Sách ảnh về Hội nghị Paris: Lời tri ân

(VOV) – Những nhân vật chưa từng xuất hiện và những nội dung lần đầu được tiết lộ qua những bức ảnh hiếm.

Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, một số thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris như các ông Trịnh Ngọc Thái, Phạm Ngạc, Lưu Văn Lợi và nữ nhà văn Mỹ Lady Borton ra mắt cuốn sách ảnh Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973. Diễn tiến quá trình đàm phán, lễ ký kết Hiệp định Paris, Định ước quốc tế hay nội dung các cuộc họp chính thức và bí mật lần đầu hé lộ qua những bức ảnh hiếm.

Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn đặc biệt VNDCCH Lê Đức Thọ rời cuộc gặp riêng tại địa điểm của đoàn VNDCCH ở 11 phố Darthe

Năm 2008, trong chuyến công tác tại Paris, Pháp, nhà văn Lady Borton vô tình thấy một bức ảnh đen trắng về Hội nghị Paris về Việt Nam. Đó là một bức ảnh rất đẹp nhưng lại thiếu chú thích khiến nhiều người không hiểu tại sao giữa Paris lại có một bức ảnh của Việt Nam. Ý tưởng thực hiện một cuốn sách ảnh về quá trình đàm phán Hiệp định Paris len lỏi trong tâm trí bà từ đó. Trở lại Việt Nam, bà đã cùng một số thành viên đoàn đàm phán Hội nghị Paris năm xưa biên soạn cuốn sách “Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973”.

Nhà văn Lady Borton kể: “Đầu tiên chúng tôi chỉ định làm một danh sách của 150 hình ảnh. Nhưng trong quá trình thực hiện tôi hay hỏi: Bác Thái ơi, thế lúc bác viết bản thảo thì ông Xuân Thủy làm gì. Bác Thái bảo ông Thủy làm thơ. Thế là tôi thấy cần đưa thơ của ông Xuân Thủy vào đây. Từ đó chúng tôi triển khai thêm và cũng mở ra được những câu chuyện thú vị thời gian đó”.

Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973 gồm 3 chương: Việt Nam, Paris, Việt Nam, dài hơn 170 trang. Tác phẩm là cái nhìn của chính những thành viên đoàn đàm phán năm xưa về quá trình gần 5 năm đàm phán cũng như lý giải tại sao chúng ta lại lựa chọn Paris là nơi tiến hành đàm phán. Song song với các hoạt động trên chiến trường, cuộc đàm phán ở Paris cũng trải qua những thử thách quyết liệt và những chiến sĩ ngoại giao Việt Nam đã sử dụng cây bút như một vũ khí sắc bén đẩy lùi mọi cuộc tấn công của Đế quốc Mỹ.

Ông Dương Xuân Tư, phụ trách điện đài đoàn VNDCCH trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị Paris chuyển điện công khai và mật mã với Hà Nội

Mở đầu mỗi chương cuốn sách “Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973” đều dẫn những lời nói và thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nước Việt Nam ta là một/ Dân tộc Việt Nam ta là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà – như khẳng định sự đúng đắn trong đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh.

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc – Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao, thành viên của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những tác giả cuốn sách cho biết: “Trong mỗi dịp Tết hay trong dịp có sự kiện tại Hội nghị Paris thì Bác Hồ đều có những bài thơ. Ông Lê Đức Thọ là Bác Hồ điều từ miền Nam ra, ông Xuân Thủy cũng do Bác chọn, bà Bình cũng vậy. Vì thế tôi mới nói rằng cốt lõi ở đây là ngoại giao Hồ Chí Minh. Do đó, chúng tôi đã trích những bài thơ của Hồ Chí Minh in trong tác phẩm như: Đi đường, Vì Độc lập tự do…”     

Cuốn sách ảnh “Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973” không chỉ giới thiệu đến công chúng những nhân vật cốt cán trong cuộc đàm phán Hiệp định Paris như Bộ trưởng Xuân Thủy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Cố vấn Lê Đức Thọ… mà còn đề cập đến những nhân vật chưa từng xuất hiện. Ông Dương Xuân Tư – người phụ trách đánh moóc, đưa tin cuộc đàm phám về Việt Nam, ông Nguyễn Bội – người phụ trách telex, bác sỹ Nguyễn Văn Thuận hay đầu bếp Hoàng Hữu Cần… là những con người thầm lặng đã góp phần làm nên thành công của Hội nghị Paris.

Ông Sơn, lái xe đoàn VNDCCH đang giúp chuẩn bị tài liệu báo chí

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc cho biết thêm: “Chúng tôi làm cuốn sách này để tri ân những thành viên đoàn ngoại giao Việt Nam có mặt tại Hiệp định Paris 40 năm trước. Tôi thấy cần có sự công bằng với những người trực tiếp tham gia, đặc biệt là những người đã “mai danh ẩn tích”, người là cơ yếu, điện đài, bên cạnh đó là những bạn bè Pháp…  Họ là những người không ai biết nhưng thực tế họ là những nhân vật cốt cán”.

Với độ dài hơn 170 trang cùng khoảng 150 bức ảnh tư liệu, “Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973”không chỉ là một tài liệu lịch sử về Hội nghị Paris mà còn giúp công chúng hiểu rõ hơn phương châm ngoại giao kiên định của Việt Nam. Chúng ta đề cao lập trường chính nghĩa, tranh thủ dư luận thế giới, nhất là phong trào phản chiến bùng nổ trong lòng nước Mỹ, đẩy chính quyền Mỹ vào thế cô lập và phải xuống thang.

Cuộc thi bóng bàn giữa bà Dương Thị Duyên và bà Nguyễn Thị Bình tại Paris.

Ý nghĩa to lớn và những bài học kinh nghiệm của Hiệp định Paris trải qua 40 năm vẫn còn tính thời sự, nhiều sách báo đã và vẫn còn tiếp tục viết về sự kiện này. Và cuốn sách ảnh “Hội nghị Paris về Việt Nam: Nhìn lại, 1968 – 1973”như lời nhắn nhủ của thế hệ trước giành cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau: Ông, cha ta đã sống và chiến đấu như thế./.

Mỹ Trà- Ngọc Ngà/VOV- Trung tâm tin
vov.vn

Advertisement