Từ hầm chỉ huy tác chiến…

QĐND – Hầm Chỉ huy tác chiến (Bộ tổng Tham mưu) đóng tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) vừa mở cửa đón khách tham quan đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Thăm căn hầm, nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng về sức mạnh từ nơi đây- một sức mạnh như huyền thoại.

Căn phòng lớn nhất – Phòng trực ban tác chiến, nơi cán bộ, nhân viên làm việc 24/24 giờ, có nhiệm vụ trực tiếp trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người gọi, hỏi; theo dõi tình hình bảo vệ miền Bắc (kể cả trên bộ, trên biển, trên không) và chiến sự diễn ra trên các chiến trường Đông Dương, đề xuất với Bộ tổng Tham mưu các phương án tác chiến…và đảm nhiệm những công việc tác chiến cực kỳ quan trọng khác đối với cả nước và Hà Nội, chỉ rộng 34m2, bậu cửa, tường quét vôi ve, gạch lát nền đơn giản. Ông Trần Độ, nguyên sĩ quan tác chiến, trực ban trưởng ngày 18-12-1972, giải thích: Căn phòng vẫn còn “nguyên gốc” như khi tôi trực ban đánh B-52 cách đây 40 năm”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh (đứng giữa) kể chuyện trực chiến tại Hầm chỉ huy tác chiến trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã trực chiến trong căn hầm này. Ông giới thiệu một chiếc máy điện thoại trên bàn ở góc phòng, cạnh bộ ấm chén uống nước: “Chiếc điện thoại này được dùng cho một việc duy nhất là trả lời Bác Hồ. Chuông reo là lúc Bác Hồ gọi để Bác nghe báo cáo tình hình”.

Chị Vũ Thu Hà, cầm chiếc bút chì xanh đỏ đặt trong chiếc khay cạnh bảng tiêu đồ, ngắm nghía như tìm lại được kỷ vật cuộc đời. Chị xúc động kể: “Tôi lúc ấy 19 tuổi, làm nhiệm vụ trong phòng tiêu đồ. Chúng tôi viết ký hiệu và thông tin lên tấm bản đồ kính để sĩ quan tác chiến ở phòng ngoài nhận biết và xử lý”. Theo yêu cầu của một số đại biểu, chị Hà đưa nét bút…Người đứng cùng chiều với chị thì không hiểu gì, nhưng người đối diện ở phía bên kia tấm kính đọc được ngay, vì chị viết chữ ngược! Đó cũng là nét đặc sắc của nhân viên tiêu đồ hầm chỉ huy tác chiến…

Đồ dùng sinh hoạt trong hầm, từ chiếc đèn bão, bộ ấm chén, bát đũa ăn cơm…, đều như đồ dùng của gia đình ở thôn quê. Thăm căn hầm, tôi không thể nén được cảm xúc và thốt ra thành lời: Căn hầm giản dị này mà đã làm cho Lầu năm góc phải mất ăn mất ngủ, làm cho quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam cộng hoà được trang bị “đến tận răng” cũng phải khốn đốn. Đặc biệt, từ đây, những mệnh lệnh điều hành tác chiến làm cho pháo đài bay B-52 yêng hùng, tích tụ văn minh đế quốc đầu sỏ bị đánh tan tành, thảm bại ngay tại vùng trời trên nóc hầm!

Tôi hỏi Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh: “Thưa ông, trong chiến dịch 12 ngày đêm, các ông có nghĩ tới trường hợp B-52 trút bom trúng hầm?”.

Vị tướng trả lời chắc nịch: “Mặc dù hầm rất kiên cố, nhưng không phải không có lúc nghĩ tới chuyện đó. Có điều, trong chỉ huy tác chiến, cuộc đấu trí nơi đây luôn hướng vào việc tấn công kẻ thù, tiêu diệt chúng, để chúng không thể gây tội ác với nhân dân ta. Chúng tôi hầu như không có lúc nào để nghĩ đến khả năng xấu có thể đến. Bộ đội ta chưa lập công, hầm tác chiến cũng căng thẳng với bao băn khoăn, day dứt. Khi B-52 bị bắn rơi, hầm tác chiến hân hoan, rộn rã tiếng reo vui…

Rời căn hầm, tôi mang theo những cảm xúc đặc biệt. Những căn phòng, hiện vật đều đã cũ, nhưng vẫn luôn âm vang bài học cho hiện tại và cả với tương lai: Ta đánh giặc bằng lương tri, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam!

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG
qdnd.vn

Advertisement