Tháng 7, ngày 4
Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự tiệc do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh chiêu đãi phái viên của Tổng thống Pháp Gi. Xanhtơny. Người hỏi thăm gia đình và nhờ chuyển đến các con
Gi. Xanhtơny những cái hôn thắm thiết.
Về việc Pháp sẽ làm trung gian trong cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, Người nói: “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ biết rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng dù phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nhưng chừng nào còn một tên Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 59-LCT, cử đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại các nước Cộng hòa Angiêri dân chủ và nhân dân, Cộng hòa Cônggô (Bradavin), Cộng hòa hồi giáo Môritani, Cộng hòa A Rập Yêmen.
– J. Sainteny: Face à Ho Chi Minh, Editions Sheghers, Paris, 1970, p.187.
– Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari, Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 1990, tr.156.
– Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Tháng 7, ngày 5
17 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phái viên của Tổng thống Pháp Gi. Xanhtơny và nhận thư của Tổng thống Pháp S. Đờ Gôn. Người nói với Gi. Xanhtơny về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định cuộc chiến đấu đó sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn: “Chúng tôi biết rõ sức mạnh của kẻ thù. Chúng tôi hiểu rằng bọn Mỹ, nếu chúng muốn, chúng có thể hủy diệt thành phố này, như chúng đã làm đối với các thành phố lớn ở Bắc Bộ như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh và nhiều thành phố khác. Chúng tôi đang đợi chúng đến và chúng tôi sẵn sàng. Nhưng cái đó không làm nhụt ý chí đấu tranh của chúng tôi. Ông hiểu rằng chúng tôi đã có kinh nghiệm và chiến tranh đã được kết thúc như thế nào rồi”.
Người nêu lên nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và khả năng đi tới một giải pháp thương lượng: “Chỉ có một cách đi tới một giải pháp đó là Mỹ rút đi, Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “qu’ils foutent camp!” (Thì họ hãy cút đi!).
– J. Sainteny: Face à Ho Chi Minh, Editions Sheghers, Paris, 1970, p.190.
– Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước Hội nghị Pari, Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 1990, tr.157-158.
Tháng 7, sau ngày 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư qua Gi.Xanhtơny trả lời Tổng thống Pháp S.Đờ Gôn. Người vui lòng về việc Chính phủ Cộng hòa Pháp công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– J. Sainteny: Face à Ho Chi Minh, Editions Sheghers, Paris, 1970, p.188-189.
Tháng 7, ngày 6
Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn cán bộ tỉnh Hà Tĩnh 1). Người chỉ rõ: Hà Tĩnh là tỉnh có vị trí quan trọng đối với cả nước, là hậu phương của miền Nam và là tiền tuyến của miền Bắc. Quân dân Hà Tĩnh cần làm tốt 10 nhiệm vụ sau đây:
1. Chú trọng công tác giao thông vận tải để phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch và chi viện cho chiến trường miền Nam.
2. Xây dựng thủy lợi và áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp.
3. Phát triển trồng cây gây rừng, nhất là trồng cây dọc các tuyến đường giao thông. Phấn đấu trồng cây nào sống cây ấy.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ và cán bộ là phụ nữ.
5. Cán bộ lãnh đạo của tỉnh phải sâu sát phong trào. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Những nơi làm tốt cần tổ chức học tập lẫn nhau.
6. Đảng viên và đoàn viên phải gương mẫu trong mọi công tác.
7. Phải đẩy mạnh phong trào thanh niên và phụ nữ. Thực hiện nam nữ bình đẳng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
8. Xây dựng tình đoàn kết giữa đồng bào không đi đạo và đồng bào đi đạo.
9. Kiên quyết xoá bỏ tình trạng nấu rượu lậu để tiết kiệm lương thực và ngăn chặn tệ nạn xã hội.
10. Lãnh đạo tỉnh và quân dân Hà Tĩnh phải quyết tâm phấn đấu đưa phong trào trong tỉnh ngày càng nổi bật lên.
– Bác Hồ với Hà Tĩnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.86-91.
Tháng 7, trước ngày 7
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện chúc mừng Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Angiêri dân chủ và nhân dân H.Bumêđiên nhân kỷ niệm lần thứ tư ngày Quốc khánh nước này.
– Báo Nhân dân, số 4474, ngày 7-7-1966.
Tháng 7, ngày 8
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện chúc mừng Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ Gi.Xămbu, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ I.Xêđenban nhân dịp các ông được bầu lại giữ chức vụ cũ.
– Báo Nhân dân, số 4476, ngày 9-7-1966.
Tháng 7, ngày 9
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện chúc mừng Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Gi.Xămbu, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ I.Xêđenban nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày Quốc khánh nước này.
Cùng ngày, Người gặp và tiếp tục kiểm tra việc học tập của 11 lưu học sinh Trung Quốc đang học tiếng Việt tại Hà Nội.
– Báo Nhân dân, số 4478, ngày 11-7-1966.
– Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 7, ngày 10
Bài viết Chúng ta phải làm thật tốt việc sơ tán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân dân, số 4477.
Bài báo nêu rõ, việc đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng là một hành động “leo thang” chiến tranh rất điên cuồng và chúng đã bị trừng trị đích đáng. Người chỉ rõ chúng đang “lăm le”tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác. Vì vậy, chúng ta phải làm tốt công tác phòng không, trong đó sơ tán là một việc làm cần thiết. Người nhắc nhở phải có những hình thức thích hợp như sơ tán riêng lẻ, sơ tán tập thể. Tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng phải quan tâm chặt chẽ đến việc sơ tán. Đồng bào sơ tán và đồng bào địa phương phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phải thực hiện câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Đồng bào cả nước phải thương nhau cùng!”
– Báo Nhân dân, số 4477, ngày 10-7-1966.
– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 105-106.
Tháng 7, ngày 12
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:
– Lệnh số 60-LCT, thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Ba cho hai đơn vị đã lập nhiều chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
– Lệnh số 61-LCT, truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba cho giao thông viên hỏa tốc Ngô Văn Phấn thuộc Cục Bưu điện trung ương, Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh, đã nêu cao tinh thần dũng cảm bảo vệ an toàn công văn, tài liệu, bảo đảm hành trình đúng thời gian quy định và đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
– Lệnh số 62-LCT, thưởng 51 Huân chương Chiến công cho 11 đơn vị, 40 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công nhân quốc phòng và thanh niên xung phong đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
– Lệnh số 63-LCT, thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho Tổng đội 41 thuộc Công trình thi công đường dây thông tin ngày 15-6-1966 đã bắn rơi một máy bay Mỹ.
– Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Tháng 7, ngày 13
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đại đội 6, Đại đội 12 thuộc Tiểu đoàn 26 thông tin, Quân chủng Phòng không – Không quân đóng tại ngoại thành Hà Nội. Người hỏi thăm tình hình sức khoẻ, công tác của cán bộ, chiến sĩ và chỉ rõ: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người”.
– Hồ Chủ tịch với bộ đội phòng không – không quân, tài liệu lưu tại Bảo tàng Thông tin, tr.32.
Tháng 7, ngày 16
19 giờ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và kiểm tra công việc học tập của tám lưu học sinh Triều Tiên đang học tiếng Việt tại Hà Nội.
– Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 7, ngày 17
Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Lời kêu gọi nêu rõ Mỹ đang đưa quân ồ ạt vào miền Nam, tăng cường đánh phá miền Bắc trên quy mô lớn. Nhưng chúng đang thất bại nặng nề.
Trước những thử thách ác liệt của chiến tranh, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ, một mặt tăng cường và mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc, một mặt rêu rao lừa bịp về “đàm phán hòa bình”. Người khẳng định Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức. Người tin tưởng cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi cuối cùng.
Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cảm ơn sự giúp đỡ của các nước anh em, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước nêu cao ý chí chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
– Báo Nhân dân, số 4484, ngày 17-7-1966.
– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 107-110.
Tháng 7, ngày 18, 19
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về quyết tâm thực hiện chiến lược giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
– Văn Tiến Dũng: Sổ công tác, bản gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
– Vũ Kỳ: Sổ công tác, tài liệu do đồng chí Vũ Kỳ cung cấp.
Tháng 7, ngày 20
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen bộ đội không quân đã lập công xuất sắc, bắn rơi nhiều máy bay địch và căn dặn không được chủ quan, phải ra sức học tập, rèn luyện về mọi mặt, phải có tinh thần lập công tập thể, phối hợp tốt với nhân dân và các đơn vị chiến đấu khác.
– Báo Nhân dân, số 4489, ngày 22-7-1966.
– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 111.
Tháng 7, ngày 21
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi điện chúc mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan V.Gômunca, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước E.Ôkháp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan I.Xirăngkiêvích nhân kỷ niệm lần thứ 22 ngày Quốc khánh nước này.
– Báo Nhân dân, số 4489, ngày 22-7-1966.
Tháng 7, ngày 22
Từ 6 giờ đến 11 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về chủ trương tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.Từ 14 giờ đến 16 giờ, Người nghe đại tá Lê Ngọc Hiền, Cục tác chiến Bộ Quốc phòng, báo cáo tình hình Mặt trận Trị Thiên – Huế.
– Văn Tiến Dũng: Sổ công tác, bản gốc lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
– Vũ Kỳ: Sổ công tác, tài liệu do đồng chí Vũ Kỳ cung cấp.
Tháng 7, ngày 23
Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng nghe báo cáo tình hình và nhận định âm mưu của địch đối với miền Bắc.
– Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
Tháng 7, ngày 26
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:
– Lệnh số 64-LCT, thưởng 21 Huân chương Lao động cho 21 đơn vị và địa phương đã hoàn thành xuất sắc công tác bổ túc văn hoá trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
– Lệnh số 65-LCT, thưởng sáu Huân chương Lao động hạng Ba cho các địa phương đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động hai năm (1964-1965) thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
– Lệnh số 66-LCT, thưởng hai Huân chương Quân công, 94 Huân chương Chiến công cho 53 đơn vị, 43 cán bộ và chiến sĩ quân đội, dân quân tự vệ và công nhân quốc phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu; truy tặng bảy Huân chương Chiến công cho bảy liệt sĩ.
– Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Tháng 7, trước ngày 27
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7), Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho ba thương binh đã phát huy truyền thống quân đội, lập nhiều thành tích trong sản xuất và công tác.
– Báo Nhân dân, số 4494, ngày 27-7-1966.
Tháng 7, ngày 28
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký:
– Lệnh số 67-LCT, thưởng 28 Huân chương Chiến công cho ba đơn vị, 25 cán bộ chiến sĩ quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu.
– Lệnh số 68-LCT, truy tặng 57 Huân chương Chiến công cho 57 liệt sĩ.
– Lệnh lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Tháng 7, ngày 29
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi quân dân Nghệ An đã lập công xuất sắc; tính đến ngày 28-7-1966 đã bắn rơi hơn 200 máy bay địch, trong đó có chiếc thứ 300, 500 và 900 bị bắn rơi trên miền Bắc. Người căn dặn quân dân Nghệ An chớ vì thắng lợi mà chủ quan, phải phát huy truyền thống cách mạng, lập nhiều thành tích hơn nữa trong sản xuất và chiến đấu.
– Báo Nhân dân, số 4497, ngày 30-7-1966.
– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 112.
Tháng 7, trước ngày 30
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho bốn chiến sĩ công an nhân dân có nhiều thành tích trong chiến đấu.
– Báo Nhân dân, số 4497, ngày 30-7-1966.
Tháng 7, trước ngày 30
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chào mừng Hội nghị thế giới lần thứ 12 chống bom nguyên tử và khinh khí 2).
Người nêu rõ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nhật Bản đòi triệt để cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, huỷ bỏ các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật và bày tỏ sự cảm ơn chân thành nhân dân và các lực lượng dân chủ tiến bộ ở Nhật Bản ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
– Báo Nhân dân, số 4497, ngày 30-7-1966.
– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr. 113.
Tháng 7, ngày 30
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tặng ba củ sâm cho đồng chí Nguyễn Xuân Hữu 3), Uỷ viên Thường vụ Liên khu uỷ Liên khu V trước khi đồng chí trở về miền Nam công tác. Người tự đánh máy lời hướng dẫn cách dùng: “Phải xắt lát rồi sao khử thổ, hơi vàng, mỗi củ chia làm ba gói; mỗi lần uống một gói, trước khi uống phải cho vào cốc sành đổ vào độ một phần tư nước, đậy kín chưng cách thuỷ độ chừng hai đến ba tiếng đồng hồ, đun lửa vừa cho được nước, mỗi ngày uống ba lần trước khi ăn độ một giờ”.
– Bác Hồ trong lòng dân Khánh Hoà, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà, 1990, tr. 118.
Tháng 7, trong tháng
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Angiêri và phong trào hoà bình nước này đã ủng hộ Lời kêu gọi ngày 17-7-1966 của Người.
– Bản sao bức điện lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 7, trong tháng
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh động viên cục bộ, động viên một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ dự bị tham gia quân đội để tăng cường lực lượng quốc phòng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
– Việt Nam – Những sự kiện (1945-1986), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 273.
Nguồn: dangcongsan.vn
Vkyno (st)
Bạn phải đăng nhập để bình luận.