Ngày 9 tháng 11: “Bản Hiến pháp đầu tiên của nước nhà”

123th Anniversary of Uncle Ho

Thứ hai, 09/11/2009, 02:00 (GMT+7)

Cách đây 89 năm, ngày 9-11-1920, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đã tham dự một cuộc mít tinh do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nước Nga Xô viết.

Ngày 9-11-1923, báo La Vie Ouvrière (Đời sống Thợ thuyền) đăng 3 bài báo của cùng một tác giả là Nguyễn Ái Quốc. Bài “Chính sách thực dân Anh”, bài “Phong trào công nhân” và bài “Nhật Bản”, cho thấy mối quan tâm của nhà cách mạng Việt Nam đối với phong trào vô sản quốc tế.

Ngày 9-11-1946, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự kiện đã thông qua Hiến pháp: “Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa… Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”. Cùng ngày Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi bức điện mừng đầu tiên tới Chính phủ Liên Xô chúc mừng kỷ niệm lần thứ 29 ngày Cách mạng Tháng Mười Nga.

Ngày 9-11-1949, trong thư gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng, Bác viết: “Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn ta mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn đã đánh thắng giặc Nguyên, đã để lại cho chúng ta một nước tự do, độc lập. Thì ngày nay chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh tan giặc Pháp, quyết tranh lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta…”. Bác còn căn dặn: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng…”.

Ngày 9-11-1950, từ Chiến khu Việt Bắc, Bác gửi điện cho dòng họ Nguyễn Sinh sau khi nhận được tin anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời tại quê nhà. Toàn văn bức điện viết: “Gửi họ Nguyễn Sinh. Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu tội “bất đễ” trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Ngày 9-11-1964, đến thăm Trung đoàn Không quân 921, Đoàn Sao Đỏ bảo vệ bầu trời thủ đô, Bác huấn thị: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là các chú… Nghệ thuật đánh địch của Việt Nam rất độc đáo. Vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành được hiệu suất cao. Phải phát huy cách đánh truyền thống của ta. Không ngại không quân địch hiện đại. Hãy bắt chước chiến sĩ đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh”.

D.T.Q và nhóm cộng sự
sggp.org.vn

Advertisement