Ân tình hội ngộ

Giao lưu Hiệp định Pa-ri và tấm lòng bè bạn Ân tình hội ngộ

QĐND – Ngày 26-1, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc Giao lưu “Hiệp định Pa-ri và tấm lòng bè bạn” giữa những cựu thành viên đoàn đàm phán Việt Nam tại Pa-ri và những người bạn quốc tế từng ủng hộ hết lòng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Tại cuộc hội ngộ hiếm có sau 40 năm, những người đồng chí năm xưa đã xúc động cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ và hào hùng của một thời sôi nổi chung tay đấu tranh vì hòa bình và chính nghĩa.

Những chiến sĩ trên mặt trận “Thế giới vì Việt Nam”

40 năm trước, tại Pa-ri, Việt Nam đã giành được thắng lợi vang dội khi buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi này không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Sẽ không bao giờ có thể quên sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân khắp nơi trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Quang cảnh cuộc Giao lưu “Hiệp định Pa-ri và tấm lòng bè bạn”. Ảnh: Ngọc Thư

30 vị khách quốc tế có mặt tại buổi giao lưu chỉ là một số rất ít trong số hàng triệu con tim luôn hướng về Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc. Họ chính là những “chiến sĩ” trên mặt trận nhân dân thế giới sát cánh cùng Việt Nam trong thời kỳ đó. Họ cũng chính là những người đã góp phần hình thành nên phong trào phản chiến và tổ chức đoàn kết với Việt Nam, từ đó từng bước hình thành “mặt trận” rộng lớn ủng hộ Việt Nam, lan rộng khắp Âu, Á, Phi, Mỹ La-tinh.

Đặc biệt, có cả những người bạn đến từ phía bên kia của cuộc chiến, những người bạn Mỹ chấp nhận mang tội phản bội Tổ quốc để ủng hộ Việt Nam. Đó là cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rem-xi Cờ-lác (Ramsey Clark), người từng trừng phạt những người Mỹ vì tội hoạt động chống chiến tranh, để rồi cuối cùng, khi biết những sự thật kinh hoàng mà Mỹ đã gây ra cho Việt Nam trong cuộc chiến, bất bình vì sự lừa dối của chính phủ đối với nhân dân Mỹ, ông lại tham gia vào những hoạt động phản đối chiến tranh. Đó là bà Mơn Rát-nơ (Merle E. Ratner), người phụ nữ bé nhỏ từng tham gia phong trào phản chiến ở Mỹ khi mới 13 tuổi. Bà nổi tiếng với hành động dũng cảm dám leo lên tượng Nữ thần Tự do để phất lá cờ của Việt Nam… Tại cuộc giao lưu, bà Mơn Rát-nơ đã hát lại bài hát quen thuộc năm nào, bài hát cổ vũ Việt Nam mà bà và những người bạn từng hát vang khi sát cánh với nhau tham gia phong trào phản chiến.

Trong số những người bạn quốc tế tới thăm Việt Nam vào dịp này, có 11 người từng bị bắt giam vì các hành động phản chiến hoặc ủng hộ Việt Nam ở nước mình. Ông Rê-na-tô Đa-xi (Renato Darsie), thủ lĩnh của phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và đàm phán ở Pa-ri tại I-ta-li-a, là một trong số đó. Năm lần bị bắt vì tham gia biểu tình chống chiến tranh, vì hiến máu gửi tới Việt Nam… ông không hề nhụt chí. Ông kể, ở I-ta-li-a từng có phong trào hiến máu gửi tặng Việt Nam. Nhiều người cộng sản I-ta-li-a đã sang Nam Tư để hiến máu, rồi từ đó gửi sang Việt Nam, vì một số nơi ở I-ta-li-a không cho phép hành động này. Những người ủng hộ Việt Nam ở I-ta-li-a như ông Đa-xi còn tham gia hoạt động chặn không cho Mỹ chất hàng lên tàu trong những lần tàu Mỹ cập cảng ở I-ta-li-a để tiếp tế cho hành động chiến tranh ở Việt Nam… Khi nghe tin chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II của Mỹ tàn phá các bệnh viện ở Hà Nội, ông đã cùng những người I-ta-li-a phản chiến đã phát động phong trào quyên góp gửi quà sang ủng hộ Việt Nam.

“Phản ứng từ trái tim”

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã kể về những tấm gương xả thân, quên mình, thậm chí hy sinh tính mạng vì phong trào phản chiến, vì Việt Nam. Đó là 11 người Mỹ đã tự thiêu để buộc chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam. Trong số họ có cậu thanh niên mới chỉ 20 tuổi, cũng có cụ già đã 80 tuổi. Đó là những người phụ nữ Mỹ đã tự xích tay mình vào hàng rào ở Nhà Trắng cho tới khi nào chính quyền thôi đàn áp những người phản đối chiến tranh…

Các hành động phản chiến mạnh mẽ theo nhiều cách khác nhau của những “chiến sĩ”, của các phong trào và tổ chức trên mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đã tạo nên sức ép dư luận to lớn, buộc chính quyền Mỹ phải có những nhượng bộ ở bàn đàm phán Pa-ri, chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam. Phong trào lan rộng khắp thế giới cũng góp phần buộc các chính phủ phải thay đổi thái độ và có cánh nhìn đúng đắn hơn đối với cuộc chiến ở Việt Nam.

Những người bạn Việt Nam có chung cách giải thích cho các hành động phản chiến quyết liệt của mình. Đó là lòng yêu chuộng hòa bình. Nhưng trên hết, đó là sự bất bình trước cuộc chiến phi nghĩa và đẫm máu cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người. Như lý giải của ông An-đrê Men-rát (Andre Menras) người Pháp thì đó chính là “phản ứng từ trái tim”. “Tôi cũng tự hỏi vì sao mình không thể tự kiềm chế. Hằng ngày chứng kiến cảnh tượng chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, lại là một thầy giáo giảng dạy về tự do, bình đẳng, bác ái… làm sao chúng tôi chịu được. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải chống lại chiến tranh. Đó là phản ứng từ trái tim vì lúc đó tôi chưa hiểu nhiều về chính trị”, ông Men-rát chia sẻ. Ông Men-rát từng là thầy giáo người Pháp ở miền Nam Việt Nam thời ngụy quyền. Ông chính là người đã “liều lĩnh” leo lên đầu tượng đài hai tên lính thủy đánh bộ trước trụ sở quốc hội chính quyền ngụy Sài Gòn để phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tung truyền đơn đòi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Câu chuyện của cựu du kích quân Ca-ra-cát Các-lốt Rây Gô-mết (Carlos Rey Gomez), thành viên nhóm du kích Vê-nê-xu-ê-la tham gia vụ bắt cóc sĩ quan Mỹ Mai-cơn Xmo-len (Michael Smolen) để đánh đổi chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền ngụy bắt giữ, đã gây nhiều thu hút. Ông kể thời đó, những du kích quân Ca-ra-cát hành động táo bạo như vậy nhằm để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Những tấm gương điển hình trong phong trào phản chiến ấy, những hành động ủng hộ hết mình vì Việt Nam ấy càng chứng tỏ “cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là lương tri của loài người, là trái tim của nhân loại” như bà Xa-ra Lít-man, một nữ văn sĩ người Thụy Điển đã đúc kết. Điều đó cũng lý giải cho lời đánh giá của ai đó rằng, “cuộc chiến ở Việt Nam đã làm thức tỉnh lương tri thế giới”.

Tại buổi giao lưu, các cựu thành viên đoàn đàm phán của ta ở Pa-ri có dịp gặp lại những người bạn Pháp đã trực tiếp giúp đỡ phái đoàn tận tình trong những năm tháng đấu tranh trên mặt trận cam go ở Pa-ri. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời không giấu được xúc động khi gặp lại người lái xe cho mình năm xưa – một đồng chí Pháp đã tận tình phục vụ đoàn đàm phán CPCMLT ở Verriere-le-Buisson. Cả những người bạn Pháp từ Choisy-le-Roi, thị trấn nơi đoàn đàm phán VNDCCH từng ở và đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của họ cũng có mặt. Chính sự giúp đỡ về hậu cần của những người bạn Pháp cho hai đoàn ta cùng với phong trào Việt kiều yêu nước, phong trào phản chiến, ủng hộ trên khắp nước Pháp, đã tạo thành “hậu phương” vững chắc cho hai đoàn đàm phán ta đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Pa-ri.

Mãi mãi khắc ghi tấm lòng bè bạn

Tấm lòng của bè bạn năm châu chính là nguồn cổ vũ, tạo sức mạnh tinh thần to lớn đối với Việt Nam đang trong cuộc đấu tranh chống xâm lược để đi tới thắng lợi cuối cùng. Nhiều người trong số họ từng ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, nay lại tiếp tục tích cực hoạt động ủng hộ Việt Nam trong thời bình và tham gia các hoạt động thúc đẩy tình hữu nghị, phát triển mối quan hệ, khắc phục hậu quả chiến tranh… Tại buổi giao lưu, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri đã bày tỏ xúc động khi được nghe những câu chuyện từ chính những người bạn của Việt Nam trực tiếp kể lại, dù trước đó bà đã nghe đâu đó nhiều lần. Bà khẳng định, Việt Nam luôn đánh giá phong trào đoàn kết quốc tế là một nhân tố hết sức quan trọng góp phần vào thắng lợi của Việt Nam. Bà thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn các bạn bè quốc tế, nhấn mạnh Việt Nam mãi mãi khắc ghi những gì mà họ đã dành cho Việt Nam.

Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng khẳng định, cuộc giao lưu hôm nay chỉ là một hoạt động tri ân rất nhỏ so với những gì mà Việt Nam muốn nói với hàng triệu nhân dân trên thế giới – những người đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ lớn lao. Sẽ còn ngàn vạn lời tri ân từ hàng triệu trái tim của người dân Việt Nam gửi tới những bạn bè quốc tế. Phần ân tình đã nhận được trong những năm tháng đấu tranh vì độc lập dân tộc, Việt Nam luôn sẽ mãi khắc ghi trong những năm xây dựng và phát triển đất nước sau này.

Ông I-ra-cơ-li-xơ Xáp-đa-ri-đi-xơ (Iraklis Tsavdaridis), Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới:

Nguồn cổ vũ cho phong trào đấu tranh thế giới

Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam được nhân dân thế giới ủng hộ vì đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa vì công lý. Cuộc đấu tranh của các bạn đã trở thành điểm hội tụ của tình đoàn kết quốc tế và hữu nghị giữa các dân tộc. Chiến thắng của Việt Nam cũng trở thành chiến thắng của nhân dân các nước, là nguồn cổ vũ động viên lớn lao với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân nhiều nước tại châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.

Ông Ép-ghê-ni Pa-vơ-lô-vích Gla-du-nốp, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt (Evgheni Pavlovich Glaxunov):

Thắng lợi của loài người tiến bộ

Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi của toàn thể loài người tiến bộ. Nhiều hoạt động kỷ niệm nhân ngày ký Hiệp định Pa-ri sẽ góp phần giáo dục và tuyên truyền rộng rãi cho các thế hệ trẻ ngày nay hiểu biết về cuộc chiến đấu của cha ông bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc.

Bà Gien-ni Mi-rơ (Jeanne Mirer), Chủ tịch Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế:

Luôn sát cánh cùng Việt Nam!

Nhiều luật sư của chúng tôi đã trực tiếp biểu tình chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam và nhiều người cũng đã bị bắt giam. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi từ bỏ mà ngược lại, chúng tôi vẫn luôn sát cánh ủng hộ nhân dân và chính phủ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và ngày nay, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sát cánh với các bạn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

HẠNH – TOÀN – THƯ
qdnd.vn

Advertisement