Thứ sáu, 11/09/2009, 04:06 (GMT+7)
Cách đây 85 năm, ngày 11-9-1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản cho biết: “Tôi đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác”.
Lá thư cho biết lúc đầu khó khăn do những điều kiện của Quốc tế Cộng sản, còn lúc này là do nội chiến ở Trung Quốc “Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn vô thời hạn… Và ngày mai sẽ là chuyện gì khác?…”. Bức thư cho thấy nhà cách mạng Việt Nam đang khao khát trở về gần với Tổ quốc của mình.
Tháng 9-1924, trên tờ Le Paria xuất bản tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Giáo dục quốc dân” viết về chính sách giáo dục của Liên Xô, so sánh với nền giáo dục tại các thuộc địa của Pháp để đi đến kết luận mỉa mai: “Tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu”.
Ngày 11-9-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, phiên tòa thứ 8 được xét xử vẫn đưa ra quyết định trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Công và chỉ định phương tiện, thực chất là trao cho thực dân Pháp. Luật sư F.Gienkin đã vận dụng “Luật Bảo thân” (Habeas Corpus) để phản đối bản án và kháng nghị lên Hội đồng cơ mật ở London.
Ngày 11-9-1945, Báo Cứu Quốc đăng bài “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” của Bác khẳng định đây “là hình thức chính phủ trong các địa phương sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các ủy ban này… Xem như trên, Ủy ban nhân dân tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới, khắc hẳn các cơ quan do bọn thống trị cũ đặt ra”.
Ngày 11-9-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một sĩ quan Mỹ và chuyển lời ghi âm “Tuyên bố với nhân dân Mỹ” với nội dung yêu cầu Chính phủ Pháp “1.Chấm dứt mọi tuyên truyền thiếu thiện chí ở Nam kỳ; 2.Thả hết tù chính trị Việt Nam ở Nam kỳ” và hy vọng sẽ nối lại đàm phán. Cùng ngày, Bác còn tiếp nhiều nghị sĩ và thăm Sứ quán Mỹ tại Paris.
Ngày 11-9-1950, Bác dự Hội nghị Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới và chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa coi là đã chuẩn bị xong… Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại. Dũng cảm là khôn. Kiên quyết và bạo dạn không phải là một người mà phải toàn bộ tất cả mọi người. Muốn toàn bộ kiên quyết và bạo dạn thì phải có kỷ luật… Kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”.
Ngày 11-9-1954, Báo Nhân Dân đăng “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu”, trong đó có đoạn: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên, sau tám, chín năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu… Đến ngày Nam Bắc một nhà/Các cháu xúm xít thì ta vui lòng”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.