Ngày 14 tháng 9: “Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”

123th Anniversary of Uncle Ho

Thứ hai, 14/09/2009, 04:17 (GMT+7)

Cách đây 69 năm, ngày 14-9-1940, Nguyễn Ái Quốc – lúc này mang bí danh là Hồ Quang đang hoạt động tại Trung Quốc, tặng một người bạn cùng đơn vị tên là Phương Sĩ Tân, 4 chữ Hán: “Hữu Chí Cánh Thành” (Có chí thì nên).

Tháng 9-1945, Bác gửi thư cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Thư có đoạn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Ngày 14-9-1946, trước ngày lên đường rời Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp Bộ trưởng Marius Moutet để tiếp tục thương lượng mong cứu vãn sự đổ vỡ sau khi Hội nghị Fontainebleau không thành. Cuộc thảo luận từ 17 giờ kéo dài đến nửa đêm và lúc 0g30 ngày 15-9 hai bên đã ký kết được một văn kiện. Trong bức điện cấp tốc gửi về nước, Bác viết: “Bản Thỏa hiệp tạm thời (Modus vivendi) đã ký ngày 14-9 với Chính phủ Pháp. Bản sao sẽ gửi về bằng máy bay. Gửi lời chào thân ái Cụ Huỳnh, các nhân viên trong Chính phủ, Quốc hội và đồng bào toàn quốc”. Văn kiện này đã đưa ra những thỏa thuận tạm thời nhằm tiến tới cơ hội giải quyết triệt để hơn trong“các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục càng sớm càng hay và chậm nhất vào tháng 1-1947”. Đây là một thành công ngoại giao, nhờ đó Việt Nam vừa tỏ được thiện chí hòa bình, lại có thời gian để chuẩn bị lực lượng một khi bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc.

Ngày 14-9-1952, tại Hội nghị Cán bộ liên minh nhân dân Việt-Lào, Bác nói: “Việt Nam đoàn kết chặt chẽ. Lào đoàn kết chặt chẽ, Miên (nay là Campuchia – DTQ) đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết ở đây là đoàn kết trong tinh thần, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết ngoài miệng”. Bác nhờ chuyển tặng món quà cho Chủ tịch Souphanuvon một tấm lụa, một thanh kiếm và một bộ quần áo với ý nghĩa được giải thích: “Tấm lụa tượng trưng cho sự mềm mỏng và đại đoàn kết. Đoàn kết chặt chẽ như những sợi tơ trong tấm lụa. Mềm mỏng là để đối với nhân dân. Thanh kiếm là tượng trưng cho sự sắc sảo và kiên quyết. Còn bộ quần áo để tặng cho cán bộ Lào thi đua giỏi nhất”.

Ngày 14-9-1959, tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc họp tại Bắc Ninh, Bác phân tích: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân, xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt nơi khác”.

Tháng 9-1964, Bác mời cơm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Thiếu tướng Lê Trọng Tấn trước khi vào chiến trường miền Nam. Bác căn dặn: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: “Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”.

D.T.Q và nhóm cộng sự
sggp.org.vn

Advertisement