Thứ hai, 05/10/2009, 01:05 (GMT+7)
Cách đây 89 năm, ngày 5-10-1920, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Chu Trinh và một số đồng bào Việt Nam khác từ nhà của luật sư Phan Văn Trường đến dự cuộc họp của Ủy ban Đệ Tam Quốc tế, nhóm quận 14, Paris.
Ngày 5-10-1945, Bác viết bài “Tinh thần tự động trong Ủy ban nhân dân” trên Báo Cứu Quốc, phê phán tính máy móc và kém năng động của bộ máy chính quyền. Bài báo kết luận: “Các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện”.
Tháng 10-1947, Bác viết “Thư gửi những người Nam bộ trong quân đội Pháp” để khẳng định: “Đồng bào Nam bộ có tiếng rất yêu nước, rất anh hùng. Cuộc kháng chiến anh dũng hơn 2 năm nay đã chứng rõ điều đó. Có những đồng bào Nam bộ muốn giúp nước bởi một con đường khác: họ theo vào quân đội Pháp, để giúp ta từ bên trong… Vậy, những đồng bào đó, lúc còn ở trong quân đội địch, thì cần phải tìm mọi cách để giúp quân đội ta. Khi có cơ hội thì lập tức chạy qua với bộ đội ta. Chính phủ và đồng bào luôn luôn sẵn sàng hoan nghênh các bạn”.
Tháng 10-1953, Bác Hồ nói chuyện với Hội nghị cán bộ vùng địch hậu nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng nhân dân: “Đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục, giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được. Làm được như vậy thì phá được một phần âm mưu của địch và rất có lợi cho việc đoàn kết nhân dân để kháng chiến… Ngụy binh là đồng bào ta bị địch mê hoặc. Nếu ta vận động khéo, giáo dục cho họ rõ mưu mô của giặc “dùng người Việt đánh người Việt” thì ta có thể làm tan rã hàng ngũ ngụy binh, phá âm mưu của địch và thu nhiều thắng lợi”…
Cũng trong tháng 10-1953, Bác gửi thư tới thanh niên Pháp dự Đại hội Liên hoan Thanh niên thế giới họp tại Bucarest (Rumani). Thư nói rõ: “Chỉ có bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi chính nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam… Chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hòa bình, vì lợi ích chân chính của cả hai nước chúng ta”.
Ngày 5-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của Báo Ashahi Simbun, lần đầu xác định rõ quan điểm của Chính phủ ta trong quan hệ với Nhật Bản: “Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt-Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hòa bình là quý hơn hết… Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mong muốn nhân dân hai nước luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển… Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước chúng ta”.
Ngày 5-10-1968, đến thăm và nói chuyện với Hội nghị tổng kết lần thứ nhất Bộ đội Đặc công, Bác tặng binh chủng này 16 chữ: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.