Trọn đời đồng đội tìm nhau

Trong một trận đánh không cân sức giữa 20 chiến sĩ ta và gần 200 lính Mỹ ở điểm cao 300 Đất (Quảng Trị), Trung đội trưởng Đào Văn Phê tổ chức lui quân thì thấy thiếu trinh sát Trần Văn Hải. Mặc cho pháo cầy, đạn xé, Đào Văn Phê quay lại trận địa tìm Trần Văn Hải. Lúc ấy, Hải bị thương đã được anh tìm thấy và chuyển về tuyến sau an toàn. Hòa bình lập lại, gần 35 năm Trần Văn Hải đi tìm người đã cứu mình mà không có thông tin gì ngoài cái tên: Đào Văn Phê.

Vượt đạn bom tìm cứu đồng đội

Đầu năm 1969, Tiểu đoàn K3-Tam Đảo chúng tôi tác chiến trên Mặt trận Quảng Trị. Chúng tôi triển khai lực lượng bám đánh địch ở khu vực điểm cao 300 Đất, 300 Đá Làng Tre, Đồi Hành, Đồi Hòm, 544 và 1008. Khoảng 16 giờ  ngày 19-3-1969, địch cho rất nhiều máy bay loại N19, VO10 quần đảo rồi bất ngờ phóng liền ba quả pháo khói xuống cao điểm 300 Đất. Lập tức từng tốp, từng tốp phản lực F4H lao xuống đánh bom dữ dội. Pháo của địch ở các căn cứ quanh đó cũng bắn dồn dập vào đây.

Trung đội 3, Đại đội 11 do Trung đội trưởng Đào Văn Phê đang ém quân gần đó nhận định: Địch đánh phá dọn bãi dữ dội thế này rất có thể bọn Mỹ sẽ đổ quân. Sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Đại đội trưởng Đỗ Văn Mến, Trung đội 3 do trinh sát tiểu đoàn Trần Văn Hải dẫn đường, bí mật cơ động lực lượng áp sát cao điểm 300 Đất. Đúng như dự đoán, sau gần 30 phút đánh phá, khoảng một đại đội Mỹ được hơn 10 lần chiếc trực thăng H34 chở ồ ạt đổ quân xuống điểm cao 300 Đất. Quân Mỹ vừa tiếp đất, Trung đội trưởng Đào Văn Phê lệnh cho cả trung đội nổ súng. Hàng loạt lựu đạn, thủ pháo tới tấp ném vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch rối loạn. Trận đánh diễn ra mau lẹ, nhiều tên địch bị tiêu diệt ngay tại trận địa. Do chênh lệch về lực lượng, Trung đội 3 lúc đó chỉ có 20 đồng chí kể cả trinh sát, trong khi quân Mỹ khoảng 200 tên, nên sau khi nổ súng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, Trung đội trưởng Đào Văn Phê lệnh cho trung đội rời khỏi trận địa nhằm bảo toàn lực lượng.

Cựu chiến binh Trần Văn Hải và Đại tá Đào Văn Phê (bên phải) trong ngày gặp lại.

Về đến vị trí tập kết, điểm lại quân số, Đào Văn Phê phát hiện còn thiếu đồng chí trinh sát tiểu đoàn Trần Văn Hải. Lúc này, sau khi bị đánh bất ngờ, bọn Mỹ bắt đầu gọi pháo, máy bay đánh phá ác liệt xung quanh khu vực điểm cao 300 Đất. Bom, pháo của địch đánh ngay cả vào hậu cứ của Trung đội 3. Khói lửa ngút trời. Lau sậy cháy ngùn ngụt. Không một chút do dự, Trung đội trưởng Đào Văn Phê lập tức quay trở lại điểm cao 300 Đất dưới làn mưa bom, bão đạn của địch để tìm Trần Văn Hải. Sau một hồi tìm kiếm, Đào Văn Phê gặp Trần Văn Hải đang nằm bất tỉnh dưới một hố pháo, máu lênh láng mặt đất. Biết Hải bị thương vào lưng, anh Phê bình tĩnh lấy băng cá nhân băng tạm vết thương để cầm máu, rồi đưa Hải lên lưng mình băng qua bom đạn về cứ. Sau đó, Trần Văn Hải được chuyển tiếp qua các viện quân y điều trị, ra Bắc và về phục viên với tỷ lệ thương tật 4/4.

Gần 35 năm đi tìm ân nhân

Thời gian trôi đi, Trần Văn Hải về quê lấy vợ, sinh con, nhưng anh không thể quên trận đánh ngày 19-3-1969 ở điểm cao 300 Đất và Đào Văn Phê – người đồng đội đã băng qua lửa đạn cứu sống mình. Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán, anh Hải lại cơm đùm, cơm nắm đi tìm đồng đội, ân nhân dù việc này giống như mò kim đáy biển. Chỉ biết mỗi tên người cứu mình, anh Hải dò la được tin tức gì về Đào Văn Phê là lại khăn gói lên đường. Giáp Tết năm 2004, một người bạn cũ cho biết: hình như Đào Văn Phê quê ở Hải Hưng (?). Thế là ăn tết xong, Hải thuê xe ôm tiếp tục hành trình đi tìm ân nhân.

Trần Văn Hải quyết định đi tỉnh Hưng Yên trước. Một ngày rong ruổi khắp các nẻo đường lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đến đâu, gặp ai anh cũng hỏi nhưng chẳng có manh mối gì. Thấm mệt sau một ngày “hành quân”, anh cùng người xe ôm đồng hành rẽ vào một quán ăn bên đường. Trong lúc trò chuyện, Trần Văn Hải vắn tắt kể cho bác chủ quán nghe chuyện đi tìm ân nhân. Nghe đến tên Trần Văn Phê, bác chủ quán cầm lấy tay anh Hải hỏi dồn dập: “Có phải Đào Văn Phê, trước khi nhập ngũ là công nhân mỏ than Khánh Hòa không?”. Trần Văn Hải nghe bác chủ quán nói mà mừng đến rơi lệ. “Ông Phê là chú tôi đấy! Hai bác đi qua xóm chú Phê hơn 10 cây rồi! Nhưng giờ chú tôi và các cháu đang ở trên Hà Nội. Hiện chú mang quân hàm đại tá. Tôi có địa chỉ của chú ấy đây”.

Thế là sau gần 35 năm, Trần Văn Hải mới tìm được địa chỉ của người đồng đội, ân nhân đã cứu sống mình trong trận đánh ở điểm cao 300 Đất. Sau đó ít ngày là cuộc gặp gỡ đầy cảm động tại gia đình Đại tá, cựu chiến binh Đào Văn Phê, nguyên Trưởng phòng Cán bộ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), ở số nhà 24 phố Tây Sơn, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Gặp nhau trong niềm vui trào nước mắt, Trần Văn Hải lấy trong ba lô của mình ra tặng bạn một cân bột sắn dây của nhà trồng được và hai chiến lợi phẩm thu của Mỹ mà anh cất giữ bấy lâu: bộ lập là và bộ cạo râu cánh cụp cánh xòe.

Trần Văn Hải sinh năm 1947, quê ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam, nhập ngũ tháng 12-1967. Đào Văn Phê sinh năm 1948, quê ở xã Hùng An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ tháng 10- 1967.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Hợi
qdnd.vn

Advertisement