Cuộc chiến “xét lại lịch sử”

Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”

Sự đánh sòng giữa hai khái niệm chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa là một phần của thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ và viết lại lịch sử trong chiến lược “diễn biến hòa bình” được các thế lực chống cộng thực hiện trên phạm vi toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng là một trọng điểm. Biến đen thành trắng, biến không thành có là âm mưu gây hoang mang, tạo tâm lí chán chường, nghi ngờ những chân lí vốn đã được khẳng định.

Nhà nước Liên bang Xô-viết và chế độ XHCN ở Đông Âu bị tan vỡ một phần không nhỏ do có sự “góp sức” của các thủ đoạn “xét lại lịch sử”. Sự đổ vỡ ấy đã lập tức trở thành “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng những kẻ cơ hội chính trị, cực đoan dân tộc, bọn phát-xít mới và các thế lực thù địch khác tiếp tục xuyên tạc các vấn đề lịch sử. Lịch sử cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, công lao và sự hi sinh to lớn của Liên Xô trước đây trong nỗ lực đánh bại Đức quốc xã ở châu Âu, mở đường cứu toàn nhân loại khỏi nguy cơ bị chủ nghĩa phát-xít nô dịch và tiêu diệt, đang bị bôi nhọ một cách đê tiện theo kiểu “giậu đổ bìm leo”.

Trong năm 2009 sắp qua, thế giới đã kỉ niệm 70 năm bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và chỉ còn ít ngày nữa sẽ bắt đầu năm 2010 với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là kỉ niệm 65 năm chiến thắng phát-xít Đức, 65 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và đối với Việt Nam là 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Càng lùi sâu vào lịch sử, những sự kiện này ngày càng bị cố tình xuyên tạc, đặc biệt là cuộc chiến tranh thế giới thứ hai khi số nhân chứng sống của cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử này ngày càng ít đi theo thời gian. Với âm mưu chính trị đen tối, nhiều lực lượng chính trị ở một số nước châu Âu đang cố gắng làm lu mờ không chỉ công lao, sự mất mát và hi sinh to lớn của Liên Xô trước đây trong sứ mệnh tiêu diệt chủ nghĩa quốc xã, mà còn cố tình xóa bỏ những gì tốt đẹp mà CNXH đã từng tạo ra ở Liên Xô và các nước XHCN cũ ở Đông Âu. Đó còn là âm mưu bôi nhọ CNXH, mô hình xã hội đang ngày càng là mục tiêu vươn tới của nhiều đảng Cộng sản, các đảng cánh tả trên toàn cầu. Việc cố tình dỡ bỏ tượng đài, di dời hài cốt tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân, thậm chí cả việc đưa những cựu chiến sĩ chống phát-xít ra xét xử… đã và đang diễn ra ở một số nước châu Âu. Đó là những hành động cố tình biến hình ảnh những chiến sĩ giải phóng thành những “tội phạm chiến tranh”. Đầu tháng 9 vừa qua, phát biểu tại thủ đô Bê-ô-grát của CH Xéc-bi-a nhân dịp kỉ niệm 65 năm thành phố này được giải phóng khỏi quân đội phát-xít, Tổng thống LB Nga Đ. Mét-vê-đép (Medvedev) đã chỉ trích một số thế lực đang chủ trương “anh hùng hóa” những kẻ trước đây ủng hộ phát-xít Hít-le, coi chúng là “chiến sĩ đấu tranh vì tự do”. Ông nhấn mạnh, hiện đang có mưu toan xuyên tạc lịch sử, đổ trách nhiệm cho Liên Xô cùng với Đức quốc xã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thống Mét-vê-đép cũng nói trắng ra rằng, hồi ấy không phải ở đâu người ta cũng chống lại bọn phát-xít, mà bằng chứng là một loạt quốc gia châu Âu đã không chống lại phát-xít và có nhiều nước khác không những ủng hộ, mà còn tiến hành cuộc chiến cùng phe với chế độ Hít-le hoặc hỗ trợ hậu cần cho bộ máy chiến tranh của chúng. Nếu không có sự ủng hộ như vậy thì số lượng nạn nhân của bọn phát-xít có thể khác đi, không nhiều đến như vậy. Ông cho rằng cần phải nhắc lại điều đó cho những ai ngày nay đang mưu toan xét lại lịch sử. Một số khác lại tìm cách đầu cơ chính trị chống Nga, khi đưa ra các luận điểm về trách nhiệm ngang nhau của nước Đức Hít-le và Liên Xô trước đây trong việc khởi chiến, nhằm đạt được những quyền lợi chính trị ích kỉ của mình. Điều đó không hề có gì chung với hiện thực và rất vô đạo đức đối với hương hồn hàng triệu người đã hi sinh đời mình trong cuộc chiến chống phát-xít, cũng như trong các trại tập trung của bọn phát-xít. Những hành động như vậy chỉ có thể đánh giá là khinh thường kết quả cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, không tôn trọng những quyết định mà cộng đồng thế giới đã tuyên bố thời đó, cụ thể là những tuyên bố tại tòa án quân sự Nu-rem-béc.

Âm mưu bôi nhọ lịch sử trong mưu toan viết lại sử đang trở thành một vấn đề thực sự đe dọa bảo vệ và thúc đẩy nền hòa bình vững chắc; tạo ra cách nhìn sai trái về các vấn đề lịch sử. Chiến tranh thế giới thứ hai là sự kiện lớn khủng khiếp như vậy còn đang bị xuyên tạc thì các sự kiện mang tính khu vực, quốc gia… cũng khó có thể tránh được nguy cơ ấy. Trước tình trạng nguy hiểm này, Tổng thống LB Nga đã quyết định thành lập ủy ban trực thuộc tổng thống nhằm chống lại mưu toan xuyên tạc lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai, bảo vệ chân lí của sự kiện lịch sử.

Ở Việt Nam thì sao? Trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm tàn khốc nhưng oanh liệt và những sự kiện lịch sử sau đó, dân tộc ta đã phải chịu những hi sinh và mất mát vô cùng lớn để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, để có một Việt Nam với vị thế ngày càng cao như ngày nay. Cả dân tộc đang tiếp tục khắc phục hậu quả tàn khốc của chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới với những thành tựu vượt bậc, nhưng vẫn còn muôn vàn những khó khăn cần tiếp tục khắc phục và giải quyết. Lợi dụng những khó khăn ấy, những kẻ cơ hội chính trị và thù địch đang cố tình xuyên tạc lịch sử hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đánh sòng chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, coi những tổn thất, mất mát trong chiến tranh, coi những khó khăn thời hậu chiến… là do Đảng ta gây ra. Vừa tận hưởng nền hòa bình và ổn định chính trị trên đất nước ta ngày nay, họ vừa đưa ra những phán xét thiếu tính khoa học, thiếu tính lịch sử, đầy tính cực đoan và cơ hội về lịch sử Cách mạng Việt Nam. Họ hay phán về “những sai lầm” hoặc “những cơ hội bị bỏ lỡ” khi Đảng ta, không còn con đường nào khác, buộc phải lãnh đạo dân tộc ta đứng lên chống thực dân Pháp, quân xâm lược Mỹ ngay trên dải đất thân yêu của chính dân tộc mình vì nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong nhiều tháng qua, tại Cam-pu-chia, Tòa án xét xử tội ác của Khơ-me Đỏ đã tiến hành nhiều phiên xét xử các thủ lĩnh của chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ. Các bị cáo đã bị tòa kết tội diệt chủng, chống lại loài người. Án sẽ được tuyên, nhưng chắc chắn không bản án nào có thể cứu lại hàng triệu người, trong đó có cả những người Việt Nam bị chúng giết. Tuy nhiên, việc vạch mặt, chỉ tên những tội ác của chúng cũng là góp phần mang lại công lí cho hàng triệu nạn nhân của chế độ Khơ-me Đỏ. Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với nhân dân Cam-pu-chia tiến hành cuộc chiến tranh lật đổ chế độ tàn bạo Khơ-me Đỏ, vừa là để bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của quân đội Khơ-me Đỏ, tàn sát người Việt ở khu vực biên giới tây nam nước ta, vừa giúp giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi thảm họa diệt chủng. Sự hi sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam và quân tình nguyện Việt Nam trong thực thi trách nhiệm bảo vệ biên giới quốc gia ở phía tây nam và nghĩa vụ quốc tế cao cả ấy cũng đã và đang bị một số cá nhân cũng như thế lực xuyên tạc, phán xét một cách cơ hội và mù quáng. Họ đang xúc phạm công lao và sự hi sinh của những cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta trong việc xóa bỏ chế độ Khơ-me Đỏ, hồi sinh một dân tộc từ “cánh đồng chết”, và cả trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới quốc gia.

Âm mưu xét lại lịch sử và những mưu toan biến lịch sử thành công cụ chính trị sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu mới về hệ tư tưởng, sẽ làm chệch hướng việc cùng rút ra những bài học quí báu từ các sự kiện lịch sử. Nhìn lịch sử bằng thái độ cực đoan sẽ đưa người ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Đó là cơ hội béo bở để các lực lượng chống cộng dùng những điều tồi tệ của chiến tranh để bôi nhọ chiến thắng vinh quang và lịch sử hào hùng theo một kịch bản của “cuộc chiến xung quanh kí ức chiến tranh” trong làn sóng chống cộng quy mô lớn.

Hãy cảnh giác. Trước những thông tin ngược về các sự kiện và các vấn đề lịch sử, cần bình tĩnh đánh giá, xem xét dưới góc độ lịch sử và khoa học thì chúng ta sẽ hiểu rõ ngọn ngành, không tự đẩy mình vào mâu thuẫn với chính mình và với các vấn đề lịch sử.

KIM TÔN
qdnd.vn

Advertisement