Ngày 10 tháng 10, “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân”

123th Anniversary of Uncle Ho

Thứ bảy, 10/10/2009, 02:44 (GMT+7)

Cách đây 86 năm, ngày 10-10-1923, Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân: “Nông dân trong các thuộc địa của Pháp bị hai tầng bóc lột: vừa như những người vô sản, vừa như những người bị mất nước… Thưa các đồng chí, khi các đồng chí được tổ chức lại, các đồng chí cần phải nêu gương cho chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi, dang rộng cánh tay anh em đón chúng tôi để chúng tôi cũng có thể bước vào gia đình vô sản quốc tế”.

Ngày 10-10-1929, Tòa án Nam triều tại Vinh ra phán quyết về việc xét xử Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, trong đó quyết định sẽ xét xử sau khi bị bắt, Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành (Tòa án tỉnh kết án “tử hình” còn Cơ mật viện là “khổ sai chung thân”).

Ngày 10-10-1942, Hồ Chí Minh bị Quốc dân Đảng Trung Hoa giải từ Tĩnh Tây sang Thiên Bảo. Trên đường đi Bác đã làm bài thơ chữ Hán “Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo” (Ngày Quốc khánh 10-10 bị giải đi Thiên Bảo), bản dịch ra quốc ngữ của Nam Trân: “Nhà nhà hoa kết với đèn giăng/Quốc khánh vui reo cả nước mừng/Lại đúng hôm nay ta bị giải/Oái oăm gió cản cánh chim bằng”.

Ngày 10-10-1947, Báo Vệ quốc quân đưa tin Bác đến dự bế mạc lớp bổ túc cán bộ quân sự trung cấp và căn dặn: “Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi, song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có năm điều: Trí-Tín-Nhân-Dũng-Liêm. Ngoài ra phải biết tự phê bình và phê bình, phải thật thà đoàn kết và biết giữ kỷ luật”.

Ngày 10-10-1954, Bác ra “Lời kêu gọi nhân ngày thủ đô giải phóng”: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời thủ đô kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể… Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân…”.

Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị dự thảo “Luật Hôn nhân và gia đình”, Bác tâm sự: “Có người nghĩ rằng Bác không có gia đình, chắc không hiểu mấy vấn đề này. Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam. Từ gia đình lớn đó, Bác có thể suy đoán được gia đình nhỏ… Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người… Mong các cô, các chú cố gắng, bền gan, hiểu rõ và làm tốt. Nhất là phải thận trọng vì luật này quan hệ đến tương lai của gia đình, của xã hội, của giống nòi”.

Ngày 10-10-1962, trong buổi chiêu đãi Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Bành Chân, Bác ứng khẩu đọc câu thơ (mượn tứ của bài thơ nổi tiếng của nhà thơ cổ điển Trung Hoa Vương Xương Linh): “Bắc Kinh thân hữu như tương vấn/Nhất phiến đan tâm tại ngọc hồ” (dịch: Bè bạn Bắc Kinh ai hỏi đến/Một tấm lòng son vẫn như xưa).

D.T.Qvà nhóm cộng sự
sggp.org.vn

Advertisement