Có nhiều yếu tố hội tụ làm nên phẩm chất đặc biệt của Bà – một trí thức từng theo học ” trường Tây”, một nhà yêu nước và cách mạng, một nhà ngoại giao xuất sắc, một nhân vật lịch sử của những thời khắc lịch sử của đất nước. 40 năm sau Hiệp định Paris mà bà đảm nhận vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và là người phụ nữ duy nhất ký vào bản Hiệp định bốn bên, đã ở tuổi 87, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn làm mọi người kinh ngạc vì trí tuệ mẫn tiệp, vì phong thái lịch lãm vốn có của một nhà ngoại giao. Hiếm có ai giữ gìn hình ảnh một cách nghiêm cẩn như bà.
Bà Nguyễn Thị Bình tại Lễ ký Hiệp định Paris, 27 – 1 – 1973
Ảnh: TL
Tôi từng phỏng vấn bà không dưới 3 lần, và lần nào bà cũng đúng giờ hẹn không sai một phút, không hề có một chi tiết bất cẩn trong trang phục, kiểu tóc, cẩn trọng trong từng lời nói và truyền một phong thái cuốn hút với người đối diện.
Kỷ niệm 40 năm ngày Ký Hiệp định Paris, bà từ chối tất cả các nhà báo vào những ngày Hà Nội quá lạnh vì lý do sức khỏe. Chỉ khi thấy trời ấm lên, có thể xuất hiện trước truyền thông với phong thái khỏe mạnh, minh mẫn vốn có bà mới đồng ý cho báo chí phỏng vấn.
PV: Thưa bà, 40 năm đã trôi qua, cảm xúc của thời khắc tự tay đặt bút ký vào bản Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam hẳn vẫn còn vẹn nguyên?

Bà Nguyễn Thị Bình tại Paris, 24 – 10 – 1972
Nguyên Phó Chủ tịch nước NGUYỄN THỊ BÌNH: Cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm, đúng ra là 4 năm 8 tháng. Khi đặt bút ký, tôi được thay mặt nhân dân miền Nam ký vào một văn kiện lịch sử. Kết quả của Hiệp định là bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí. Lúc ấy tôi nghĩ đến những người thân quen đã đi xa không được chứng kiến những giờ phút lịch sử này…Xúc động trào nước mắt. Cảm xúc ấy đi cùng tôi suốt cuộc đời.
Bốn năm tám tháng, quãng thời gian đằng đẵng trong hành trình kháng chiến và mong mỏi một ngày thống nhất đất nước của dân tộc. Bà còn nhớ cảm giác có những lúc bi quan trong quá trình đàm phán dài dằng dặc ấy?
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử, cho một cuộc chiến tranh cũng dài nhất trong lịch sử. Gần 5 năm trời ngồi trên bàn ngoại giao không phải dễ dàng gì. Nhất là cuộc đấu tranh có lúc dậm chân tại chỗ. Có lúc báo chí phương Tây nói rằng đây là câu chuyện giữa người “điếc” với nhau, mỗi bên đều nói lập trường của mình. Không ai nghe ai hết. Thực tế trên chiến trường tương quan lực lượng chưa rõ. Vì vậy hai bên giằng co. Có những cuộc họp lặp đi lặp lại, chán ngán lắm. Nhưng có một điều luôn luôn phải thường trực trong ý nghĩ là không bao giờ được thất bại. Nhất định cuộc kháng chiến của mình sẽ giành thắng lợi, chỉ có vấn đề là lúc nào thôi. Và mong muốn là nó đến sớm.
Thưa bà, 40 năm về trước, bằng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thật đẹp, thật lạ trên bàn đàm phán Hiệp định Paris nói như nhà văn Nguyên Ngọc là: “khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin…”, bà đã góp công lớn cho thành công của Hiệp định Paris và “mang bạn bè về cho dân tộc”?
Điều này cũng nói lên rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của mình nhận được sự đồng tình và cảm tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới.
Cho nên, nhiều người nói rằng cuộc đàm phán ấy có một bên “thứ 5” là tình cảm, sự ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân các nước đối với Việt Nam, thưa bà?
Có rất nhiều câu chuyện cảm động bên lề Hội nghị Paris mà nhiều người đã biết, sau 40 năm, chắc không còn chuyện gì chưa kể ra hết đâu. Lúc bấy giờ, Paris như là tâm điểm của thế giới. Vì cả thế giới theo dõi xem lúc nào chiến tranh ở Việt Nam sẽ chấm dứt. Vì nó kéo dài quá. Chúng ta nhớ rằng tờ NewYork Time của Mỹ tổng kết trong 10 năm, cột tin trang nhất của tờ báo hàng ngày đó chỉ nói về chiến tranh Việt Nam. Rồi vô tuyến truyền hình thế giới, trong 5 năm diễn ra Hội nghị Paris, thứ 5 nào họ cũng chiếu cảnh mấy đoàn gặp nhau để đàm phán. Vì vậy tôi trở thành người quen thuộc với những người chưa hề gặp bao giờ. Có một lần ở sân bay Paris tôi gặp một số phụ nữ, họ chạy đến bắt tay tôi, tay bắt mặt mừng. Tôi nghĩ bụng không biết mấy bà này ở đâu. Tôi nói là tôi chưa quen các vị. Các bà ấy nói là không, chúng tôi quen bà. Tôi hỏi vậy các bà quen tôi ở đâu? Họ nói là quen trên vô tuyến truyền hình, mỗi thứ 5 đều chiếu hình ảnh bà ở Hội nghị đàm phán nên tôi quen với bà lắm…
Bà Nguyễn Thị Bình kí Hiệp định Paris
Ảnh: T.L
Thưa bà, nhiều thế hệ người Việt Nam đã được sinh ra trong quãng thời gian 40 năm qua. Giá trị của Hiệp định Paris với nền hòa bình và thống nhất đất nước, bây giờ nhìn lại, phải hiểu chính xác như thế nào? Và Hiệp định Paris thưa bà, cũng vẫn mãi là bài học lớn cho hôm nay trong bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng đàm phán ngoại giao?
Hiệp định Paris là kết quả của cả cuộc chiến đấu, 20 năm đúng hơn là 18 năm chưa kể 2 năm đi đến Đại thắng Mùa xuân 1975. Cuộc chiến đấu rất dài. Có thể nói Đại thắng mùa xuân 1975 là thắng lợi nhờ cuộc đấu tranh trên 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Khi đàm phán tại Hội nghị Paris đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuy 2 mà 1, nên vận động quốc tế chúng ta có cùng một nội dung nhưng mỗi đoàn lại có một nội dung hơi khác nhau. Chính phủ Cách mạng Lâm thời với đường lối rộng rãi của mình có thể tranh thủ được rộng rãi nhiều lực lượng, những người không thuộc đảng phái nào nhưng ủng hộ độc lập hòa bình. Còn đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ thu hút sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa mà còn thu hút lực lượng của các phong trào cánh tả… Nên phong trào đoàn kết quốc tế do 2 đoàn chúng ta do 2 chủ thể triển khai tạo thành một mặt trận đoàn kết quốc tế rất rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Nó tác động đến các chính phủ, đặc biệt chính phủ Mỹ và tạo thuận lợi cho chúng ta trong cuộc đàm phán.
Rốt cuộc chúng ta buộc được Mỹ phải chấm dứt chiến tranh rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam, để vấn đề Việt Nam cho những người Việt Nam giải quyết. Điều đó có ý nghĩa to lớn lắm. Tất nhiên chúng ta cũng phải hy sinh xương máu. Nhưng nếu không trả giá đắt thì không thể thắng lợi, phải thấy cái đó. Điều rút ra là ta phải chiến đấu vì lợi ích của chúng ta. Chính thế giới không những ủng hộ Việt Nam vì chúng ta có chính nghĩa mà họ còn ủng hộ vì chúng ta dám đứng lên bảo vệ nền độc lập của mình, quyết tâm chiến đấu và đã thắng lợi từng bước. Điều đó tạo ra tình cảm mến phục của cả thế giới đối với chúng ta. Do đó chúng ta có được sự ủng hộ quốc tế rất lớn của thế giới. Muốn có được đoàn kết quốc tế rộng lớn thì đoàn kết dân tộc phải vững mạnh. Đó là bài học còn giá trị cho đến ngày nay và cả tương lai.
Xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ và trân trọng cảm ơn Bà. Kính chúc Bà sức khỏe!
![]() …Cuộc đời tôi may mắn gắn chặt với những sự kiện lịch sử trong thế kỷ 20 với những cuộc chiến oai hùng nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc – cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nối tiếp nhau ròng rã 30 năm và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. …Nhìn lại những năm chiến đấu kéo dài, vô cùng ác liệt đã qua, thế hệ chúng tôi đều thống nhất với nhau: đó là thời kỳ đẹp đẽ nhất của cuộc đời, với ý nghĩa là chúng tôi đã sống có mục đích, có lý tưởng, trọn lòng tin ở tương lai của đất nước, ở sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ. Dù ở chiến trường, nhà lao hay trên mặt trận đối ngoại, chúng tôi chấp nhận sự gian khổ, hy sinh nhưng cảm thấy hạnh phúc, luôn tràn ngập niềm tin và hy vọng. …Đại đoàn kết dân tộc vì một mục tiêu chung phải là bài học lớn nhất của nhân dân ta. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là phương châm của những thắng lợi trong quá khứ và cũng sẽ là phương châm của sự thành công trong hiện tại và tương lai. Chúng ta có cơ sở để tạo nên Đại đoàn kết với 3 chung: chung cội nguồn, chung một mối an – nguy với thế lực bên ngoài, chung một tương lai huy hoàng cho đất nước. Và niềm tin trước đây cũng như hiện nay sẽ là sức mạnh tinh thần to lớn nhất của toàn dân tộc… (Trích phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình tại buổi giới thiệu cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”) |
Cẩm Thúy (Thực hiện)
daidoanket.vn