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản và gần 10 bức Thư từ Trung Quốc gửi về nước của Hồ Chí Minh (bút danh Lin, P.C Lin) đã chứng tỏ điều đó. Trong bối cảnh khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế, từ nước ngoài Người đã bí mật liên hệ với Ban lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở, đường lối đúng đắn của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935), Người đã nêu ra mục tiêu, những hình thức đấu tranh phù hợp với tình hình lúc đó (1939): “Lúc này, Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi qúa cao (độc lập dân tộc, nghị viện, v.v.)… Chỉ nên đòi hỏi các quyền dân chủ, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do báo chí và tự do ngôn luận, đòi ân xá toàn thể chính trị phạm, đấu tranh để Đảng được hoạt động hợp pháp”.
Đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Việc quan trọng của Người sau khi về nước là chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng (5-1941), xác định nhiệm vụ bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là giải phóng dân tộc. Mặt trận Việt Minh ra đời nhằm tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh viết Kính cáo đồng bào: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. Người khẳng định: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”. Để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương tám, Hồ Chí Minh viết nhiều bài và tác phẩm: Mười chính sách của Việt Minh, Lịch sử nước ta, Chiến thuật du kích…
Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1 tuyển chọn một số bài từ Nhật ký trong tù. Đây là những bài tiêu biểu phản ánh các mặt trí, nhân, dũng của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Từ sau khi ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, trở về nước, Hồ Chí Minh cùng Đảng ta chuẩn bị tích cực mọi mặt cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, biên dịch tác phẩm Phép dùng binh của ông Tôn Tử… Tháng 10-1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Tháng 8-1945, khi thời cơ đến, Hồ Chí Minh kêu gọi “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi đã chứng minh rực rỡ tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò chủ động của cách mạng thuộc địa được Người chỉ ra từ đầu những năm 20 thế kỷ XX.
Tuyên ngôn độc lập, kiệt tác của Hồ Chí Minh, kết thúc tập 1 Hồ Chí Minh Tuyển tập. Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân tộc tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Những bài và tác phẩm của Hồ Chí Minh được chọn vào tập sách này còn phản ánh nhiều mặt khác trong tư tưởng của Người như về đoàn kết quốc tế, về văn hoá, đạo đức… và về cuộc đời hoạt động vô cùng gian lao, phong phú của Người trong thời gian gần một phần tư thế kỷ.
Mặc dầu đã có nhiều cố gắng, song Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 1, xuất bản lần thứ ba khó tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi mong được bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau có chất lượng cao hơn.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.