Thứ hai, 07/09/2009, 00:59 (GMT+7)
Cách đây 90 năm, ngày 7-9-1919, một ngày sau khi gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Albert Sarraut tố cáo: “Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện… Vì tôi khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng…”. Đó chính là sự tố cáo chính quyền thực dân đã làm ngơ trước những yêu sách của người dân Việt Nam đã từng được gửi tới Hòa hội Versaille hồi tháng 6-1919.
Ngày 7-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết bài đăng trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống công nhân) tiếp tục đề cập đến chính sách bắt lính thuộc địa và phân tích: “Công nhân Pháp có nhiệm vụ phải hành động. Họ phải kết tình anh em với binh lính bản xứ. Họ phải làm cho binh lính bản xứ hiểu rằng cả công nhân chính quốc lẫn binh lính ở thuộc địa, đều bị chung một bọn áp bức và bóc lột, do đó, họ đều là anh em cùng một giai cấp và khi tới lúc phải chiến đấu, thì cả hai bên đều phải cùng đánh bọn chủ của mình, chứ anh em không nên đánh lẫn nhau”.
Ngày 7-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các phóng viên trong nước. Khi được hỏi về tiểu sử của mình, Bác cho biết: “Từ khi ra đời, tôi đã thấy nước mình bị nô lệ. Không muốn sống cảnh nô lệ nữa, ngay từ thuở thiếu niên, tôi đã đấu tranh để giải phóng đất nước. Có lẽ đó là công lao duy nhất của tôi”.
Cùng ngày, Bác tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Văn hóa lâm thời Bắc bộ, đề cập tới trách nhiệm của văn hóa đối với nền độc lập nước nhà, vị Chủ tịch nước nói: “Tôi mong các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới… Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”.
Ngày 7-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời công hàm của Chính phủ Pháp bày tỏ sẽ nhanh chóng đi tới những thỏa thuận không chính thức ngoài hội nghị, định ra những điều hai bên đều có thể chấp nhận để ngăn chặn tình trạng căng thẳng đang có chiều hướng xung đột đang bao trùm ở Đông Dương, nhất là ở Nam bộ và Nam Trung bộ. Cùng ngày, Bác tiếp nhiều nhân vật trong đó có nhà báo Thụy Điển và Giám đốc Hãng thông tấn Pháp AFP.
Ngày 7-9-1953, trong bài báo “Dân chủ mới” đăng trên Báo Cứu Quốc với bút danh là Đ.X., Bác đề cập tới 5 điểm của “nền dân chủ mới” là: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân… trên nền tảng công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nhà nước và xây dựng nền dân chủ nhân dân…; trong nền dân chủ có 5 loại hình kinh tế khác nhau: kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, cá thể, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo; tư tưởng giai cấp công nhân – tư tưởng Mác – Lênin là tư tưởng chủ đạo; Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện dân chủ mới, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội; trong nước, nhân dân hăng hái kháng chiến, thi đua sản xuất”.
Ngày 7-9-1954, trên Báo Nhân Dân đăng bài “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp” của Bác bày tỏ lòng “nhớ ơn nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đã ủng hộ ta trong những năm tháng kháng chiến. Chúng ta càng thấm thía tình hữu nghị của nhân dân Pháp đối với nhân dân ta…”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.