QĐND – Đến thăm nhà báo Lê Kim vào một ngày cuối tháng 12, tôi được nghe câu chuyện về những giặc lái B-52 đã nổi tiếng từ 40 năm về trước của ông. Câu chuyện bắt đầu khi ông còn công tác tại tổ quốc tế, phòng Thời sự, Báo Quân đội nhân dân. Dù là một nhà báo công tác lâu năm trong nghề, lại cũng từng tham gia hầu hết các chiến dịch lớn và ác liệt, trải qua những thăng trầm lịch sử, nhưng đối với nhà báo Lê Kim, câu chuyện về những viên phi công B-52 Mỹ ở Nhà tù Hỏa Lò vẫn có một dấu ấn đặc biệt khó quên trong suốt cả cuộc đời ông. “Cho đến giờ mà tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tiên tôi bước chân vào “thăm” những “vị khách” tại Hỏa Lò.
Nhà báo Lê Kim (ngoài cùng, bên phải) trong buổi gặp gỡ tại Báo Quân đội nhân dân ngày 23-12 vừa qua.
Sau khi nghe giới thiệu sơ qua về thành phần “khách” trong trại, ông được đưa cho danh sách ghi tên những lính Mỹ vừa bị đưa vào đây. Lướt qua cuốn sổ với những cột dài dằng dặc họ tên, số lính, chức vụ…, ông đã để ý đến một cái tên rất “đặc biệt”: Ri-sớt Giôn-xơn, bị bắn rơi và bắt sống đêm 18-12-1972. Và câu chuyện về giặc lái B-52 của nhà báo Lê Kim bắt đầu như thế đó.
Ri-sớt Giôn-xơn là một viên sĩ quan Mỹ cao gần 2m, mặt to, tai dài, mắt sắc, tóc thưa màu nâu đen điểm những sợi bạc, khoảng chừng 40 tuổi là thiếu tá thuộc Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, số lính 561-54-4696. Hắn giữ chức vụ hoa tiêu ra-đa trên chiếc máy bay ném bom B-52 thuộc đơn vị ném bom số 72, liên đội máy bay ném bom chiến lược số 6 đóng tại căn cứ không quân chiến lược Andersen trên đảo Gu-am. Sau cái đêm 18-12-1972 bị bắt ở Vĩnh Phú cho đến ngày gặp nhà báo Lê Kim, Ri-sớt đã ngồi gần 1 tháng trong trại giam Hỏa Lò. Thời gian không dài nhưng đủ để Ri-sớt thấy được thái độ đối xử độ lượng của các đồng chí trong trại và từ đó bước đầu hiểu chính sách khoan hồng nhân đạo của Chính phủ ta. Có lẽ cũng vì vậy, sau vài phút đầu còn thiếu tự nhiên, dần dà hắn đã cởi mở, không e dè mà kể về những bước thăng trầm trong chuyến bay định mệnh đêm 17-12-1972 của hắn.
Đêm đầu tiên trong “chiến dịch tập kích dữ dội bằng không quân chiến lược” do đích thân Tổng thống Mỹ kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ Ri-sớt Ních-xơn ra lệnh, chiếc B-52G của Ri-sớt và đồng bọn bay vào vùng trời miền Bắc nước ta. Theo Ri-sớt thú nhận, chức vụ hoa tiêu ra-đa của hắn không khác gì hơn là cái nghề bấm nút, trút bom rải thảm xuống những mục tiêu đã được cấp trên ghi sẵn bằng những dấu hiệu hình tam giác trên tấm bản đồ bay, căn cứ vào tọa độ đã được biết trước và sau khi đã tính toán cho khớp với đường bay, tốc độ bay và vị trí của chiếc máy bay ném bom chiến lược đang bay tới mục tiêu. Nhưng khi chiếc “pháo đài bay” B-52G chở Ri-sớt và đồng bọn lặc lè vác gần 100 quả bom loại gần 230kg, ký hiệu 117 chưa bay tới mục tiêu và cũng chưa kịp trút bom thì nó đã bị bắn rơi vì lưới lửa phòng không hiệu nghiệm của miền Bắc Việt Nam.
Nói về cảm tưởng của mình trước khi xuất phát, Ri-sớt chốt một câu là: Sợ. Hắn giải thích, sợ là lẽ dĩ nhiên bởi hắn đã từng hoạt động khá lâu năm ở khu vực Đông Nam Á nên cũng đã từng nhiều lần được nghe những thằng bạn chết hụt trở về, lắc đầu, thè lưỡi bàn tán xôn xao về cái “lưới lửa phòng không dày đặc và hiện đại ở vùng châu thổ sông Hồng”. Do vậy, cái nỗi phấp phỏng lo sợ của hắn là hợp lý.
Đối với những lính Mỹ đang ngồi trong trại như Ri-sớt Giôn-xơn hay Uy-li-am Oan-tơ Con-li, gọi tắt là Bin, sĩ quan điện tử trên chiếc B-52 bị bắn rơi ngày 22-12-1972, thì việc tin vào sức bảo vệ của B-52 có lẽ chỉ là quá khứ. Uy-li-am cho biết, trước kia, hắn cũng tin là những thiết bị điện tử có thể bảo vệ được cho chiếc B-52 chống lại sự tiến công của đối phương. Nhưng khi có chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi trên vùng trời Việt Nam thì hắn không thể nào tin B-52 thuộc loại bất khả xâm phạm được nữa.
Ngoài Ri-sớt Giôn-xơn, Uy-li-am Oan-tơ Con-li, nhà báo Lê Kim cũng đã tiếp xúc và thu thập tin tức từ rất nhiều “vị khách” khác nữa. Phần lớn trong số lính Mỹ “nằm” ở Hin-tơn Hà Nội đều không tin những thứ đồ “trang thiết bị hiện đại” mà quân đội Mỹ cấp có thể bảo vệ tính mạng. Thế nên, các trang bị lủng củng, lỉnh kỉnh, lắm thứ nhiều loại của các phi công Mỹ như lá cờ xin ăn và cuốn cẩm nang “Tự cứu mình” đều được coi như “của nợ”. Viên trung úy Pôn Lu-i Gren-giơ mỉa mai nhận xét: “Có khi chết lây vì những thứ của nợ này cũng nên”. Và anh ta chốt một câu rằng: “Cách tự cứu mình tốt nhất là… ra hàng đối phương”.
Đối với một nhà báo như Lê Kim, việc tiếp xúc và trò chuyện khai thác thông tin từ những lính Mỹ bị bắt tại Nhà tù Hỏa Lò thật sự là một trải nghiệm thú vị.
Bài và ảnh: NGỌC THƯ
qdnd.vn