Hôm qua, 26-1, tại Hà Nội, Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã tổ chức cuộc giao lưu “Hiệp định Paris và tấm lòng bạn bè quốc tế”. Tham gia cuộc giao lưu là những vị khách quốc tế, các nhân chứng lịch sử đã tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam cách đây 40 năm.
Không khí ấm áp cuộc giao lưu tại Hà Nội ngày 26-1
Tại buổi giao lưu, các đại biểu Việt Nam và các đại biểu quốc tế một lần nữa khẳng định Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của tất cả những ai trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Ông Ramsey Clark: người đã từng làm việc 8 năm trong các chính quyền Mỹ và là Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ năm 1967 – 1969 dưới thời Tổng thống Johnson chia sẻ: Ngay khi ở trong chính quyền tôi đã không tán thành những chính sách chiến tranh do giới quân sự đề ra. Sau khi rời chính quyền, tôi đã tham gia vào phong trào hoà bình đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đã cùng vợ sang Paris, gặp phái đoàn đàm phán của Việt Nam để tìm hiểu về thực tế Việt Nam. Sau cuộc gặp này, tôi đã tham gia vào phong trào đấu tranh vì hoà bình ở Việt Nam. Vào tháng 8-1972, tôi đã có chuyến thăm đáng nhớ tới Việt Nam. Lần ấy, tôi đã đi 6 tỉnh, thành phố miền Bắc để chứng kiến những nơi bị Mỹ ném bom và ghi lại nhiều hình ảnh rất đỗi giản dị về Việt Nam, như đê sông Hồng hay cảnh người dân đang lao động. Khi trở về Mỹ, những bài báo và những bức ảnh về chuyến thăm này đã được đăng trên tờ Life Magazine đã giúp đông đảo người Mỹ hiểu rằng: hệ thống đê của Việt Nam không phải là những cơ sở quân sự. Khi ấy, tại Mỹ cũng nổ ra cuộc tranh luận nóng bỏng về việc quân đội Mỹ có đánh phá hệ thống đê của miền Bắc hay không. Bài báo đã thức tỉnh dư luận Mỹ và nhiều người đã lên tiếng kiến nghị Liên Hợp Quốc ngăn chặn việc này. Cuối cùng kế hoạch ném bom đê sông Hồng của quân đội Mỹ đã buộc phải hủy bỏ.
Ông André Marcel Menras ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm thành phố Montpellier (Pháp), năm 1968, sang Việt Nam dạy học tại Trường Blaise Pascal, Đà Nẵng theo một chương trình hợp tác văn hóa giữa chính phủ Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đến năm 1969 chuyển về dạy tại trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn. Ông tâm sự, tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều cảnh tượng đau thương do chiến tranh gây ra, điều đó khiến tôi, một người thầy giáo yêu chuộng hòa bình không thể chịu nổi. Tôi quyết định phải làm gì đó để ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.Tháng 7-1970, tôi cùng với Jean Pierre Debris (một người bạn Pháp) treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa và rải truyền đơn đòi hỏi Mỹ và quân đội đồng minh của họ rút quân để Việt Nam. Sau đó, tôi đã bị bắt và giam trong tù suốt 2 năm rưỡi tại Trung tâm cải huấn Chí Hòa. Và đến ngày 1-1-1973, tức là 27 ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi bị trục xuất khỏi Việt Nam. Trong nhà lao Chí Hòa, tôi đã bí mật lấy danh sách của tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp và Phú Quốc lúc đó. Danh sách ấy tôi gửi tận tay cho bà Phạm Thị Minh (Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) để giúp phái đoàn bác bỏ luận điệu của Việt Nam Cộng hòa và Mỹ rằng không có tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam.
Xúc động khi nhớ lại những thời gian sống trong tù, ông André Marcel Menras nói, khi ở tù ông đã gặp một người bạn tên Nguyễn Văn Quới, là thày giáo dạy tiếng Anh. Hai người thường xuyên trao đổi thông tin với nhau và chính anh Quới đặt cho tôi cái tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết. “Năm 2009, tôi đã vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công nhận Quốc tịch Việt Nam với cái tên Hồ Cương Quyết” – A.M.Menras xúc động nói.
Mỹ Hạnh
daidoanket.vn