Thứ ba, 08/09/2009, 04:28 (GMT+7)
Cách đây 88 năm, ngày 8-9-1921, trên tờ “La Revue Communiste” (Tạp chí Cộng sản) đăng bài “Phong trào cách mạng ở Ấn Độ” của Nguyễn Ái Quốc. Tác giả điểm lại lịch sử phong trào giải phóng của nhân dân Ấn Độ chống chính sách thuộc địa của đế quốc Anh và đặc biệt ca ngợi: “Mahatma Găngđi đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi…”, và nhận định: “Trước làn sóng như vậy, lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở thế nào…”.
Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 về cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sắc lệnh quy định: trong thời hạn 2 tháng sẽ mở một cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội; tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, sẽ thành lập một ủy ban dự thảo Hiến pháp…
Ngày 8-9-1960, Bác cùng các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Wihelm Pieck tại Sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Trong điện chia buồn có đoạn: “Đối với tôi, đồng chí Vihem Pích là một đồng chí tiền bối, một trong những người anh em yêu mến trong đại gia đình những người cộng sản quốc tế. Tôi rất đau đớn và thương tiếc khi được tin đồng chí Vihem Pích qua đời”.
Ngày 8-9-1962, Bác đến dự và nói chuyện tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam. Bác “lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” để đưa ra nhiều nhận xét về nhiệm vụ chính trị và nghiệp vụ làm báo. Bác phê bình: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống” không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin hấp tấp nhiều khi thiếu thận trọng… Báo chí cần khéo lợi dụng vũ khí phê bình và tự phê bình. Nhưng phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm. Mặt khác, cần khuyến khích quần chúng góp ý kiến và phê bình báo”.
Về “khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi không đúng”, Bác nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?… Báo chí của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, cho bài báo của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”.
Cuối cùng, Bác kết luận: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng…”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.