40 năm trôi qua, ký ức trận đánh thắng B-52 tại trận địa Đại Sơn, Đô Lương (Nghệ An) của Đại đội 1, Tiểu đoàn tên lửa 43, Trung đoàn 263 vẫn lưu dấu sâu đậm trong cuộc đời làm báo của tôi. Hôm ấy, trời rét cắt da, cắt thịt, từ nơi sơ tán Báo Nghệ An, với giấy giới thiệu phóng viên quân sự do Cục Chính trị Quân khu 4 cấp, tôi phóng xe đạp xuống xã Đại Sơn. Nhận ra “nhà báo quen” từ hồi trận địa phục kích ở Nghi Ân, ở Rạng, Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Phú Nguyễn vắn tắt: “Bọn mình từ Bãi Vọt (Can Lộc, Hà Tĩnh) vừa cơ động về lúc 3 giờ sáng. Vượt phà Bến Thủy suýt “ăn” bom của tụi cường kích tọa độ. Cậu gặp may rồi. Đêm nay sẽ đánh lũ hung thần “pháo đài bay” B-52”.
Nghe tôi kể từ đầu năm đến giờ, không quân Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc, Nghệ An phải gồng mình hứng chịu gần 2000 lượt tập kích bằng máy bay chiến lược, chiến thuật, hơn 1000 người dân bị bom, đạn của địch cướp đi mạng sống, anh Hoàng Phú Nguyễn chùng giọng chia sẻ: “Cả Trung đoàn 263 đều mang ơn tấm lòng đùm bọc, xả thân giúp đỡ của người dân quê Bác. Cậu thấy rồi đấy! Cả tiểu đoàn biên chế khối lượng lớn thiết bị, khí tài điện tử, quang học, đòi hỏi chính xác tuyệt đối trong mọi tình huống, vì vậy, mỗi khi mở đường, xây dựng trận địa phải cần đến hàng nghìn nhân công đào, đắp, ngụy trang. Ngay trận địa cơ động dã chiến ở Đại Sơn này nếu không có hai trung đoàn dân quân hợp sức của nhân dân địa phương thì làm sao đảm bảo yếu tố “bí mật, bất ngờ” trận phục kích B-52 đêm nay”.
Tiểu đoàn 43 kiểm tra tên lửa trước trận đánh đêm 22-11-1972. Ảnh chụp lại
Chợt tín hiệu báo động chuyển trạng thái SSCĐ từ xe chỉ huy vang lên, gấp gáp, hối thúc. Tiểu đoàn 43 nhận được thông số trinh sát kỹ thuật từ Trạm ra-đa 45 đặt ở Đồi Si cho biết, có 3 tốp B-52 bay vào vùng trời Nghệ An từ hướng Tây Nam, cách trận địa 45km. Đại đội trưởng Đại đội 1 là sĩ quan điều khiển Tống Ngọc Dũng trực tiếp chỉ huy kíp trực số 1, lệnh cho các trắc thủ góc tà, góc phương vị, cự ly mở thiết bị ViCo kiểm soát mục tiêu trên màn hiện sóng. Chỉ huy đơn vị vừa động viên, vừa nhắc nhở bộ đội phải tập trung trí tuệ, bản lĩnh, nhận rõ tín hiệu B-52, bám sát mục tiêu, chớp thời cơ phóng đạn tiêu diệt.
Trên màn hiện sóng, tín hiệu B-52 từ cự ly 45km rút ngắn đường bay xuống 30km, rồi 26km. Giữa màn nhiễu dày đặc của nhiều loại máy bay như B52, F111-A, F105-D, nhưng với phương pháp kiểm soát bên sườn, kíp trắc thủ Đại đội 1 vẫn nhận ra nhiễu B-52 trong hướng bay ổn định với tốc độ 915km/giờ. Thời cơ đến, Tiểu đoàn trưởng Thôi Ba phát lệnh mở máy cao tần P-35, sẵn sàng dẫn tên lửa tiếp cận mục tiêu. Đây là nghệ thuật phát sóng cao tần điều khiển tên lửa dũng cảm, đúng lúc, tránh được tên lửa Sơ-rai của máy bay Mỹ bắn trúng trận địa tên lửa của ta theo bức sóng cao tần P-35. Tiếng thông báo cự ly mục tiêu vào vùng hỏa lực mỗi lúc một gấp gáp; “Hai mươi sáu! Hai mươi lăm! Hai mươi bốn!”. Đúng phút quyết định ấy, Tiểu đoàn trưởng Thôi Ba dõng dạc lệnh cho Tống Ngọc Dũng ấn nút phóng quả tên lửa đầu tiên, giây lát sau phóng tiếp quả thứ hai mà sau này anh gọi là “cách đánh bồi, đánh cho gục hẳn”. Cả trận địa rạo rực khi mục tiêu B-52 trên màn hiện sóng trong xe chỉ huy bị xóa. Hai quả tên lửa SAM-2 gặp mục tiêu ở cự ly 24km đã nổ tung xác pháo, xóa sổ đợt tập kích bằng máy bay B-52 vào vùng đất Nghệ An.
Bài và ảnh: VĂN HIỀN
qdnd.vn