Thứ tư, 07/10/2009, 01:51 (GMT+7)
Cách đây 88 năm, ngày 7-10-1921, trên Báo Le Libertaire đăng bài “Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ của các anh” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bằng một giọng văn châm biếm, tác giả tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp và mỉa mai kết luận: “Ôi! nước Pháp, nếu người biết chúng tôi được che chở như thế nào, người sẽ kiêu hãnh là những kẻ bảo hộ chúng tôi”.
Ngày 7-10-1945, Bác dự lễ khai mạc Triển lãm văn hóa. Đánh giá hoạt động văn hóa dưới thời thuộc địa, Bác cho rằng: “Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố thở, cố tìm cách phát triển…” và cổ vũ: “Văn hóa là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được… Giới văn hóa cũng phải cùng giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên!”.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”. Trong đó, Bác phê phán: “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi v.v… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”.
Ngày 7-10-1949, sau phiên họp Chính phủ, Bác chủ tọa buổi đón tiếp phái đoàn Nam bộ vừa ra Bắc. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “Tất cả 25 anh chị em (có 2 phụ nữ) lần lượt vào phòng họp. Hồ Chủ tịch bắt tay anh trưởng đoàn… Ai nấy tỏ sự cảm động khi nghe báo cáo trình bày tường tận sự gian lao của cuộc chiến đấu trong Nam. Cha Phạm Bá Trực thay mặt Quốc hội và Hồ Chủ tịch thay mặt chánh phủ tỏ lời hoan nghênh đoàn đại biểu, khen ngợi tinh thần dũng cảm của đồng bào và chiến sĩ Nam bộ… Một cuộc vui lửa trại có sự tham gia rộng rãi của các em nhi đồng làm cho cuộc sum họp Trung Nam Bắc thêm đậm đà thân mật. Những bài đồng ca… làm rung chuyển một góc rừng, rung chuyển mọi quả tim, sôi nổi bao tâm hồn đầy khí phách…”.
Ngày 7-10-1954, trong lời điếu linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Bác bày tỏ: “Với lòng vô cùng thương tiếc một nhà tận tụy ái quốc và một người bạn thân mến, trước linh hồn cụ, chúng tôi nguyện kiên quyết một lòng, đoàn kết toàn dân để làm trọn sự nghiệp mà cụ suốt đời mong muốn, tức là: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.
Ngày 7-10-1965, nhân đến mừng quốc khánh tại Sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức ở Hà Nội và tiếp nữ nhà báo Đức I.Faber, người đã cùng chồng dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức. Trong câu chuyện trao đổi, Bác nói: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng. Viết một tác phẩm như vậy trong thời đại của ông là dũng cảm lắm… Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.