QĐND – NSƯT Thu Phòng kể: “Lần đầu tiên chồng tôi-NSƯT Tiến Mộc được chọn đóng vai Bác, sau khi hóa trang xong, bên cánh gà đang nhộn nhịp người ra vào bỗng dưng im phăng phắc, vài người bạo dạn tiến đến vuốt lên chòm râu, chạm vào vạt áo… tôi ngước nhìn: Trước mắt mình phải chăng là… Bác Hồ kính yêu? Khoảnh khắc ấy có gì đó vô cùng thiêng liêng”.
Là một trong 6 nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên đóng vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Mộc vinh dự được chọn vào vai Bác với cảnh Người xuất hiện giữa các chiến sĩ trong Chiến dịch Biên giới (năm 1950). Chia sẻ về cảm xúc lần được chọn diễn vai lãnh tụ, NSƯT Tiến Mộc nhớ lại: “Được chọn vào vai lãnh tụ với hoạt cảnh ngắn nhưng khi ấy tôi không sao nén nổi cảm giác vừa tự hào xen lẫn lo lắng. Tôi thức trắng nhiều đêm, đọc sách, xem phim tư liệu để nắm được thần thái của Bác, từ cách Người đi đứng, trò chuyện… Đặc biệt là giọng nói của Bác, tôi phải tập đi tập lại nhiều lần. Mãi đến khi sân khấu khép màn, khán giả vỗ tay, tôi mới như sực tỉnh”… Chuyện Tiến Mộc đóng vai Bác Hồ cho đến nay vẫn được anh em Nhà hát Kịch nói Quân đội kể lại với nhiều chi tiết thú vị: Một lần, ông đóng vai quyền bí thư Tỉnh ủy còn vai Bác được một nghệ sĩ khác đóng. Tiến Mộc vào vai nọ nhưng lại luôn “nhòm ngó” và mê mẩn vai kia và nhân vật Bác cuốn hút chàng diễn viên trẻ từ ngày ấy. Sau này, được chọn, Tiến Mộc càng thấm thía câu dặn dò của diễn viên tiền nhiệm: Vinh dự đóng vai Bác Hồ luôn đi kèm trọng trách lớn lao…
NSƯT Tiến Mộc và các diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội trong lần biểu diễn tại thị trấn Khe Tre huyện Nam Đông, Thừa-Thiên Huế.
Lần khác, Tiến Mộc được chọn vào vai Bác Hồ là trong vở kịch: “Cái chết chẳng dễ dàng gì” – Vở diễn có nội dung đề cao giá trị nhân văn, xây dựng hình tượng người chiến sĩ anh hùng trong chiến tranh, phê phán cái xấu cái thấp hèn, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Tác phẩm đã giành được nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan sân khấu. Khi ấy ông đã ngoài 40 tuổi – lứa tuổi mà ông thừa nhận là điềm tĩnh hơn, hiểu về lãnh tụ nhiều hơn trước. Có lẽ chính vì thế mà vai diễn ấy của ông có sức ảnh hưởng trong lòng khán giả sâu đậm hơn.
Sinh năm 1952, tại Hải Hậu, Nam Định, Tiến Mộc nhập ngũ năm 1970, khi trong lòng còn vẹn nguyên nỗi bàng hoàng, thương tiếc vị Cha già dân tộc vừa mới qua đời. Vào bộ đội rồi làm diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội (Nhà hát Kịch nói Quân đội hiện nay), đến nay, ông đã trải qua hơn 40 năm đắm đuối với nghiệp diễn, 80 vai diễn và 8 lần đoạt giải ở các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân. Ông tâm sự: “Cả đời diễn viên, tôi từng đóng nhiều vai, từ phản diện đến chính diện, từ nông dân đến cán bộ. Đóng xong vai nào thì cố “quên” đi để vào vai khác. Nhưng vai lãnh tụ Hồ Chí Minh thì cả đời chẳng thể nào quên. Với tôi, đây có lẽ là vai duy nhất diễn xong rồi mà vẫn còn nguyên cảm giác thiêng liêng, tự hào”.
Tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp năm 2012, dù đã nghỉ hưu nhưng NSƯT Tiến Mộc vẫn được mời tiếp tục đóng vai Bác Hồ trong một vở diễn phục vụ nhân dân thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, Thừa-Thiên Huế. Vở kịch đã đem lại cảm xúc sâu sắc cho bà con nhân dân vùng cao Nam Đông. Với ông, đó là chuyến đi vô cùng đặc biệt: “Tôi nhận lời lên đường dù biết mình đã có tuổi, sức khỏe không còn dẻo dai nữa, nhưng vai Bác Hồ đã trở thành niềm động viên, khích lệ tôi hoàn thành công việc. Khi thực hiện chương trình, Nhà hát Kịch nói Quân đội gặp rất nhiều khó khăn, từ việc dựng sân khấu ngoài trời, khắc phục sự cố thiết bị âm thanh, ánh sáng… nhưng với tinh thần nghệ sĩ-chiến sĩ nên anh em diễn viên đã vượt lên mọi khó khăn. Vở diễn đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào cho bà con dân tộc vùng cao. Và đáp lại sự nhiệt tình của nghệ sĩ là một sân khấu chật kín khán giả cùng những tiếng vỗ tay không ngớt”.
NSƯT Tiến Mộc. Ảnh: Nam Điền.
Hình tượng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đã nâng bước cho NSƯT Tiến Mộc trưởng thành hơn. Từ vai diễn, ông được khán giả mến mộ, được đồng nghiệp tin tưởng kỳ vọng và khiến bản thân ông cũng tự nhủ cần sống, làm việc sao cho xứng đáng với Bác. Đại tá, NSƯT Tiến Mộc khẳng định: “Vào vai Bác Hồ, quan trọng là cái tâm của người nghệ sĩ. Cái tâm ấy chính là lòng yêu nước, yêu dân tộc và sự kính trọng tột đỉnh dành cho Bác thì mới thể hiện được nét bình dị, chân thành trong tâm hồn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc…”.
LỮ THỊ MAI
Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)