QĐND – Khác với hình dung của chúng tôi, cách Hà Nội ngót 40km, ngôi nhà của ông Lê Nguyên Bá giống như một khu du lịch sinh thái thu nhỏ ngự ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Càng ngạc nhiên hơn về chủ nhân của nó: Đã ngoài 70 mà phong thái của ông Bá vẫn trẻ trung, như thuở nào trong đội văn nghệ xung kích của Sư đoàn Phòng không Hà Nội hăng hái đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân Thủ đô dưới làn bom đạn kẻ thù trong 12 ngày đêm rực lửa…
Ông Lê Nguyên Bá.
Ông kể, đội văn nghệ xung kích của ông lúc đầu là đội nghệ thuật quần chúng, được thành lập tháng 11-1972. Cả 27 thành viên của đội đều là các hạt nhân văn hóa văn nghệ từ các đơn vị được triệu tập về Phòng Chính trị sư đoàn, xây dựng chương trình và luyện tập chờ hội diễn quân chủng.
Tối 18-12-1972, máy bay Mỹ bất ngờ ném bom Hà Nội. Báo động toàn thành phố. Điện bị cắt, Hà Nội chìm trong màn đêm. Lúc này, đội đang ở Hòa Mục, nơi đóng quân của Phòng Chính trị. Tất cả xuống hầm.
Đợt bom thứ 3, Sở chỉ huy Sư đoàn Phòng không Hà Nội, trong đó có đội văn nghệ đang trú ẩn cũng bị trúng bom…
Ngay trong ngày đầu của chiến dịch 12 ngày đêm, cơ quan Sư đoàn Phòng không Hà Nội đã có 13 người hy sinh, trong đó 9 chiến sĩ trong đội văn nghệ của ông… Các chiến sĩ văn nghệ còn sống, ai cũng bị thương. Người được đưa về Viện Quân y 103, người về Bệnh viện Quân chủng điều trị.
Ngay hôm sau, đội văn nghệ nhận được lệnh giải tán. Tuy nhiên, Chính ủy Trần Văn Giang đồng ý cho đội ở lại phục vụ bộ đội. Lê Nguyên Bá lúc ấy là Trợ lý của Cơ quan Chính trị sư đoàn, được giao làm đội trưởng.
Đội có 27 người, hy sinh mất 9, số còn lại đều bị thương. Hồng Bến gãy bả vai, Hồng Việt bị thương ở ngực… nhưng tất cả đều quyết tâm luyện tập, chuẩn bị cho đợt diễn đặc biệt. Là đội trưởng, điều đầu tiên ông trăn trở là làm sao phải có thêm tiết mục về đánh B-52. Có chút ít năng khiếu sáng tác, Nguyên Bá, Xuân Điềm, Ngọc Khôi cùng tìm tứ…
Ngay hôm sau, 6 ca khúc về đánh B-52 được ra đời. Tiếp đó là vài ba tác phẩm nữa. Lời lẽ giản dị, mộc mạc. Phần nhạc cũng đơn giản, dễ nghe, đại loại như: “Bê, bê, bê, bê là B-52. Bê, bê, bê, bê là bê lăn quay…”. Có bài hát rồi, các diễn viên miệt mài luyện tập. Nhà của Cơ quan Chính trị bị đánh sập, các chiến sĩ văn nghệ sang những ngôi nhà dãy bên, lợp tranh tre, nứa lá, tập dưới ánh đèn dầu tù mù và trong tiếng bom, đạn nổ rền.
Ngày 23-12, đội bắt đầu lên đường đi biểu diễn phục vụ bộ đội. Biểu diễn ngay bên thành công sự pháo, bên bệ phóng tên lửa. Trận địa, chỗ nào còn rộng thì được lấy làm sân khấu. Trang phục là quân phục. Mấy chiến sĩ nữ được phát vài hộp phấn trắng, thi thoảng bôi chút son màu lên môi, lên má. Trang âm đơn giản chỉ là hai chiếc đài li đô được gắn trên cây cọc gỗ cắm trên bãi đất, hai chiếc loa nén được bố trí hai bên “cánh gà”; nhạc cụ chỉ là mấy chiếc ghi-ta gỗ… Đội hát toàn thương binh, người quấn băng ở đầu, người ở chân nhưng ai cũng hát say sưa lắm. Hồng Bến hút hồn người nghe bằng giọng ca đằm chất quan họ khi song ca cùng Bích Luật… Tiết mục ngâm thơ “Tình yêu với bầu trời Hà Nội” của Hồng Việt đã làm không ít chiến sĩ rơi lệ. Các cây ghi-ta Xuân Điềm, Văn Bình; cây đàn tam của Cao Sinh góp phần làm các chương trình thêm sinh động. Còn như Xuân Điềm là người đa tài vừa sáng tác, vừa là nhạc công, vừa là ca sĩ.
Lần đội biểu diễn ở Đại đội 71, Trung đoàn 212- đơn vị chốt bảo vệ phía bắc cầu Đuống, đang hát thì máy bay địch đến, còi báo động rú vang. Đội ngừng hát. Ai có chuyên môn gì, về bộ phận ấy của đơn vị tham gia cùng chiến đấu. Chiến sĩ thông tin thì về Sở chỉ huy, người đến từ đơn vị pháo thì ra bê đạn cho pháo thủ… Máy bay Mỹ đi rồi, các chiến sĩ văn nghệ lại tiếp tục hát. Trong một giờ đồng hồ, máy bay Mỹ đến rải bom 4 lần, 4 lần anh em ngừng biểu diễn, rồi các giọng ca lại tiếp tục vang lên ngay khi tiếng máy bay xa dần…
Ông Bá nhớ như in lần biểu diễn cho Bộ đội Tên lửa trên đồi Kim Tiền, Kim Anh, Vĩnh Phúc. Khi đội văn nghệ vừa đến, cán bộ, chiến sĩ đã thức suốt đêm đánh giặc, vẫn hăng hái lao động chuẩn bị “sân khấu”. Mỗi người một việc, tay cuốc, tay xẻng chuẩn bị mặt bằng và khiêng những tấm phản kê ghép lại thành một sân khấu gỗ. Đội biểu diễn xong, mỗi chiến sĩ văn nghệ nhận được một bó hoa chúc mừng. Lê Nguyên Bá tâm sự, có lẽ những bó hoa dại anh em hái quanh trận địa năm ấy là những bó hoa đáng nhớ nhất mà ông đã nhận được trong cuộc đời nghệ sĩ.
Không chỉ hát cho bộ đội nghe, các chiến sĩ văn nghệ còn biểu diễn phục vụ cả nhân dân các địa phương: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hà Nội. Ở đâu, đoàn cũng nhận được sự yêu mến đặc biệt của khán giả. Một lần diễn ở Giang Biên, Gia Lâm, tốp ca nam 7 người quấn băng cả 7, các cụ già lên tận sân khấu ôm lấy các con mà khóc.
Sau chiến dịch, Đội văn nghệ xung kích còn được giữ lại đến tháng 4-1973, qua nhiều nơi phục vụ bộ đội và nhân dân.
Đã 40 năm trôi qua, đội văn nghệ ngày ấy nay vẫn thường xuyên gặp nhau, cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt. Lê Nguyên Bá đã ở tuổi 72 nhưng cái chất văn nghệ vẫn cháy ở trong ông như thời trai trẻ. Ông vẫn làm thơ, sáng tác nhạc, dàn dựng chương trình văn nghệ cho địa phương, tham gia các cuộc thi. Ông đã từng nhận nhiều giải thưởng cho các sáng tác thơ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Song có một niềm vui, niềm tự hào bất tận luôn dâng ngập lòng ông, khó có gì sánh nổi đó là: Đội văn nghệ của ông năm ấy và những ngày tiếng hát át tiếng bom đã góp phần cùng quân và dân Hà Nội làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.
Bài và ảnh: HỒNG LINH
qdnd.vn