Thứ ba, 06/10/2009, 04:47 (GMT+7)
Cách đây 64 năm, ngày 6-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo để tuyên bố các chính sách ngoại giao và nội trị của nước Việt Nam mới.
Với Trung Hoa, Chủ tịch khẳng định: “Hai bên vẫn giữ được tình thân thiện… Hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị, thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân”; “Với Mỹ, những phái bộ Mỹ đến Việt Nam đã tỏ rõ với Chính phủ lâm thời một cảm tình đặc biệt. Đó là thứ cảm tình giao tế quân nhân phái bộ Mỹ đối với mình”; “Với Pháp – rất đơn giản là Chính phủ Pháp buộc phải công nhận nền độc lập nước ta. Được thế, về vấn đề khác cũng có thể giải quyết rất dễ dàng”.
Về nội trị, người đứng đầu nhà nước xác nhận: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân… Nước ta đã là một nước Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đã ở trong tay dân, nhân dân hoan nghênh người có tài, có đức gánh vác cho dân được thì người đó đảm nhận trách nhiệm…”. Bác đưa ra một đánh giá xác đáng về cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945: “Có một điều chúng ta đáng mừng là cách mạng Việt Nam đã có một số ưu điểm so với cách mạng các nước Nga, Tàu, Pháp. Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” đề cập đến nhiều vấn đề trong đời sống kháng chiến và phẩm chất cán bộ. Trong tiểu mục “Bệnh chủ quan”, Bác viết: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông… Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi… Có kinh nghiệm mà kém lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ… Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học phải hành”.
Ngày 6-10-1950, Bác gửi điện tới các chiến sĩ Mặt trận Cao-Bắc-Lạng sau khi Đông Khê được giải phóng với lời cổ vũ: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ. Bác sẽ có giải thưởng đặc biệt cho những bộ đội và chiến sĩ nào lập chiến công nhiều nhất”.
Tháng 10-1954, Bác viết thư căn dặn các chiến sĩ chuẩn bị tiếp quản thủ đô: Chớ kiêu ngạo tự mãn, rượu chè, lộ bí mật, xa xỉ, tham ô, lãng phí, phải kính trọng dân, khiêm tốn, trong sạch và phải thực hiện cần, kiệm, liêm chính để hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng phức tạp.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.