Người “bắt thóp” giặc lái B-52:
QĐND – Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết “Mảnh giấy bạc” của nữ nhà báo trẻ Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1981, hiện là phóng viên Báo Vĩnh Phúc. Tuy là tiểu thuyết nhưng tác phẩm mang… tính thời sự vì nó gắn với câu chuyện người chiến sĩ tình báo mang tên Mạc Lâm và cuộc chiến đấu đánh trả B-52. Đáng chú ý, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết được viết từ một nguyên mẫu có thật, một chuyên gia hỏi cung giặc lái Mỹ. Ông là Đại tá Phan Mạc Lâm, nguyên Chánh văn phòng Tổng cục II-Bộ Quốc phòng, từng là cán bộ Cục Quân báo chuyên khai thác tù binh suốt hai cuộc kháng chiến…
Đại tá Phan Mạc Lâm. (ảnh: Tuấn Nghĩa)
Người trong tiểu thuyết
Trong tiểu thuyết, câu chuyện về Mạc Lâm khá “ly kỳ”: Chàng lính trẻ Mạc Lâm công tác tại bộ phận khai thác xét hỏi tù hàng binh bị bệnh sốt rét kinh niên phải vào bệnh viện đã gặp Mary Hương, một nữ tình báo viên được quân đội Pháp cài lại sau đó tiếp tục làm việc cho quân đội Mỹ. Mary Hương với sự quyến rũ và thủ đoạn “hồ ly” đã tạo thiện cảm cho Mạc Lâm rồi tìm cách đánh cắp tài liệu khai thác tù binh mà anh phải mang cả vào bệnh viện nghiên cứu vì quá gấp rút. Thị hí hửng vì đánh cắp được mảnh giấy bạc bút tích của Mạc Lâm cho thấy Quân đội nhân dân Việt Nam hiểu biết quá mơ hồ về B-52 mà hoàn toàn không biết rằng đó chỉ là một màn kịch do lực lượng tình báo ta dựng lên để che mắt địch… Sự thực, Mạc Lâm cũng như quân đội ta hiểu rất kỹ, rất sâu về B-52 và “mảnh giấy bạc” đã gắn với số phận “bạc mệnh” của những kẻ xâm lược và bán nước…
Trao đổi với chúng tôi, nữ nhà báo trẻ Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Ngoại trừ tình huống cuộc gặp gỡ trong bệnh viện và nhân vật Mary Hương được hư cấu, câu chuyện về người cán bộ tình báo Mạc Lâm hoàn toàn có thật. Thu Thủy đã may mắn được gặp gỡ, được nghe Đại tá Phan Mạc Lâm nhiều lần kể về cuộc đời khai thác tù binh, đặc biệt là tù binh giặc lái Mỹ với rất nhiều câu chuyện về tài trí tuyệt vời của những chiến sĩ tình báo cùng bao đóng góp thầm lặng cho một “Điện Biên Phủ trên không”, đúng như đánh giá của Đại tướng Văn Tiến Dũng, họ đã làm được nhiều việc “không thể kể ra”…
Từ những trang viết đầy cảm xúc của Thu Thủy, chúng tôi đã tìm đến những người trong cuộc cùng thời với Đại tá Phan Mạc Lâm để tìm hiểu về cuộc đời thật của ông. Thiếu tướng Vũ Thắng, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân báo (Cục 2)-Bộ Quốc phòng, cho biết: Cục 2 ngày ấy đã nghiên cứu, nắm bắt về B-52 từ năm 1960 và tiếp tục nhiều năm sau này, qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, kênh khai thác tù hàng binh nổi lên có Phan Mạc Lâm, một cán bộ là chuyên gia khai thác tù binh từ thời đánh Pháp. Mạc Lâm giỏi tiếng Pháp, riêng tiếng Anh thì chưa vượt trội so với nhiều cán bộ khác, nhưng Mạc Lâm có tài tiếp cận, khai thác tù binh rất giỏi và từ đó lấy được nhiều thông tin rất giá trị về B-52.
Để có được những thông tin giá trị
Phan Mạc Lâm sinh năm 1928 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một dòng họ nhiều danh nhân yêu nước như Phan Đăng Lưu, Phan Đăng Tài… Bố ông là một thầy giáo nổi tiếng trong vùng và giỏi tiếng Pháp, nên dù nhà nghèo, ông vẫn được cha mẹ cho vào học ở trườngCollege thành phố Vinh. Từ năm 1945, ông đã tham gia làm liên lạc cho lực lượng Việt Minh. Năm 1948, nhờ giỏi tiếng Pháp nên ông được biên chế về Phòng Khai thác thông tin tù binh thuộc Cục Quân báo với nhiệm vụ phiên dịch, khai thác tin tức tài liệu từ tù binh, hàng binh. Cũng từ đây, cuộc đời ông gắn liền với việc tiếp cận, xét hỏi, khai thác thông tin từ tù binh và hàng binh. Trong đội hình cán bộ của phòng, Mạc Lâm là cán bộ trẻ nhất.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã được tham gia hỏi cung nhiều tù binh, trong đó có cả bại tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Thời kỳ này, có một cuộc hỏi cung không thể nào quên trong cuộc đời nhà tình báo Mạc Lâm. Ấy là khi ông được hỏi cung một hàng binh Pháp tại Phú Thọ. Tên này đã khai báo, nhấn mạnh sức mạnh quân đội Pháp và khuyên ta không nên tấn công kẻo chuốc lấy thất bại. Nhìn thái độ của y có vẻ tự tin, không hề lộ ra sự mệt mỏi, lo lắng của kẻ thất bại, Mạc Lâm sinh nghi, phán đoán rằng tên này có thể trá hàng. Ông mạnh dạn báo cáo với cấp trên suy nghĩ của mình. Quả nhiên, ít lâu sau, khi Đờ Cát-xtơ-ri bị bắt, quân ta đã xác minh được y chính là một sĩ quan trá hàng của Đờ Cát-xtơ-ri.
Nữ nhà báo Thu Thủy khi tiếp xúc với Phan Mạc Lâm đã được ông kể lại chuyện khai thác An-vơ-rét, phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi ở Quảng Ninh và bị bắt làm tù binh. Ban đầu, An-vơ-rét rất ngoan cố, dữ dằn, ánh mắt vằn những tia lửa phản kháng, không ăn, không ngủ, chỉ gào thét, đập phá suốt đêm. Nhưng rồi, từ sự chăm sóc, chữa bệnh chu đáo, sắp xếp nơi ăn ở, cách ứng xử rất nhân đạo cùng những chia sẻ về tuổi trẻ, ước mơ và hoài bão mà Mạc Lâm khơi gợi lên… đã khiến An-vơ-rét dần dần bị thuyết phục. Qua cuộc khai thác này, ta đã có được những thông tin hết sức quan trọng để đánh giá sự kiện Vịnh Bắc Bộ.
Một trong những tù binh khiến Phan Mạc Lâm ấn tượng nhất là Giôn Mắc-kên, một thiếu tá phi công sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc về quân sự, có cả ông nội và bố đều là đô đốc, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương. Mắc-kên là niềm tự hào, là người hùng của không quân Mỹ được tin tưởng sẽ dễ dàng đánh sập Nhà máy điện Yên Phụ, không thất bại như nhiều phi công khác. Anh này ban đầu cũng rất bất cần, không cần ai cứu. Nhưng đến khi Mạc Lâm mang đến cho anh ta một cuốn tạp chí hải quân Mỹ có hình đô đốc, cha Mắc-kên thì anh ta thốt lên xúc động và dần đổi khác… Tương tự với tên phi công Đen-tơ bị bắt sau phi vụ đánh cầu Hàm Rồng bất thành, cuộc “viếng thăm” lúc nửa đêm mà Mạc Lâm bất ngờ thực hiện cùng câu nói buột miệng của anh ta-người từng học thuộc 7000 trang tài liệu tối mật về chính sách quốc phòng của Mỹ đối với Việt Nam đã hé lộ thông tin quan trọng về B-52. Đêm hôm ấy, Mạc Lâm ngồi ngay vào bàn, viết ngay bản báo cáo. Khi xong, trời vừa hửng sáng…
Giữa “ma trận” thông tin
Ngày 6-7-1972, theo chỉ thị của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức một cuộc họp rất kín và rất… hẹp chỉ gồm 10 người để bàn về cách đánh B-52. Mở đầu hội nghị, một chiến sĩ tình báo trẻ tuổi đã đứng lên trình bày bản báo cáo dài 30 trang về B-52. Đó là một báo cáo trung tâm, cung cấp thông tin và tạo cơ sở cho hội nghị thảo luận. Người trình bày bản báo cáo ấy là Phan Mạc Lâm. Hồi ức của Đại tá Phan Mạc Lâm đã được nữ nhà báo Thu Thủy ghi lại như sau:
“Tôi được Cục trưởng Cục 2 chỉ định tham gia hội nghị của Bộ Tổng tham mưu ngày 6-7-1972 để trình bày nội dung chuyên đề đặc biệt vừa nghiên cứu. Tôi là người đầu tiên của Cục Quân báo trình bày những nội dung làm cơ sở cho việc thảo luận. Tôi đưa trang tài liệu về lời khai của một phi công tù binh Mỹ, trong đó có đoạn:
– Thưa ông! Người ta đang chuẩn bị đánh vào Hà Nội, Hải Phòng…
– Anh nói sao? Mỹ sẽ dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng?
Người tù binh tỏ ra sợ sệt những vẫn nói giọng tự tin:
– Vâng! Đúng thế. Sắp tới Mỹ sẽ dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng!
– Anh có thể nói rõ hơn?
– Thưa ông! Cách đây 10 ngày, tôi được tham gia trong đội hình diễn tập dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Đó là một cuộc tập trận quy mô lớn phối hợp tác chiến mà lực lượng chủ yếu là B-52. Trong đội hình chiến đấu cùng B-52 còn có máy bay trinh sát RF4C, QF4C, các loại máy bay F105, F4D, máy bay gây nhiễu điện tử EC121, đội cấp cứu và chỉ huy trên không…
Tôi đã hỏi kỹ, đưa ra nhiều tình huống để kiểm tra tính xác thực của những thông tin người tù binh khai báo. Cộng thêm với lời khai của tên Đen-tơ đã từng đánh phá Thanh Hóa, tôi đi tới khẳng định: Tin về Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng là đúng. Tôi mừng lo lẫn lộn. Mừng vì có thêm thông tin mới mà cấp trên đang cần để giúp ta chuẩn bị đối phó với âm mưu của kẻ thù. Nhưng nghĩ đến hàng trăm B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội, nơi đầu não cách mạng, nơi tập trung đông dân nhất, lòng tôi thắt lại.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Mảnh giấy bạc” của nhà báo Nguyễn Thị Thu Thủy.
Suốt những ngày sống cùng những phi công tù binh, tôi đặc biệt quan tâm khai thác những tin tức liên quan tới B-52. Quả thật, B-52 có một sức mạnh khác thường mà như hăm dọa của Mỹ, có thể đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Phần lớn các loại máy bay chiến thuật F4, F105 đều được tham gia diễn tập với các đơn vị không quân chiến lược B-52 trong cuộc tập kích đường không chiến lược. Muốn tổ chức một chiến dịch dùng B-52 đánh vào Hà Nội phải có nhiều thành phần khác trong hoạt động yểm trợ như hộ tống, chế áp tên lửa, cao xạ đối phương, kể cả việc chiếm lĩnh ưu thế trên cao của các đơn vị F4, F105 ở các căn cứ không quân Thái Lan, kể cả cấp cứu, nghi binh…
Cuộc gặp ngắn ngủi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi sớm hôm ấy đã cho tôi những kinh nghiệm mới cho các lần khai thác tù binh tiếp theo. Gương mặt Đại tướng bình thản nhưng không che nổi niềm lo âu. Ông vẫy tay, tôi lại ngồi bên cạnh, Đại tướng nói:
– Sức khỏe của đồng chí có tốt không? Có đủ sức đối phó với B-52 không?
Tôi hiểu, đây không chỉ đơn giản là cuộc tới thăm anh em mà tin về B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng quan trọng vô cùng khiến Đại tướng đích thân đến kiểm tra lại.
– Dạ, thưa thủ trưởng! Chúng tôi đã sẵn sàng-Giọng tôi rắn rỏi mà không tự tin lắm. Bởi khai thác, thẩm định tin tức là thế, nhưng chiến tranh, biết thế nào?
– Thế còn lực lượng không quân chiến lược? Điểm mạnh, điểm yếu của B-52? Các cậu nắm như thế nào?
– B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Mỗi tốp B-52 ba chiếc có thể rải thảm 60-90 tấn bom trên một diện rộng thay cho 120-150 máy bay cường kích đánh phá. B-52 được cải tiến “khôn ngoan” bằng hệ thống gây nhiễu đánh lừa ra-đa đối phương.
– Các đồng chí cần tập trung khai thác về B-52, không bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất. Như vậy, chúng ta cũng khẳng định được sự nguy hại của B-52.
Đại tướng nhẹ nhàng cầm tay tôi, cái cầm tay trong thoáng giây như lo sợ vận mệnh của toàn đất nước…
Suốt một tuần trời tôi không tài nào chợp mắt. Tôi trở dậy châm thuốc liên tục. Bầu trời đêm nào cũng như nghẹt thở, không biết bão tố sẽ ập đến lúc nào…”.
Được tiếp cận, khai thác nhiều tù binh qua hai cuộc kháng chiến đã cho Mạc Lâm một bề dày kinh nghiệm vô giá. Sau mỗi lần khai thác, khi chắp bút viết bản báo cáo với ông luôn là sự trăn trở, đắn đo bằng cả con tim và khối óc. Ông tâm sự: “Tôi ngồi suy nghĩ, lần lại các chi tiết… Báo cáo của tôi có thể bị địch cho leo cây như hồi tên tù binh trá hàng ở Điện Biên Phủ! Có thể lắm chứ?”. Nhưng rồi, với tư duy lô-gích và biện chứng, Mạc Lâm lập luận: “Lừa ta, nhưng nằm trong nhà tù của ta, tên tù binh được gì? Thực chất, chính phía Mỹ đang bỏ rơi những phi công như hắn nếu B-52 vào, dưới làn bom rải thảm, Hỏa Lò lại ở giữa Thủ đô, bọn tù binh phi công có thoát chết không?”. Ông đã đem vấn đề này ra bàn bạc và được Cục trưởng Phan Bình ghi nhận là có lý, cho rằng quân Mỹ “số một thế giới” về mức độ tinh vi, xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế và bất chấp thủ đoạn”. Từ đó, những kết luận về B-52 được “định vị” đúng, không thay đổi!
ĐẠI BÀNG
qdnd.vn