QĐND – 40 năm trước, quân và dân Thủ đô đã làm nên chiến thắng vĩ đại, Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. Sau chiến thắng ấy, khán giả chứng kiến lại 12 ngày đêm đau thương mà cũng rất đỗi oanh liệt hào hùng thông qua các tác phẩm điện ảnh, phim tài liệu. Cho đến hôm nay, những dư âm ấy, ký ức ấy lại ùa về trong tâm trí của bao nghệ sĩ, nhà quay phim đạo diễn, diễn viên và cả những khán giả của “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Hà Nội bản hùng ca”…
Ký ức hào hùng trên phim
Trong dư âm chiến thắng của Hà Nội 12 ngày đêm 40 năm về trước, và trong ký ức làm phim “Hà Nội 12 ngày đêm” cách đây 10 năm (năm 2002 phim được công chiếu sau 5 năm thực hiện) của đoàn làm phim do NSND Bùi Đình Hạc làm đạo diễn, cùng NSưT Chiều Xuân, NSưT Quốc Tuấn, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, nhà quay phim Bùi Trung Hải… đã hâm nóng hội trường Sư đoàn Không quân 371 (Sóc Sơn, Hà Nội) trong ngày đông giá lạnh bằng những kỷ niệm, chuyện vui về quá trình thực hiện bộ phim phác họa chân thực về sự kiện lịch sử trọng đại này.
Cảnh trong phim “Em bé Hà Nội”. Ảnh tư liệu
NSND Bùi Đình Hạc kể, cuộc đời của ông chứng kiến trọn vẹn 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Khi Hà Nội gồng mình trong 12 ngày đêm khói lửa, ông là một trong những người được chứng kiến tận mắt. Đến nay, dù 40 năm nhưng mỗi lẫn đi qua những con phố, góc đường, vị đạo diễn già vẫn hình dung được không khí tang thương ngày ấy. Phố Khâm Thiên sau trận đánh chỉ còn là một đống đổ nát. Những chiếc xe tải chở quan tài chạy dọc trên phố… Nhưng từ đau thương ấy, Hà Nội vẫn vượt lên, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng. Đó chính là những “chất liệu” chân thực để NSND Bùi Đình Hạc làm nên sự thành công của “Hà Nội 12 ngày đêm”.
Với quan niệm làm phim về chiến tranh nhưng không được căng thẳng, lên gân mà phải đi sâu vào tình cảm con người, từ một trận đánh cụ thể, một nhân vật cụ thể để khái quát lên bản lĩnh của cả dân tộc, lý giải với bạn bè quốc tế cũng như thế hệ sau này rằng trong những giây phút khó khăn nhất, chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng như thế nào. Vì thế, Hà Nội của năm đầu thập kỷ 70 trong phim của đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng mang nét đặc trưng thường thấy: Những cô gái mặc áo dài dịu hiền và lãng mạn; những chàng trai điềm đạm dễ gần nhưng bước vào cuộc chiến, họ trở thành con người quyết liệt và mạnh mẽ. Không chỉ nói về chiến tranh mà còn là tình yêu, là sự gắn kết con người Hà Nội với nhau. Giữa 12 ngày đêm ác liệt ấy, bỗng có một ngày nô -en hòa bình, trong không gian của đồng ruộng bát ngát, một ngôi nhà nhỏ yên bình, Tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân (Quốc Tuấn đóng) và cô du kích xã tên Hiền (Hoàng Nhật Mai) được tận hưởng một đêm trọn vẹn tình vợ chồng. Lại cảnh gầm rú của B -52, sự căng thẳng trên từng gương mặt chiến sĩ vì thiếu đạn. Nữ bác sĩ xinh đẹp Thủy Tiên (Mai Thu Huyền) mới đây còn say sưa ngắm một giò lan mới nở hoa, thoắt cái đã trút hơi thở cuối cùng trong đống đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai sau một đợt máy bay Mỹ oanh tạc. Giữa ầm ào súng đạn, có những người tình nguyện ở lại pha cà phê phục vụ chiến sĩ… Trong sự kết hợp liên hoàn của ngôn ngữ điện ảnh, “Hà Nội 12 ngày đêm” – như lời của NSND Bùi Đình Hạc, mục đích cuối cùng là đem đến cho khán giả những xúc cảm về sự lớn lao của con người Hà Nội trong chiến đấu.
Với NSND Lan Hương, khi nhắc lại kỷ niệm vào vai Ngọc Hà trong “Em bé Hà Nội”, chị nói 40 năm rồi chị vẫn giữ vẹn nguyên cảm xúc: “Tháng 12-1972, khi ấy tôi 9 tuổi sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám. Tôi không biết ký ức về những ngày ấy trong trí nhớ của những đứa trẻ 9 tuổi khác như thế nào, nhưng trong ký ức của tôi đó là nỗi kinh hoàng. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi lao ào ra hầm trú ẩn cá nhân. Sáng sớm hôm sau, Thành phố hoang tàn, đổ nát”. Từ những ký ức kinh hoàng chân thực về những trận ném bom mùa đông năm 1972, nên khi được chọn vào vai Ngọc Hà, Lan Hương đã diễn bằng tất cả cảm xúc thật, tình cảm thật, Lan Hương đã có một vai diễn xuất sắc khi mới 10 tuổi, và “đóng đinh” tên tuổi “Em bé Hà Nội” với chị đến ngày nay.
Nhắc đến “Em bé Hà Nội”, đạo diễn, NSND Hải Ninh bồi hồi kể, khi đưa phim “Em bé Hà Nội” đi chiếu ở Nhật Bản, sau mỗi buổi chiếu rất đông khán giả khóc, có khán giả xúc động hỏi những câu như tại sao người Việt Nam lại có thể bình tĩnh đến thế trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến thế: “Tôi trả lời, nếu không bình tĩnh thì không thể đối phó với bom, đạn của Mỹ. Có người hỏi về việc em bé Hà Nội luôn mang theo cây đàn, phim kết thúc cũng bằng cảnh kéo đàn. Tôi giải thích cho họ biết cây đàn là một ẩn dụ về hòa bình, và khát khao được học tập trở lại, được đến trường của trẻ em Hà Nội”.
Viết tiếp bản hùng ca
Không ít băn khoăn, giới văn nghệ nước nhà, nhất là các nghệ sĩ điện ảnh đang mắc nợ với những thời khắc của lịch sử, bởi ngày nay chúng ta chưa có nhiều những bộ phim, tác phẩm điện ảnh xứng tầm với lịch sử dân tộc. Nhưng thật khó!- như lời của đạo diễn Nguyễn Xuân Cường-người đang làm bộ phim truyền hình dài 50 tập “Cao hơn bầu trời”, phim do Công ty TNHH một thành viên phim Giải Phóng và Quân chủng PK -KQ phối hợp sản xuất, thì điều cơ bản là nguồn kịch bản phim ít, người làm phim tâm huyết với đề tài lịch sử của dân tộc cũng ít, thêm vào đó là kinh phí đầu tư cho dự án phim lịch sử rất tốn kém. Đạo diễn Xuân Cường cho biết, khi được giao làm “Cao hơn bầu trời” anh đã rất lo, vì phim được đầu tư rất lớn, tái hiện toàn bộ cuộc chiến vừa khốc liệt, vừa oanh liệt của những ngày cuối năm 1972 Hà Nội; vốn sống và kinh nghiệm làm phim lịch sử chưa nhiều, phải tra cứu lịch sử và gặp gỡ trao đổi với các nhân chứng lịch sử hàng năm trời… Nhưng đạo diễn Nguyễn Xuân Cường nói, anh rất vinh dự vì những người con miền Nam như anh được làm về cuộc chiến của những người con miền Bắc, trên đất Bắc. Phim “Cao hơn bầu trời” dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 – 2013.
Đại tá Vũ Văn Chính, Giám đốc Điện ảnh Quân đội tự hào khi nhắc đến những bậc đàn anh từng một thời ôm máy quay ở khắp các chiến trường, trong đó phải kể đến thời khắc lịch sử 12 ngày đêm năm 1972. Họ là những người luôn đối diện giữa sự sống -cái chết như: Quốc Nhàn, Lê Thi, Xuân Thu, Hà Tài, Trần Gia Định, Ngô Đặng Tuất, Vương Đức Cừ, Phạm Hữu Doanh… để ghi lại những giờ phút lịch sử của quân và dân gồng mình chiến đấu – nguồn tư liệu âm thanh, hình ảnh sống động, chân thực quý giá cho các thế hệ làm phim. Để sau đó là những bộ phim tài liệu ra đời, gây tiếng vang với khán giả trong nước và quốc tế như: “Hà Nội đánh giỏi thắng lớn”, “Hà Nội bản hùng ca”, “Hà Nội tháng Chạp năm ấy”, “Một ngày Hà Nội”… Mới đây, nhân kỷ niệm 40 chiến thắng Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không, các nghệ sĩ Điện ảnh Quân đội lại bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu “40 năm chiến thắng Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không”, thực hiện phim tài liệu minh họa cho chương trình Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước. Đặc biệt phải kể đến bộ phim tài liệu “Gió ngang”, phim lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học “Gió ngang, những điều không thể thiếu trong cuộc chiến tranh đường không” của GS, TS lịch sử quân sự Mỹ E. Tinpho, với ý nghĩa những “Siêu pháo đài bay”, “Thần sấm”, “Con ma” Mỹ đã bị cơn “Gió ngang” – lịch sử, văn hóa Việt Nam quật ngã. Cơn “Gió ngang” mà nhà sử học quân sự Mỹ tìm cách lý giải lý do thất bại của Chiến dịch Lanebacker II và toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chính là truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam, sức mạnh của “Gió ngang” là sức mạnh của cuộc chiến tranh chính nghĩa, từ lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, đến tấm lòng yêu chuộng hòa bình và chân lý của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới… Phim đang trong quá trình hoàn thiện và ra mắt khán giả dịp đầu năm mới 2013.
Hy vọng, trong những năm tiếp theo, các nhà làm phim, diễn viên điện ảnh bằng tình cảm, nhiệt huyết và nghệ thuật sẽ còn tiếp tục miêu tả sống động và chân thực cuộc chiến này với những cách nhìn mới, tiếp cận mới để đưa đến khán giả những thước phim ý nghĩa, nêu bật ý chí kiên cường của quân và dân Việt Nam.
VƯƠNG HÀ
qdnd.vn